Doanh nghiệp căng thẳng, lo hàng hóa giảm sức cạnh tranh vì thuế đối ứng của Mỹ

Tôm cá không còn khả năng vào Mỹ?

Ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP thủy sản Cafatex, thừa nhận mức thuế đối ứng này không phải khó mà là rất khó, không chỉ với thủy sản mà rất nhiều ngành nghề. Nhiều doanh nghiệp (DN) ở ĐBSCL đã tạm dừng mua hàng và chỉ nhận những hợp đồng thu mua nguyên liệu đã ký trước đó để hạn chế tồn kho xuống mức thấp nhất. "Hợp đồng mới là rất khó, nhưng ngay cả những hợp đồng đã ký và chuẩn bị giao hàng rất khó thực hiện vì khách hàng có thể sẽ đàm phán lại và yêu cầu trì hoãn", ông Kịch rầu rĩ.

Doanh nghiệp việt nam đối mặt thách thức từ thuế đối ứng Mỹ 46 % - Ảnh 1.

Xuất khẩu thủy sản của VN vào Mỹ sẽ bị ảnh hưởng lớn khi thuế đối ứng có hiệu lực

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Cần xây dựng cơ chế liên kết, hợp tác bền chặt giữa nhà nước - DN - các hiệp hội ngành hàng và các tổ chức quốc tế để cùng xây dựng kịch bản ứng phó, tăng cường dự báo và hoạch định chính sách chiến lược. Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau. Phát huy tinh thần chủ động và đoàn kết là rất quan trọng trong giai đoạn bất định hiện nay.

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thủy sản và thương mại Thuận Phước (TP.Đà Nẵng), nhận xét: Ngoài mức thuế cao gây sốc thì điều bất ngờ là thời gian áp dụng thuế đối ứng rất gấp, ngay ngày 9.4 tới. Điều này khiến nhiều DN có hàng đang trên đường tới Mỹ và sẽ cập cảng sau ngày 9.4 gặp khó khăn vì trở tay không kịp, vì bị áp mức thuế này là ngoài sức chịu đựng của DN. 

"Tôi đang rất đau đầu và chưa biết ứng phó thế nào, thảo luận với đối tác ra sao. Trong 5 năm qua, tôm VN đã chiếm lĩnh phân khúc chế biến sâu và vươn lên vị trí thứ 2 về sản lượng ở Mỹ, chỉ sau tôm của Ecuador. Phải chịu mức thuế 46% sẽ khiến cho giá bán tôm của VN tăng mạnh, trong khi mức thuế mà Ecuador phải chịu chỉ 10%. Như vậy tôm VN gần như không còn khả năng cạnh tranh để vào Mỹ", ông Lĩnh nói và cho biết đã tính tới giải pháp triệu hồi những lô hàng đang trên đường tới Mỹ quay về.

"Nếu ngành thủy sản bị áp thuế 46% thì thật sự tôm cá VN không thể tiếp tục vào Mỹ. Bởi hiện nay sản phẩm của VN đang chịu rất nhiều loại thuế như chống bán phá giá, chống trợ cấp. Việc duy trì thị trường này chỉ có ý nghĩa về mặt doanh số, đa dạng hóa thị trường và ngành hàng chứ thực tế nhiều DN đã phải gồng lỗ trong một số thời điểm", ông Trần Văn Lĩnh nói thêm.

Bà Tô Thị Tường Lan, Phó tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu và chế biến thủy sản VN (VASEP), xác nhận, hôm qua 3.4 các DN thủy sản "nháo nhào" vì thuế đối ứng mà Mỹ tuyên bố áp dụng với VN. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng thế nào thì VASEP đang thu thập thông tin cụ thể. "Mức thuế này thực sự là điều hết sức bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng với cộng đồng DN. Do vậy, điều quan trọng là chúng ta phải thật sự bình tĩnh để đánh giá tình hình. Chúng tôi sẽ sớm tập hợp thông tin đầy đủ, cụ thể và kiến nghị giải pháp gửi lên Chính phủ để chung tay tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của VN", bà Lan cho biết.

Doanh nghiệp dệt may, đồ gỗ… mong chờ đàm phán

Theo bảng công bố của Mỹ, các mặt hàng có thể chịu thuế theo mục M232 trong tương lai là không nằm trong nhóm hàng hóa chịu thuế quan qua lại. Trao đổi với Thanh Niên, một số DN xuất khẩu gỗ và đồ gỗ sang Mỹ cho biết, các sản phẩm gỗ và đồ gỗ VN đang bị điều tra theo mục M232, bao gồm các sản phẩm gỗ thuộc mã HS 94 (đồ gỗ) và từ mã HS 4414 đến 4421 chưa bị áp thuế ngay mà còn chờ kết quả điều tra 270 ngày. Riêng các sản phẩm gỗ dạng tấm và các sản phẩm thuộc mã HS 4401 - 4413 vẫn bị áp thuế đối ứng 46%. Một DN xuất khẩu gỗ tại Bình Dương cho rằng nếu Mỹ quyết liệt với mức thuế đối ứng cho 2 mã hàng trên, nguy cơ bị hủy đơn hàng sắp tới là rất cao.

Doanh nghiệp việt nam đối mặt thách thức từ thuế đối ứng Mỹ 46 % - Ảnh 2.

Doanh nghiệp dệt may, da giày lo mất khách hàng vì thuế đối ứng cao của Mỹ

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Ông Tô Ngọc Ngời, Tổng giám đốc Công ty CP sản xuất - xuất nhập khẩu lâm sản Sài Gòn, chia sẻ thêm: Trước mắt những sản phẩm có mã HS mà VN xuất sang Mỹ không nằm trong danh sách thuế đối ứng, nhưng một số mặt hàng khác sẽ bị áp thuế đối ứng quá cao sẽ ảnh hưởng lớn đến đơn hàng. Giải pháp trước mắt lẫn lâu dài, ông Ngời nhấn mạnh quản lý xuất xứ vẫn rất quan trọng. Bên cạnh đó, VN mong chờ vào đàm phán cấp cao giữa lãnh đạo hai nước trong những ngày tới, trước khi thuế đối ứng chính thức có hiệu lực.

Tương tự, các DN dệt may cũng đứng ngồi không yên ngay sau khi thông tin Mỹ áp thuế đối ứng với hàng hóa VN. Theo ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, công ty đã tính toán phương án có thể Mỹ áp mức thuế tổng hợp chung là 25% và các phương án dự phòng được xây dựng ở mức đó. Thế nên ông rất bất ngờ với mức thuế 46% mà Mỹ áp dụng đối với hàng hóa VN.

Doanh nghiệp việt nam đối mặt thách thức từ thuế đối ứng Mỹ 46 % - Ảnh 3.

Doanh nghiệp dệt may, da giày lo mất khách hàng vì thuế đối ứng cao của Mỹ

ẢNH: NGỌC THẮNG

"Đây là câu chuyện rất lớn và cực kỳ khó khăn. Bởi hiện tại hàng dệt may xuất khẩu sang Mỹ đang có mức thuế suất bình quân 12%, riêng mặt hàng jean, khaki của công ty chịu mức thuế nhập khẩu 16%. Cộng thêm thuế đối ứng 46%, hàng dệt may bị đánh thuế khoảng 58% trở lên. Lúc này, chúng tôi chưa biết nói gì hơn, nhưng kỳ vọng sẽ có cuộc đàm phán tiếp giữa các nhà lãnh đạo cao cấp hai nước…", ông Phạm Văn Việt chia sẻ.

Với Công ty CP dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công, thị trường Mỹ chiếm 25% kim ngạch xuất khẩu hằng năm. Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT công ty, cho biết các sản phẩm đang xuất khẩu vào Mỹ chịu thuế suất bình quân 15 - 17%. Nếu bị áp thuế thêm 46% thì các DN cũng không chịu nổi. Thậm chí, các đơn hàng dệt may mà DN đã nhận được để sản xuất trong quý 2 và thậm chí sang quý 3/2025 cũng có thể bị hoãn hay bị hủy. 

Theo ông Tùng, trong số 3 quốc gia xuất khẩu hàng may mặc nhiều nhất vào Mỹ là Trung Quốc, VN và Bangladesh, thì mức thuế đối ứng của hai quốc gia kia đều thấp hơn VN. Nếu bị áp thuế 46% tối đa thì các khách hàng sẽ cân nhắc không mua hàng của VN, chưa tính đến kịch bản xấu nhất là cộng thêm thuế đối ứng khiến hàng may mặc VN vào Mỹ phải chịu thuế hơn 60%. Với mức này thì DN không chịu nổi, ngay cả có thể đàm phán chia sẻ gánh nặng về thuế với đối tác.

"Biên lợi nhuận của ngành may rất thấp, nếu DN buộc phải chia sẻ mức thuế với khách hàng theo tỷ lệ 50% mà lên đến 20 - 25% thì cũng sẽ không còn lời, thậm chí là lỗ. Chúng tôi hy vọng với những nỗ lực đàm phán của Chính phủ thì thuế đối ứng áp dụng cho hàng hóa VN sẽ giảm so với con số 46% đã công bố hoặc có thể áp dụng theo lộ trình cam kết nào đó", ông Trần Như Tùng nói.

Chuyển hướng thị trường

Hầu hết các DN đều cho biết ngoài việc chờ đợi Chính phủ có giải pháp vĩ mô để đàm phán với Mỹ nhằm giảm thuế đối ứng của VN, thì việc đa dạng hóa thị trường là điều phải làm. Dù vậy, kịch bản này cũng có rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Kịch phân tích, Mỹ là nhà mua hàng lớn nhất, nay cả thế giới đều không bán được cho họ đồng nghĩa với lượng hàng tồn đọng rất lớn. Mặt khác, những nhà mua hàng khác cũng sẽ dựa vào diễn biến ở thị trường Mỹ để đè giá của các nhà xuất khẩu, dẫn đến xu hướng hàng hóa giảm giá mạnh đồng loạt ở nhiều nơi, nhiều ngành. Trong khi đó, để thị trường Mỹ thích nghi với mặt bằng giá mới thì nhanh nhất cũng mất 1 năm. Chính vì vậy, ở tầm vĩ mô thứ nhất là phải đàm phán để hạ được thuế, thứ hai là cần có thời gian chuẩn bị ít nhất phải 3 tháng. Bên cạnh các chính sách thương mại thì cộng đồng DN cần Chính phủ có chính sách hỗ trợ DN duy trì hoạt động trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Doanh nghiệp việt nam đối mặt thách thức từ thuế đối ứng Mỹ 46 % - Ảnh 4.

Hàng hóa VN bị Mỹ công bố áp thuế đối ứng cao bất ngờ

ẢNH: QUỐC TUẤN

Ông Trần Như Tùng nói sẽ cố gắng tìm thêm thị trường mới như châu Âu vì hàng hóa VN xuất sang thị trường này đang có thuế 0%. Sau đó là các thị trường như Canada, Úc là những quốc gia nằm trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và một số thị trường Trung Đông. Các thị trường có thể bán hàng nhiều nhưng còn phụ thuộc vào khả năng thích ứng, cơ hội của từng DN để bù đắp cho số lượng hàng hóa bán vào thị trường Mỹ có khả năng bị giảm khi thuế gia tăng.

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, nhận định chính sách thuế đối ứng Mỹ công bố áp dụng ở mức 46% đối với VN không chỉ tác động trực tiếp đến các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử, mà còn kéo theo hàng loạt hệ lụy liên quan đến chuỗi cung ứng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thị trường lao động và tăng trưởng GDP. Chính phủ cần chủ động tiếp cận các kênh đối thoại song phương với Mỹ để tìm kiếm các biện pháp miễn trừ hoặc giảm nhẹ mức thuế áp dụng, ít nhất là đối với một số mặt hàng chiến lược. Quan hệ Việt - Mỹ đang trong giai đoạn phát triển tích cực, đặc biệt sau khi nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2023. VN hoàn toàn có thể tận dụng mối quan hệ này để vận động, đàm phán nhằm thiết lập các cơ chế linh hoạt, như quota đặc biệt, ưu đãi thuế tạm thời, hay cam kết cải thiện tiêu chuẩn chất lượng và lao động. Đây là công cụ ngắn hạn nhưng quan trọng để giảm sốc cho các DN.

Cụ thể, ông Tuấn kiến nghị Chính phủ cần triển khai ngay các gói hỗ trợ cho DN bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế của Mỹ, bao gồm miễn giảm thuế trong nước, giãn nợ, hỗ trợ tín dụng ưu đãi, giảm chi phí vận tải, logistics, chi phí hành chính, chi phí không chính thức và đào tạo kỹ năng cho người lao động. Đồng thời, cần phát huy vai trò của các trung tâm xúc tiến thương mại, chuyển đổi số và công nghệ nhằm tăng cường cung cấp thông tin, công cụ và đào tạo cho DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ. Mục tiêu là giúp DN nhanh chóng thích ứng với môi trường thuế quan mới, xem nó như một phần khó tránh khỏi trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị thế giới hiện nay.

Về phía DN cần nỗ lực đẩy nhanh tiến trình đa dạng hóa thị trường để giảm lệ thuộc vào thị trường Mỹ. Các thị trường vẫn còn nhiều tiềm năng như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN, Trung Đông và châu Phi cần được khai thác mạnh mẽ hơn thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà VN đang là thành viên như CPTPP, EVFTA, RCEP. Song song đó, Chính phủ cần hỗ trợ DN chi phí nghiên cứu và gia nhập thị trường, chuyển đổi mẫu mã, tiêu chuẩn và logistics để tiếp cận hiệu quả hơn. Đây là chiến lược trung và dài hạn nhằm gia tăng sức chống chịu cho nền kinh tế trước các cú sốc thương mại do chính quyền Trump đưa ra.

Về dài hạn, VN cần chuyển từ chiến lược xuất khẩu giá rẻ sang mô hình xuất khẩu dựa trên giá trị gia tăng cao. Việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện thiết kế, phát triển thương hiệu và tích hợp công nghệ sẽ giúp hàng hóa VN giữ được vị thế dù phải chịu mức thuế cao. Đặc biệt, xu hướng tiêu dùng xanh và bền vững trên thế giới đang mở ra cơ hội cho các DN có khả năng đáp ứng tiêu chuẩn môi trường, truy xuất nguồn gốc và lao động.

"Đây là thời điểm VN cần đầu tư vào phát triển công nghiệp hỗ trợ một cách mạnh mẽ hơn nữa, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và từng bước làm chủ chuỗi giá trị. Việc chúng ta quá phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu vừa làm gia tăng chi phí, vừa khiến DN dễ tổn thương trước biến động bên ngoài. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế liên kết, hợp tác bền chặt giữa nhà nước - DN - các hiệp hội ngành hàng và các tổ chức quốc tế để cùng xây dựng kịch bản ứng phó, tăng cường dự báo và hoạch định chính sách chiến lược. Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau. Phát huy tinh thần chủ động và đoàn kết là rất quan trọng trong giai đoạn bất định hiện nay", ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nhấn mạnh.

Dù vậy, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn lưu ý, chính sách thuế này không chỉ nhắm đến riêng VN mà còn áp dụng với nhiều quốc gia, bao gồm cả những đối thủ cạnh tranh trực tiếp của VN trong một số ngành hàng xuất khẩu. Điều này đồng nghĩa với việc môi trường cạnh tranh có thể tái định hình theo hướng toàn diện hơn, chứ không chỉ là bất lợi đơn phương cho VN. Vì vậy, từng ngành hàng cần chủ động đánh giá lại vị thế cạnh tranh của mình, bao gồm cả lợi thế lẫn thách thức, để xây dựng các kịch bản ứng phó phù hợp và linh hoạt. Hơn nữa, có thể thấy rằng mục tiêu thực sự của chính sách thuế này, đặc biệt dưới thời Tổng thống Donald Trump, dường như là nhằm gây sức ép để thúc đẩy quá trình đàm phán thương mại hơn là thực sự mong muốn kéo dài căng thẳng. Trong bối cảnh đó, giải pháp đối thoại và thương lượng sẽ là con đường hợp lý hơn so với các hành động trả đũa, giúp hai bên tìm được tiếng nói chung và tránh được những tổn thất không cần thiết về kinh tế và quan hệ đối tác chiến lược, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn chia sẻ thêm.

Cấp thiết tái cấu trúc hoạt động xuất khẩu 

Còn chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng đầu tiên phải xác định đây vẫn mới chỉ là mức thuế dự kiến. Chính phủ đã thành lập Tổ phản ứng nhanh gồm các bộ, ngành có liên quan trực tiếp sang Mỹ để đàm phán lại là hành động rất tích cực và đáng ghi nhận, cũng dựa trên tinh thần xây dựng và hợp tác lâu dài. Chúng ta cũng có quyền kỳ vọng là đoàn công tác sẽ thu về nhiều kết quả tích cực hơn so với thông tin ban đầu hiện nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục tiềm ẩn nhiều bất định, việc tái cấu trúc hoạt động xuất khẩu trở thành yêu cầu cấp thiết nhằm tăng khả năng thích ứng và nâng cao sức chống chịu cho nền kinh tế VN.

Về mặt thương mại, đầu tiên là bên cạnh các thị trường truyền thống cần chủ động mở rộng thị trường mới, đặc biệt là những thị trường mà VN có ký kết FTA. Những hiệp định này đã mở ra cánh cửa lớn cho hàng hóa VN tiếp cận các thị trường giàu tiềm năng. Bên cạnh đó, việc nâng tiêu chuẩn sản phẩm để "đi đường dài" theo xu hướng xanh và bền vững, kinh tế tuần hoàn. Phát triển hạ tầng logistics và đẩy mạnh thương mại điện tử xuyên biên giới đang được coi là giải pháp chiến lược để hỗ trợ xuất khẩu.

Về mặt đầu tư sản xuất, cần rà soát quy tắc xuất xứ và tăng cường truy xuất nguồn gốc. Trước các cáo buộc gian lận xuất xứ, việc siết chặt quản lý và tăng cường minh bạch là yêu cầu cấp thiết. Giải pháp trọng điểm giám sát chặt chẽ việc cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa; phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, kết nối dữ liệu toàn chuỗi. Bên cạnh đó, đổi mới mô hình xuất khẩu theo chiều sâu. VN cần tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng công nghệ trong sản phẩm, đặc biệt với các ngành hàng chủ lực như điện, điện tử; hiện tỷ lệ nội địa hóa vẫn dưới 40%. Việc chuyển dịch sang các sản phẩm xanh, sản phẩm số sẽ là động lực mới cho tăng trưởng.

Về tài chính tín dụng, VN có số DN nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% và cũng là nhóm dễ bị tổn thương nhất khi bước ra thị trường quốc tế. Nhà nước cần tiếp tục có các chính sách thiết thực để hỗ trợ nhóm này đổi mới công nghệ, tiếp cận tín dụng xanh và đẩy mạnh xúc tiến thương mại.

Nguy cơ bị áp thuế của rau quả VN thấp

Chúng ta vẫn phải tiếp tục chờ xem Mỹ sẽ áp thuế với từng ngành hàng như thế nào. Khả năng những ngành hàng trước nay có giá trị xuất khẩu lớn vào Mỹ sẽ có nguy cơ chịu thuế rất cao và ngược lại ngành hàng giá trị thấp rủi ro ít. Trên logic đó thì ngành rau quả chịu rủi ro khá thấp; cụ thể trong năm 2024, VN xuất vào Mỹ chỉ có 360 triệu USD, con số này chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong thương mại giữa hai nước. Thêm vào đó, VN nhập khẩu rau quả từ Mỹ đến 540 triệu USD. Như vậy, nguy cơ với ngành này khá thấp. 

Trong nhiệm kỳ đầu Tổng thống Donald Trump đã áp thuế mạnh lên hàng hóa Trung Quốc. Khi Tổng thống Joe Biden nắm quyền, chính sách thuế này vẫn được duy trì. Đến nhiệm kỳ thứ 2 của ông Donald Trump, ông tiếp tục phát động "thương chiến" trên quy mô lớn hơn. Dẫn chứng này để thấy rằng giai đoạn thương mại tự do toàn cầu đã lùi xa và bây giờ là thời kỳ thương chiến kéo dài. Chính vì vậy, VN cần xây dựng chiến lược ứng phó tích cực trong dài hạn. Những chính sách đó là về mặt thương mại giữa các quốc gia để cạnh tranh với các nước không có thuế và thuế thấp hơn chúng ta. Ở góc độ DN là việc tính toán lại chi phí sản xuất, vận hành, quản lý, logistics…

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao