Dịch bệnh lan rộng kéo giá thịt heo rớt nhanh

Dịch tả heo lan nhanh

Sau khi sáp nhập với Bình Phước, tỉnh Đồng Nai mới có tổng đàn heo hơn 4 triệu con. Từ đầu năm đến nay, thủ phủ chăn nuôi của cả nước đang bị ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở nhiều nơi. Theo Chi cục Chăn nuôi và thủy sản Đồng Nai, trong 7 tháng qua, trên địa bàn Đồng Nai xảy ra 13 ổ dịch tả heo châu Phi, tăng 9 ổ so với cùng kỳ năm 2024. Lực lượng chức năng đã phải tiêu hủy gần 4.000 con heo bệnh, chết.

Dịch bệnh lan rộng kéo giá thịt heo rớt nhanh- Ảnh 1.

Dịch tả heo châu Phi lan rộng khiến người chăn nuôi phải bán tháo đàn heo

ẢNH: Đ.Đ

Tại Phú Thọ, Gia Lai, Đắk Lắk, nhiều địa phương đã phát hiện tình trạng vứt xác động vật chết xuống ao, hồ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đây là những nơi vừa mới bùng phát dịch tả heo châu Phi trong thời gian gần đây.

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi và thú y (Bộ NN-MT), từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 636 ổ dịch tại 30/34 tỉnh, thành phố, số heo mắc bệnh là 42.349 con; số heo chết, buộc tiêu hủy là 43.375 con. Hiện còn 256 ổ dịch tại 26 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Đặc biệt, trong hai tháng 6 và 7.2025, bệnh dịch tả heo châu Phi gia tăng tại các tỉnh, thành phía bắc (Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Nội…) và miền Trung (Gia Lai, Quảng Ngãi…).

Theo ông Phan Quang Minh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi và thú y, dịch tả heo châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, chủ yếu là tái phát các ổ dịch cũ, phát sinh ở loại hình chăn nuôi quy mô nhỏ (bình quân 50 - 60 con/ổ dịch) tại các hộ gia đình nơi có điều kiện chăn nuôi không đảm bảo an toàn sinh học. Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao, nguyên nhân do chăn nuôi nhỏ lẻ còn khá phổ biến, chiếm tỷ lệ cao.

Bên cạnh đó, hiện tượng người chăn nuôi giấu dịch, khi đàn vật nuôi có dấu hiệu nghi mắc bệnh thường không thông báo cho chuyên môn thú y, chính quyền địa phương để được hỗ trợ điều trị, xử lý mà bán chạy, vứt xác ra môi trường làm dịch bệnh lây lan rộng.

Lãnh đạo Bộ NN-MT cho biết tại một số địa phương vẫn còn tình trạng người dân vứt xác heo chết do dịch bệnh ra sông, mương… ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe và tạo cơ hội lây lan vi rút. Hành động này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và làm tăng nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh, mà còn vi phạm quy định của luật Thú y, cần phải được nhanh chóng ngăn chặn và chấn chỉnh.

Giá thịt heo giảm mạnh

Giá heo hơi từ mốc 70.000 đồng/kg trong 2 tuần trước đã nhanh chóng rớt về mức 62.000 đồng/kg ở thời điểm hiện tại. Trong đó, giá heo hơi tại Gia Lai, nơi mới vừa xảy ra dịch tả heo châu Phi, đang ở mức thấp nhất cả nước là 60.000 đồng/kg. Giá heo hơi giảm nhanh kéo theo giá thịt heo bán sỉ và bán lẻ tại chợ cũng giảm mạnh.

Dịch bệnh lan rộng kéo giá thịt heo rớt nhanh- Ảnh 2.

Thịt heo hiện đã giảm giá bình quân từ 15.000 - 20.000 đồng/kg so với cách đây một tháng

ẢNH: Đ.Đ

Đi chợ mua thịt heo tại chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM) mấy ngày gần đây, anh Võ Minh Tâm, chuyên dịch vụ bán lẻ thực phẩm, cho biết: "Mấy hôm trước giá thịt heo ở chợ này còn cao ngất, nhưng hiện nay đều giảm đột ngột. Ví dụ như nọng heo hôm trước tôi mua 75.000 đồng/kg, nay chỉ còn 63.000 đồng/kg. Hay như cốt lết chặt sẵn trước đây lên đến 100.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 80.000 đồng/kg. Những sản phẩm khác đều giảm 8.000 - 10.000 đồng/kg".

Theo khảo sát của PV Thanh Niên, tại hệ thống cửa hàng thực phẩm Bách Hóa Xanh, giá thịt heo đang giảm, khuyến mãi từ 5 - 20% tùy mặt hàng. Ví dụ thịt nạc heo C.P giảm từ 162.000 đồng/kg xuống còn 142.000 đồng/kg (giảm 12%), sườn cốt lết giảm từ 125.000 đồng/kg xuống còn 100.000 đồng/kg. Tại các siêu thị khác, nhu cầu tiêu thụ thịt heo cũng dần ổn định và hầu hết đều áp dụng mức khuyến mãi 15 - 20%. Chị Nguyễn Thị Quế Anh, ngụ P.Phú Thuận (TP.HCM), cho biết: "Tôi thường xuyên đi siêu thị mỗi ngày để mua thực phẩm cho gia đình, gần đây thông tin dịch tả heo khiến tôi bất an nên giảm tiêu thụ và chuyển sang các loại thực phẩm khác như thịt gà, thủy sản để thay thế".

Lý giải về nguyên nhân giá thịt heo giảm nhanh, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết: "Từ đầu năm đến nay giá thịt heo ở mức cao, kích thích người dân tái đàn trở lại. Sau khoảng 6 tháng cũng là lúc nguồn cung đã dồi dào hơn. Dịch bệnh xảy ra nhiều nơi trong tháng 6, tháng 7 khiến người chăn nuôi lo lắng và tranh thủ bán hàng ra nhiều hơn, dù heo chưa đạt trọng lượng. Trong khi đó thị trường đang bước vào giai đoạn thấp điểm tiêu thụ, chưa có động lực để hấp thụ nguồn hàng này. Chính vì vậy giá thịt heo rớt nhanh".

Cùng quan điểm này, ông Lê Xuân Huy, Phó tổng giám đốc Công ty Chăn nuôi C.P VN, chia sẻ: "Ngoài yếu tố dịch bệnh trên đàn gia súc, thông thường vào tháng 7 thì nhu cầu tiêu thụ thịt heo sẽ giảm, các bếp ăn tập thể ở trường học nghỉ hè và một bộ phận người dân sắp bước vào tháng ăn chay Vu lan. Bên cạnh đó, mùa mưa cũng là lúc thị trường có thêm các nguồn thực phẩm thủy sản phong phú, giá rẻ. Người tiêu dùng có thêm các lựa chọn về thực đơn nên thịt heo giảm cũng là lẽ đương nhiên".

Theo dự báo của một số chuyên gia chăn nuôi, tình hình dịch bệnh bùng phát trên đàn heo hiện nay sẽ gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi và ảnh hưởng đến sản lượng thịt heo cung ứng cho thị trường. Ở thời điểm hiện tại, có thể giá thịt heo sẽ giảm do nhiều yếu tố tác động nhưng đến cuối năm có thể sẽ tăng trở lại vì nguồn cung thiếu hụt.

Kiến nghị thống nhất quy định về thuế GTGT với thức ăn chăn nuôi

Hội Chăn nuôi VN và Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính, đề nghị áp dụng thống nhất quy định về thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi. Theo phản ánh từ các doanh nghiệp và người chăn nuôi, hiện còn tồn tại sự khác biệt trong cách hiểu và thực thi giữa các cơ quan thuế địa phương liên quan đến nhóm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi truyền thống như thóc, ngô, cám, lúa mì, khô dầu…

Mặc dù luật Thuế GTGT (có hiệu lực từ 1.7.2025), luật Chăn nuôi và Thông tư 21/2019/TT-BNNPTNT đều quy định đây là những sản phẩm không chịu thuế, nhưng một số cơ quan thuế vẫn đang áp dụng mức thuế 5%, với lý do đây là nguyên liệu sơ chế, chưa phải là thức ăn chăn nuôi hoàn chỉnh.

Trong khi đó, các doanh nghiệp khẳng định các sản phẩm nông nghiệp nêu trên khi được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi là thức ăn chăn nuôi truyền thống theo đúng định nghĩa của pháp luật chuyên ngành. Do đó các sản phẩm này thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định tại khoản 3 điều 5 của luật Thuế GTGT, và việc một số cơ quan thuế địa phương áp dụng mức thuế suất 5% cho các mặt hàng này là chưa phù hợp, đồng thời tạo ra gánh nặng chi phí đáng kể cho doanh nghiệp và người chăn nuôi.

Trong khi đó, nhóm nguyên liệu nêu trên chiếm đến 70% trong cơ cấu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nếu bị áp thuế GTGT đầu vào nhưng sản phẩm đầu ra là mặt hàng không chịu thuế, doanh nghiệp sẽ không được khấu trừ. Điều này dẫn đến chi phí tăng cao, giảm sức cạnh tranh của ngành trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi nội địa đã chịu nhiều áp lực từ hàng nhập khẩu được trợ giá.

Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp của VN hiện phụ thuộc hơn 90% vào nguyên liệu nhập khẩu. Việc thiếu thống nhất trong thực thi chính sách thuế đang làm trầm trọng thêm khó khăn cho doanh nghiệp trong nước.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao