Hỗ trợ tiêu hóa, giảm mệt mỏi
Theo TS - bác sĩ Phan Minh Đức, Phó trưởng Bộ môn Y học cổ truyền - Trường đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu y dược học, trái nhàu có tác dụng nhuận tràng, hỗ trợ hệ tiêu hóa, hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến tiêu hóa, lợi tiểu, giúp điều trị táo bón và làm co giãn cơ trơn. Dịch tiết có trong trái nhàu có khả năng kiểm soát dịch trong niêm mạc dạ dày, giúp giảm bớt triệu chứng trào ngược dạ dày và ngăn ngừa viêm loét dạ dày.
Sử dụng trái nhàu phù hợp giúp hỗ trợ sức khỏe
ẢNH: PHƯƠNG THẢO
Ngoài ra, trái nhàu giúp cải thiện sức khỏe tim mạch do chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho tim mạch, giúp cải thiện tuần hoàn máu, ngăn chặn tình trạng đông máu cục bộ và làm giảm nguy cơ đột quỵ. Theo một số nghiên cứu gần đây, việc sử dụng nước ép nhàu hằng ngày đã được chứng minh giúp giảm lượng cholesterol có hại. Điều này không chỉ giúp cải thiện sức khỏe tim mạch mà còn kích thích các phản ứng trong cơ thể, duy trì khả năng hoạt động lâu dài. Trái nhàu có thể sử dụng theo cách ép để lấy nước uống.
Với bệnh tiểu đường, các chất dinh dưỡng trong trái nhàu đã được chứng minh có khả năng hỗ trợ kiểm soát lượng đường huyết. Cụ thể, sau khi tiêu thụ nước ép trái nhàu, tác dụng cân bằng glycosylated hemoglobin cùng với huyết thanh, cholesterol lipoprotein có thể được điều chỉnh để đạt mức phù hợp. Ngoài ra, tinh chất tự nhiên từ trái nhàu còn có thể kích thích insulin, tăng cường khả năng hấp thụ đường glucose, kiểm soát đường máu.
Trái nhàu được xem là một loại dược liệu giúp giảm mệt mỏi và duy trì hoạt động thể lực. Các tinh chất có trong trái nhàu khi được hấp thụ vào cơ thể có thể thúc đẩy quá trình lưu thông máu đến não, giúp cải thiện trí nhớ và tăng cường khả năng tập trung.
Những điều cần lưu ý
Bác sĩ Phan Minh Đức lưu ý các trường hợp không nên dùng trái nhàu. Đầu tiên là người bị bệnh thận mãn tính. Do trái nhàu chứa nhiều kali, có thể gây nguy hiểm cho người có chức năng thận suy giảm.
Tiếp theo là phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, do tác động của trái nhàu đến thai nhi hiện chưa được nghiên cứu đầy đủ. Ngoài ra, người bị dị ứng với trái nhàu hoặc các sản phẩm từ nhàu cũng không sử dụng.
"Không lạm dụng trái nhàu. Dùng quá liều có thể gây tiêu chảy, buồn nôn, hoặc mất cân bằng điện giải (do kali cao). Ngoài ra, với những người đang dùng thuốc điều trị tăng huyết áp, tiểu đường hoặc mỡ máu, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng, vì trái nhàu có thể tương tác với một số loại thuốc", TS Đức lưu ý.
Về cách sử dụng trái nhàu tại gia đình, TS Đức hướng dẫn cách làm nước ép trái nhàu như sau: Dùng 30 - 50 ml nước ép nhàu mỗi ngày (chia 1 - 2 lần). Uống trước bữa ăn để hấp thu tốt hơn.
Trái nhàu phơi khô, pha trà: Sử dụng 5 - 10 gr nhàu khô hãm nước uống như trà. Có thể uống 2 - 3 lần/ngày.
Trái nhàu ngâm rượu (cần hạn chế với bệnh nhân huyết áp cao): Uống 15 - 20 ml/ngày, không lạm dụng.
Bột nhàu hoặc viên nhàu: Dùng theo hướng dẫn trên bao bì, thông thường là 2 - 4 gr/ngày.