Mẹ chồng tôi không sống cổ hủ như một số người cùng thế hệ, tiết kiệm đến mức chắt bóp không dám mua sắm gì. Ngược lại, nhà tôi sắm sửa đầy đủ các thiết bị điện hiện đại như: điều hòa, máy giặt, máy nước nóng, máy xay,… Tuy nhiên, mẹ chưa bao giờ lạm dụng tiện nghi mà sử dụng một cách có hiểu biết để mang lại hiệu quả cao.

Các thành viên trong gia đình tôi luôn hình thành thói quen tắt các thiết bị điện khi không sử dụng
Ảnh: TGCC
Với máy giặt, mẹ không giặt quá ít hay quá nhiều đồ. Cách này vừa giúp quần áo sạch hơn, vừa tránh hư hỏng cho máy. Ngoài việc dùng bột giặt dành riêng cho máy thì trước mỗi lần giặt, mẹ luôn chọn mức nước phù hợp. Để tránh giờ cao điểm, mẹ thường bấm máy vào sáng sớm. Tuy nhiên, quần áo đi hội hè, đi làm hằng ngày và đồ mỏng nhẹ mẹ nhắc chúng tôi nên giặt tay, vừa nhanh, vừa không phải dùng bàn là mà quần áo vẫn bền màu, tươi sáng.
Mẹ chồng tôi tiết kiệm điện kết hợp giữa truyền thống và hiện đại
Những ngày trời không quá oi bức, mẹ mở toang cửa sổ, để gió trời len lỏi vào từng ngóc ngách. Làn gió và ánh sáng tự nhiên ấy khiến mọi người cảm thấy thoải mái, mát mẻ. Khi phải dùng điều hòa, mẹ trải thêm đệm và gọi hết con cháu vào ngủ cùng 1 phòng, bật nhiệt độ phù hợp, hẹn giờ tắt, đặt thêm con ếch xanh phun sương. Rồi mẹ khởi xướng mọi người chia sẻ, kể chuyện cho nhau nghe giúp tình cảm gia đình thêm gắn kết.
Tôi thích nhất là mẹ chồng tôi vẫn giữ bếp củi sau nhà. Luộc gà, đun nước lá vối hay nấu xôi mẹ không dùng bếp điện vì đó là những nồi cần nhiều thời gian đun nấu và hơn hết chỉ có bếp củi mới giữ được trọn vị của món ăn. Mùi khói nhẹ vương trên tà áo, tiếng củi cháy lách tách, hơi ấm lan tỏa giữa gian bếp nhỏ… làm tôi nhớ da diết tuổi thơ của mình.
Có lẽ, ngoài tiết kiệm điện, thì đó là cách mẹ bắc thêm nhịp cầu giữa truyền thống và hiện đại, là cách mẹ lựa chọn những gì có chất lượng tốt nhất chứ không phải nhanh nhất. Cũng giống như việc mẹ vẫn giã cua bằng cối đá thay vì dùng máy xay - để thịt cua thơm hơn, nước canh đậm đà, ngọt thanh hơn.
Khi bọn trẻ nghỉ hè ở nhà, mẹ chồng tôi không để chúng ngồi ì xem tivi, vừa tốn điện, vừa hại mắt. Thay vào đó, mẹ giao việc cho các cháu kèm theo lời khích lệ động viên hoặc món quà nho nhỏ khiến bạn nào cũng tự giác làm như: cho gà ăn, tưới rau, nhổ cỏ rồi nhóm bếp nấu nước. Những trải nghiệm ấy gieo vào các con tôi hạt giống của tình yêu lao động, yêu thiên nhiên từ những điều thật giản dị.
Không dừng lại ở việc tiết kiệm, mẹ chồng tôi còn hướng cả gia đình đến những giải pháp bền vững. Từ nhiều năm nay, gia đình tôi chuyển sang sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời. Thiết bị điện trong nhà được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ và thay thế những đồ đã cũ tiêu hao nhiều điện. Các loại bóng thắp sáng cũng ưu tiên bóng tiết kiệm điện. Đặc biệt, nhà chúng tôi có hai công tơ điện, cứ ngày 15 hằng tháng, mẹ ghi nhớ vào tờ lịch để chuyển công tơ, giảm hóa đơn tiền điện đáng kể.

Một ca trực đảm bảo cung cấp điện cho khách hàng tại Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC)
Ảnh: TGCC

Dịp hè, các con cùng mẹ chồng ra vườn trồng lạc thay vì ở nhà xem tivi
Ảnh: TGCC
Mẹ chồng tôi không kêu gọi "sống xanh", "sống sạch", nhưng mỗi hành động, mỗi thói quen mẹ duy trì hằng ngày đều mang trong đó sự tỉnh thức. Ở mẹ, tiết kiệm điện không chỉ là giảm chi phí sinh hoạt mà là bảo vệ sự an toàn cho ngôi nhà, tránh rủi ro chập điện, hỏa hoạn.
Giờ đây, vợ chồng tôi đã ra ở riêng. Khi tôi dạy các con tiết kiệm điện, tôi chỉ cần kể lại những câu chuyện về bà nội để các con tôi hiểu tắt các thiết bị không cần thiết ngay từ bây giờ chính là góp phần "bật sáng" tương lai cho môi trường, cho nền kinh tế. Tôi tin, cách học tốt nhất không đến từ lý thuyết mà từ gương sáng như cách mẹ chồng tôi vẫn làm.
