Phải bỏ nhà đi thuê trọ vì sợ sập
Nhiều người dân ở thôn Phú Nông, P.Phú Yên (xã Hòa Bình 1, H.Tây Hòa, Phú Yên cũ) đang phải đối mặt với tình trạng tường nhà bị rạn nứt, nền sụt lún mất an toàn. Nhiều gia đình phải đi thuê trọ ở tạm vì sợ nhà sập.

Căn nhà cấp 4 của bà Nguyễn Thị My Ni bị rạn nứt nghiêm trọng, buộc bà Ni phải ra ngoài thuê trọ
ẢNH: TRẦN BÍCH NGÂN
Cách công trình thi công chưa đầy 20 m, gia đình bà Nguyễn Thị My Ni (40 tuổi, ngụ P.Phú Yên) gồm 3 người đang phải ở trọ. Căn nhà cấp 4 từng là nơi gia đình bà sinh sống suốt 5 năm qua. Bà Ni cho biết căn nhà của gia đình bắt đầu xuất hiện các vết nứt chân chim kể từ 2024 và ngày càng nghiêm trọng.
"Từ lúc bắt đầu thi công cao tốc nhà tôi đã xuất hiện những vết nứt chân chim, sau một khoảng thời gian vết nứt dần lan rộng và nẻ ra, nền nhà đang dần sụt lún từng ngày. Đến thời điểm hiện tại, gia đình tôi không còn dám sống và sinh hoạt trong chính căn nhà của mình mà phải ra ngoài thuê trọ vì lo sợ nhà sẽ đổ sập", bà Ni nói.

Ngoài phần tường bị rạn nứt, nền nhà của bà Ni cũng bị sụt lún
ẢNH: TRẦN BÍCH NGÂN
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với nhà ông Lương Văn Tánh (62 tuổi, ở P.Phú Yên). "Vết nứt giờ lan cả lên mái, bức tường bị tách khỏi phần trần nhà. Mỗi khi có mưa, nước thấm xuống là sợ nhà sập. Tụi tôi nhiều lần kiến nghị rồi, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy bên thi công hay chủ đầu tư nói gì rõ ràng", ông Tánh bức xúc.

Phần tường nhà của ông Lương Văn Tánh bị nứt nẻ do ảnh hưởng từ thi công cao tốc Bắc - Nam
ẢNH: TRẦN BÍCH NGÂN
Theo ghi nhận, tại thôn Phú Nông hiện có trên 10 nhà dân bị ảnh hưởng bởi hoạt động thi công cao tốc Bắc - Nam, dự án thành phần cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong. Các căn nhà này cách công trường thi công cao tốc khoảng 15 - 20 m, đều có xuất hiện vết rạn nứt tường, lún nền ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu công trình và an toàn sinh hoạt.
Năm 2024, người dân bị ảnh hưởng tại thôn Phú Nông đã có đơn kiến nghị gửi đến xã Hòa Bình 1 (H.Tây Hòa cũ). Tuy nhiên sau nhiều lần địa phương và nhà thầu thi công đến làm việc, người dân vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Chính quyền và chủ đầu tư nói gì?
Ông Nguyễn Thái Thịnh, Phó chủ tịch UBND P.Phú Yên, cho biết địa phương đang phối hợp với đơn vị thi công kiểm tra, thống kê thiệt hại để có cơ sở báo cáo, đề xuất hướng xử lý.
"Trước mắt, chúng tôi phối hợp cùng nhà thầu để kiểm tra, thống kê lập danh sách các hộ bị ảnh hưởng, đo đạc mức độ nứt, sụt để xác định mức độ thiệt hại. Về việc đền bù, hỗ trợ cho người dân, đó là trách nhiệm của chủ đầu tư, sẽ làm việc và thỏa thuận cụ thể với từng hộ dân", ông Thịnh nói.

Phần tường bị nứt nẻ được ông Lương Văn Tánh khắc phục nhưng tình trạng rạn nứt lại xuất hiện
ẢNH: TRẦN BÍCH NGÂN
Trong khi chờ cơ quan chức năng vào cuộc, nhiều hộ dân ở thôn Phú Nông vẫn sống trong cảnh nơm nớp lo âu. Người phải đi ở trọ, người tránh tạm ở căn chái vì nhà bị nứt có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Dự án thành phần cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong có chiều dài khoảng 48 km, đi qua địa bàn 5 huyện, thị xã, thành phố: Tuy An, Tuy Hòa, Phú Hòa, Tây Hòa, Đông Hòa (thuộc tỉnh Phú Yên cũ, nay thuộc tỉnh Đắk Lắk). Dự án do Ban Quản lý Dự án 7 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, được xem là một trong những công trình trọng điểm quốc gia, hiện đang được gấp rút thi công để bảo đảm tiến độ.

Nhiều nhà dân tại thôn Phú Nông, P.Phú Yên, Đắk Lắk (xã Hòa Bình 1, H.Tây Hòa, Phú Yên cũ).
ẢNH: TRẦN BÍCH NGÂN
Trả lời vấn đề này, đại diện Ban Quản lý Dự án 7 cho biết: "Trước khi thi công, phía chủ đầu tư đã phối hợp với địa phương đến nhà dân gần khu vực công trường để ghi nhận hiện trạng ban đầu. Sau khi thi công xong vào ngày 30.6, chúng tôi đã lập đoàn đi kiểm tra để ghi nhận ảnh hưởng sau thi công. Sau đó bảo hiểm sẽ đánh giá và đưa ra mức đền bù. Hiện tại đoàn này đang đi ghi nhận và kiểm tra để đối chiếu. Từ đó, đơn vị bảo hiểm sẽ áp giá đền bù".