Đến lượt hồ tiêu bị 'tắc' đường xuất khẩu sang Châu Âu

Xuất khẩu tắc đường vì vướng giấy chứng nhận

Mới nhất, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) có công văn gửi tới Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) liên quan đến việc cấp "Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm" cho sản phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu, đặc biệt là đối với mặt hàng gia vị.

Nông sản tắc đường đi châu Âu, đến lượt hồ tiêu 'kêu cứu' - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp "kêu cứu" vì nửa tháng qua chưa xin được Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm theo quy định, ảnh hưởng lớn về nhiều mặt

ẢNH: CHÍ NHÂN

Cụ thể, theo quy định mới, từ ngày 1.7.2025, việc cấp "Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm" chuyển sang các cơ quan cấp tỉnh theo quy định của Thông tư số 12/2025/TT-BNNMT. Tuy nhiên, quy định mới này không kế thừa đầy đủ các hướng dẫn từ Thông tư 44/2018/TT-BNNPTNT năm 2018, dẫn đến sự lúng túng và chậm trễ trong quá trình cấp giấy chứng nhận. Điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, khiến hàng hóa không thể thông quan kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ hợp đồng và gây thiệt hại về tài chính.

"Các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gia vị đang gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc xin cấp Giấy chứng nhận đúng theo yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, nhất là EU. Hậu quả là việc xuất khẩu bị đình trệ, dẫn đến gián đoạn trong chuỗi cung ứng, mất uy tín với các đối tác quốc tế và ảnh hưởng đến việc thu mua nguyên liệu, chế biến sản phẩm", công văn của VPSA nhấn mạnh.

Trước tình hình trên, VPSA kiến nghị Bộ NN-MT xem xét và đưa ra giải pháp kịp thời, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các vướng mắc để doanh nghiệp có thể thông quan hàng hóa; đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định trong Thông tư 12/2025/TT-BNNMT để đảm bảo việc cấp Giấy chứng nhận đúng tiến độ và phù hợp với yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Ngoài ra, VPSA cũng kiến nghị Bộ NN-MT tổ chức các khóa đào tạo và cung cấp hướng dẫn cụ thể cho các cơ quan cấp tỉnh và doanh nghiệp để đảm bảo quy trình cấp Giấy chứng nhận nhanh chóng và chính xác. Việc này sẽ giúp các doanh nghiệp tránh được rủi ro về hợp đồng, bảo vệ uy tín và giảm thiểu chi phí, thời gian cho các hoạt động xuất khẩu.

Đại diện VPSA cho biết, lượng hàng tồn đang chờ giấy phép xuất khẩu ước tính sơ bộ khoảng 250 tấn và hy vọng các thủ tục liên quan sẽ sớm được giải quyết để tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung.

Địa phương cũng "cầu cứu" Bộ

Trước đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực rau quả cũng cầu cứu các cơ quan ban ngành vì không xuất được hàng đi châu Âu vì không xin được "Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm" theo quy định mới.

Nông sản tắc đường đi châu Âu, đến lượt hồ tiêu 'kêu cứu' - Ảnh 2.

Sở An toàn thực phẩm cũng gửi công văn "khẩn" cho Bộ NN-MT để có hướng dẫn cụ thể trong việc giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp

ẢNH: ĐỘC LẬP

Do đa phần các doanh nghiệp xuất khẩu có trụ sở tại TP.HCM, theo quy định giấy phép này sẽ do Sở An toàn thực phẩm cấp. Ngày 14.7, trả lời Thanh Niên, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm cho biết: Công văn hướng dẫn của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) ký ngày 11.7 nhưng thực tế Sở mới nhận được và đang triển khai thực hiện. "Thời gian gấp quá và Sở cũng đang có nhiều việc nhưng theo chức năng nhiệm vụ của mình, chúng tôi sẽ cố gắng để doanh nghiệp không bị thiệt hại", bà Lan nói.

Cũng trong ngày 14.7, Sở An toàn thực phẩm có công văn "khẩn" gửi Bộ NN-MT kiến nghị hướng dẫn thêm một số vấn đề như "căn cứ pháp lý để xác định cách ghi đối với nhãn hiệu và nguồn gốc xuất xứ", "hướng dẫn đối với ngôn ngữ thể hiện tại Giấy đăng ký kiểm tra thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu và Thông báo kết quả kiểm tra". Bởi công văn Bộ NN-MT cũng không quy định, hướng dẫn thành phần hồ sơ. Ngoài ra không quy định, hướng dẫn cấp Giấy chứng nhận khác theo mẫu yêu cầu của nước nhập khẩu do đó Sở An toàn thực phẩm không có căn cứ pháp lý để thực hiện.

Do vậy, Sở An toàn thực phẩm kiến nghị Bộ NN-MT sớm ban hành quy định hồ sơ, thủ tục cấp Giấy chứng nhận khác theo mẫu yêu cầu của nước nhập khẩu để cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ có căn cứ pháp lý thực hiện.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao