Điện giúp bác nông dân thành ông chủ đầm tôm lớn

Điện là yếu tố then chốt trong để phát triển kinh tế vùng ĐBSCL

Tôi may mắn có cơ hội được chứng kiến sự thay da đổi thịt trong đời sống kinh tế của bà con nông dân nuôi trồng thủy hải sản tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - khu vực được hưởng lợi trực tiếp từ chương trình "Điện khí hóa nông thôn".

Trong 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, các tỉnh duyên hải là nơi tập trung nghề nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ. Diện tích nuôi tôm tại đây phát triển nhanh chiếm hơn 90% diện tích nuôi tôm cả nước. Nhận thấy tiềm năng vượt trội của khu vực này, từ những năm 2010, nhiều tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế bắt đầu triển khai các dự án hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ cho người dân nuôi tôm.

Khi ấy tôi là một điều phối viên thực hiện dự án phát triển sinh kế bền vững cho người dân ĐBSCL. Tôi có thời gian dài rong ruổi khắp các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ để phục vụ cho công tác tiền trạm. Tham gia các chuyến thực địa giúp tôi hiểu rõ được những khó khăn mà bà con nông dân gặp phải khi hạ tầng lưới điện còn thiếu và chưa đồng bộ. Lúc đó, nhiều hộ nhỏ lẻ và doanh nghiệp nuôi tôm phải dùng máy nổ chạy bằng dầu diesel để có điện để vận hành giàn quạt sục oxy.

Điện là yếu tố then chốt trong các dự án phát triển, thiếu điện thì tất cả các mô hình nuôi tôm cải tiến áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại của các quốc gia Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ như nuôi tôm khép kín công nghệ cao, nuôi tôm dùng quạt kết hợp sục oxy khí dưới tầng đáy đều trở nên vô nghĩa. Thời điểm đó, hạ tầng lưới điện tại địa bàn không thể đáp ứng được công suất hoạt động của các giàn quạt tạo oxy trong diện tích ao lớn. Các tổ chức cũng đành lực bất tòng tâm vì có hỗ trợ khoa học công nghệ thì bà con cũng chẳng thể áp dụng vào sản xuất được.

Điện giúp bác nông dân thành ông chủ đầm tôm lớn- Ảnh 1.

Công nhân Điện lực miền Nam kiểm tra hệ thống điện tại đầm tôm ở Sóc Trăng

ẢNH: TƯ LIỆU

Năm 2013, Quyết định số 2081 của Thủ tướng phê duyệt Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013 - 2020 đã gỡ nút thắt khó khăn về điện cho các tỉnh ĐBSCL. Tôi nhớ tiếp sau đó một loạt các chính sách được EVNSPC triển khai để giải quyết bài toán thiếu điện trên địa bàn. Giai đoạn 2015-2020, EVNSPC được Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao làm chủ đầu tư của 12 trong số 17 dự án thành phần cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia trong đó có 6 tỉnh ĐBSCL. Năm 2017, EVNSPC đầu tư trên 300 tỉ đồng bằng nguồn vốn tự có để thực hiện đầu tư cấp điện phục vụ nuôi tôm, với tiêu chí ưu tiên các khu vực cấp bách có diện tích ao nuôi tôm phát triển mạnh. Cùng trong năm 2017, EVNSPC triển khai đề án "Hỗ trợ tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm tại ĐBSCL và một số tỉnh Nam bộ giai đoạn 2016 - 2018".

Lời tri ân với Điện lực miền Nam - EVNSPC

Để triển khai được các dự án ấy là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của công nhân viên EVNSPC, đặc biệt là những những đồng chí bám trụ địa bàn trong thời gian dài. Khi ấy, tổ chức của tôi triển khai dự án thí điểm tại hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh. EVNSPC lắp đặt hệ thống điện đến đâu, xong là chúng tôi tư vấn, hỗ trợ bà con kỹ thuật sản xuất đến đó. Tuy nhiên, suốt quá trình thực hiện dự án chúng tôi gặp không ít trở ngại. Vùng nông thôn sông nước miền Tây Nam bộ đặc trưng với hệ thống sông ngòi chằng chịt nên di chuyển không thôi đã là một thách thức lớn đối với người miền Bắc như tôi rồi. Việc thi công công trình điện đến từng hộ gia đình nuôi tôm còn gặp khó khăn hơn gấp nhiều lần do giao thông chủ yếu là đường thủy, nhiều vùng thậm chí chưa có đường giao thông chính, dân cư sống thưa thớt, các vùng nuôi tôm chưa được quy hoạch tập trung. Khó khăn là vậy nhưng vượt qua mọi thách thức EVNSPC vẫn bám trụ đưa điện về làng cho bà con phục vụ sản xuất.

Điện giúp bác nông dân thành ông chủ đầm tôm lớn- Ảnh 2.

Đầm nuôi tôm tại Sóc Trăng

ẢNH: TGCC

Điện về, đời sống kinh tế của người dân ĐBSCL đều khởi sắc, hoạt động sản xuất của bà con nuôi tôm có những bước tiến rất nhanh so với thời gian trước… Bẵng đi một thời gian, năm 2020 tôi mới có dịp quay trở lại thăm một số hộ nuôi tôm nằm trong vùng dự án tại Sóc Trăng. Các bác nông dân tập tành khởi nghiệp để thoát nghèo ngày nào nay đã trở thành chủ những đầm tôm mênh mông.

Chú Bảy nuôi tôm tại Sóc Trăng khoe năm nay trúng vụ tôm được gần một tỉ đồng "mừng quá trời quá đất". Chú nói một phần nhờ ngành điện hỗ trợ thay đổi chi tiết bộ phận cánh quạt. Hệ thống quạt oxy hoạt động tốt hơn mà chi phí lại giảm đáng kể. Thay vì sử dụng gỗ làm bệ đỡ của trục quay cánh quạt, sáng kiến mới là dùng bệ đỡ bằng nhựa với hai con quay, giúp giảm ma sát, giảm điện năng tiêu thụ và tăng tốc độ quạt. Nhờ vậy mà mỗi tháng chú tiết kiệm được gần 2 triệu tiền điện. "Chú tích cực tham gia đề án tiết kiệm điện của EVNSPC nên được cấp phát thiết bị miễn phí, chỉ tốn chi phí bảo trì, bảo dưỡng", chú Bảy cho biết.

Nhiều đầm tôm mà tôi từng một thời thuộc lòng mọi ngóc ngách nay vẫn còn nhưng từ diện tích cho đến cơ sở hạ tầng đều thay đổi theo hướng hiện đại hóa. Sóc Trăng đã phát triển rực rỡ hơn so với trước đây. Chỉ có một điều không bao giờ thay đổi ở mảnh đất này, mà ai từng sống cũng đều cảm nhận được, đó là tính cách hào sảng, bình dân cũng như lối sống trọng tình của người miền Tây. Họ vẫn vồn vã, tình cảm, và bình dị.

Trở lại ĐBSCL ngắm nhìn những mô hình nuôi tôm quy mô hiện đại và chứng kiến đời sống của bà con khấm khá, bớt cực nhọc hơn trước tôi thấy vui trong lòng. Quả đúng là như lời đồn "dân nuôi tôm đất này giàu lên công lớn là nhờ EVNSPC".

Cuộc thi viết "50 năm thắp sáng niềm tin" có tổng giải thưởng lên đến 100 triệu đồng.

- Nhận bài thi đến hết ngày 30.4.2025.

- Email: [email protected]. Mời quý bạn đọc xem thể lệ cuộc thi trên thanhnien.vn/evnspc.vn.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao