Dự thảo đề án "Chuyển đổi xe 2 bánh từ xe xăng sang xe điện cho tài xế công nghệ và giao hàng tại TP.HCM" đưa lộ trình: từ tháng 1.2026 ngừng cho phép đăng ký mới phù hiệu (ngừng ký hợp đồng mới) đối với tài xế xe máy xăng có nhu cầu tham gia cung cấp dịch vụ trên các nền tảng gọi xe công nghệ. Từ tháng 1.2027, hạn chế xe xăng hoạt động trong giờ cao điểm tại các vùng phát thải thấp được thành phố quy định. Từ tháng 1.2028, siết chặt chính sách kiểm soát khí thải theo quy định. Từ tháng 12.2029 sẽ cấm hoàn toàn xe xăng tham gia cung cấp dịch vụ trên các nền tảng gọi xe công nghệ.

Khi tài xế công nghệ sử dụng xe điện với hình ảnh rõ nét, êm ái, sạch sẽ, tiết kiệm sẽ giúp thay đổi nhận thức cộng đồng và thúc đẩy nhu cầu sử dụng xe điện trong dân cư
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
5 lý do tài xế công nghệ được "chọn mặt gửi vàng"
Lý giải nguyên nhân chọn tài xế công nghệ và giao hàng là nhóm nên được triển khai chuyển đổi phương tiện đầu tiên trên hành trình theo đuổi giao thông xanh 100%, Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM (HIDS) chỉ rõ 5 lý do:
Thứ nhất, đây là nhóm có mức độ phát thải cao nhất trên mỗi đầu phương tiện. Theo khảo sát năm 2023, mỗi tài xế công nghệ tại TP.HCM di chuyển trung bình 80 - 120 km mỗi ngày, gấp 3 đến 4 lần so với người dân thông thường. Điều đó đồng nghĩa, chuyển đổi một chiếc xe của tài xế công nghệ sang xe điện có tác động giảm phát thải lớn gấp nhiều lần so với xe 2 bánh cá nhân.
Thứ hai, việc chuyển đổi xe điện cho nhóm này dễ tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội. Họ là lực lượng di chuyển nhiều, tiếp xúc trực tiếp với hàng triệu người dân mỗi ngày. Khi tài xế công nghệ sử dụng xe điện với hình ảnh rõ nét, êm ái, sạch sẽ, tiết kiệm sẽ giúp thay đổi nhận thức cộng đồng và thúc đẩy nhu cầu sử dụng xe điện trong dân cư.
Thứ ba, việc chuyển đổi giúp tài xế tiết kiệm đáng kể nhờ chi phí nhiên liệu và bảo trì. Cụ thể, điện rẻ hơn xăng khoảng 80% trên mỗi km vận hành và xe điện có ít chi tiết bảo dưỡng hơn so với xe xăng (không thay nhớt, không cần bảo trì động cơ đốt trong). Trung bình mỗi tài xế có thể tiết kiệm 1 - 1,3 triệu đồng mỗi tháng - một khoản đáng kể đối với mức thu nhập trung bình của tài xế công nghệ.
Thứ tư, thông qua các nền tảng công nghệ như Be, Grab, Shopee Food, Ahamove, Viettel Post... chính quyền có thể nhanh chóng tiếp cận, truyền thông, thống kê, định danh và giám sát tiến độ chuyển đổi. Nhiều doanh nghiệp vận tải đã sẵn sàng chuyển đổi và thực tế đã triển khai thí điểm sử dụng xe điện hai bánh cho đội ngũ tài xế, sẵn sàng mở rộng nếu có chính sách phù hợp từ nhà nước.
Thứ năm, mặc dù hạ tầng công nghiệp và thị trường đã sẵn sàng, việc thiếu các chính sách hỗ trợ vẫn là điểm nghẽn cần tháo gỡ. Các doanh nghiệp sản xuất như VinFast, Selex Motors, Datbike, Sơn Hà... đã phát triển các dòng xe điện tối ưu cho nhu cầu vận chuyển trong đô thị. Trở ngại lớn hiện nay là việc tiếp cận vốn của tài xế còn hạn chế, họ không có tài sản đảm bảo hoặc không có hộ khẩu tại TP.HCM.
Chính vì các lý do trên, HIDS nhận định việc triển khai đề án là hết sức cần thiết, nhằm hiện thực hóa các nguồn hỗ trợ khuyến khích của Chính phủ và TP.HCM, đồng thời tạo thông điệp lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, góp phần định hình một đô thị xanh, thông minh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao chất lượng sống cho thành phố sau khi mở rộng.

Trung bình mỗi tài xế có thể tiết kiệm 1 - 1,3 triệu đồng mỗi tháng tiền nhiên liệu nếu đổi sang xe điện
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Miễn thuế, vay ưu đãi, hỗ trợ tiền trực tiếp cho tài xế
Theo dữ liệu khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, thu nhập trung bình của nhóm tài xế tham gia khảo sát là 8,7 triệu đồng. Mức thu nhập này cao hơn thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam năm 2022 (6,7 triệu đồng), nhưng thấp hơn mức 10,9 triệu đồng tại TP.HCM. Bên cạnh đó, tài xế công nghệ làm việc trung bình 8,8 giờ/ngày và 25,4 ngày/tháng, cao hơn so với nhân viên văn phòng thông thường. Đáng chú ý, gần 20% lượng tài xế chạy xe tới 30 ngày/tháng, đồng nghĩa với việc họ lao động liên tục, hầu như không có ngày nghỉ.
Từ 2026, chỉ xe điện mới được chạy xe công nghệ và giao hàng tại TP.HCM
Về chi phí hoạt động, tiền xăng là chi phí lớn nhất của tài xế, chiếm khoảng gần 20% thu nhập sau khi đã trừ phí phải đóng cho doanh nghiệp vận tải công nghệ. Bình quân tốn khoảng 70.600 đồng, có khi lên đến 100.000 đồng mỗi ngày. Ngoài ra, chi phí sửa chữa và bảo dưỡng xe khoảng 3,08 triệu đồng/năm (tương đương khoảng 257.000 đồng/tháng).
Tuy nghiên cứu này chưa đi sâu vào phân tích nhu cầu và những trở ngại liên quan tới chuyển đổi sang xe điện, song vẫn có thể thấy rõ mối quan tâm lớn nhất của tài xế công nghệ chính là sự đảm bảo về một khoản thu nhập ổn định và tương đối so với công sức họ phải bỏ ra.
Do đó, để quá trình chuyển đổi sang xe điện được thực hiện thành công, HIDS đề xuất các chính sách và cơ chế tài chính hỗ trợ chuyển đổi cần được ưu tiên.

Hệ sinh thái xe điện hai bánh hỗ trợ chuyển đổi phương tiện cho tài xế công nghệ tại TP.HCM
ẢNH: HIDS
"Chi phí mua một xe điện hiện nay cao hơn thu nhập trung bình hàng tháng của tài xế công nghệ. Tài xế công nghệ với thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng không có khả năng tiết kiệm trong điều kiện chi phí sinh hoạt hiện tại. Ngoài ra, địa bàn TP.HCM là nơi có một số lượng rất lớn tài xế công nghệ từ các tỉnh thành khác đến hành nghề. Do đó, các chính sách ưu đãi cần được thiết kế một cách bao trùm để không bỏ rơi nhóm tài xế ngoại tỉnh này" - đơn vị nghiên cứu nhấn mạnh.
HIDS kiến nghị, bên cạnh các chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước như: miễn thuế VAT, miễn phí trước bạ phí đăng ký biển số cho xe điện hai bánh do tài xế công nghệ mua mới; cung cấp các gói vay ưu đãi vi mô với quy trình xét duyệt đơn giản và có cơ chế bảo lãnh; cần có thêm các hỗ trợ bổ sung như chiết khấu giảm giá hỗ trợ từ doanh nghiệp, trừ vào hóa đơn mua xe hoặc mua pin thứ hai; có chính sách bảo hành, bảo hiểm pin và bảo hiểm thu nhập chuyên biệt giúp giảm thiểu rủi ro tài chính; hỗ trợ tài xế từ 3 đến 4 triệu đồng cho chi phí mua pin thứ hai nhằm giảm gánh nặng về khấu hao đối với xe điện...