Trường ĐH rút gọn phương thức xét tuyển năm 2025

TÍCH HỢP CÁC TIÊU CHÍ KHÁC NHAU TRONG CÙNG PHƯƠNG THỨC

Theo định hướng tuyển sinh năm 2025 đã công bố, ĐH Quốc gia TP.HCM giảm bớt các phương thức tuyển sinh, chỉ còn lại 3 phương thức, gồm: xét tuyển thẳng; xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức; xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Trường ĐH rút gọn phương thức xét tuyển năm 2025- Ảnh 1.

Năm 2025, hầu hết các trường ĐH thay đổi cách sử dụng điểm tại phương thức xét học bạ

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo Ban Đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM, đây là xu hướng rút gọn các phương thức xét tuyển theo hướng tích hợp các tiêu chí khác nhau trong cùng phương thức xét tuyển. Ví dụ, phương thức 1 xét tuyển thẳng nhằm tuyển chọn các thí sinh (TS) giỏi, tài năng. Phương thức này sẽ gồm đối tượng xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng của ĐH Quốc gia TP.HCM.

Theo định hướng chung trên, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn dự kiến rút gọn còn 3 phương thức xét tuyển như định hướng của ĐH Quốc gia TP.HCM (thay vì 5 phương thức như năm 2024). Tương tự với Trường ĐH Công nghệ thông tin, Trường ĐH Quốc tế, Trường ĐH Kinh tế - Luật.

Trường ĐH Bách khoa dự kiến sẽ có 2 phương thức tuyển sinh chủ đạo: Xét tuyển thẳng theo quy định Bộ GD-ĐT và của ĐH Quốc gia TP.HCM; xét tuyển kết hợp (đánh giá năng lực, kết quả thi tốt nghiệp THPT, học lực THPT và năng lực khác). Riêng chương trình chuyển tiếp, liên kết (xét 150 chỉ tiêu) trường sử dụng phương thức phỏng vấn và xét tuyển dựa trên chứng chỉ quốc tế.

ĐỊNH HƯỚNG BỎ PHƯƠNG THỨC ĐIỂM HỌC BẠ

Trong khi đó, một số trường ĐH định hướng bỏ phương thức xét tuyển dựa vào học bạ THPT, ví dụ Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Không sử dụng điểm học bạ để xét tuyển, năm 2025 trường ĐH này dự kiến sử dụng 4 phương thức xét tuyển, gồm: xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT (10% chỉ tiêu); ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh lớp chuyên (10 - 20% chỉ tiêu); xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt, dự kiến áp dụng cho khoảng hơn 30 ngành (40 - 50% chỉ tiêu mỗi ngành); xét tuyển dựa trên kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Trường ĐH Công thương TP.HCM dự kiến dành từ 50 - 60% chỉ tiêu xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Đáng chú ý, trường giảm chỉ tiêu xét kết quả học tập THPT theo 5 học kỳ xuống còn 15 - 20%, tăng chỉ tiêu xét điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

Trường ĐH rút gọn phương thức xét tuyển năm 2025- Ảnh 2.

Học sinh lớp 12 năm nay sẽ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH theo chương trình GDPT mới

ảnh: đào ngọc thạch

THAY ĐỔI CÁCH SỬ DỤNG ĐIỂM HỌC BẠ

Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, tuyển sinh trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non mà Bộ GD-ĐT đưa ra mới đây, quy định các trường ĐH nếu sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của TS. Với quy định này, các trường ĐH, đặc biệt trường ngoài công lập, đã lên phương án xét tuyển học bạ với những thay đổi nhất định so với năm 2024.

Tại Trường ĐH Cửu Long, PGS - TS. Lương Minh Cừ, Hiệu trưởng, cho hay năm 2025 trường tuyển sinh theo 3 phương thức gồm xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ THPT và xét kết quả học tập từ bậc trung cấp trở lên.

"Trong đó, phương thức xét học bạ chiếm 60% tổng chỉ tiêu tuyển sinh. Ở phương thức này, trường sử dụng điểm trung bình cả năm lớp 12 của tổ hợp 3 môn để xét tuyển theo quy định trong quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT", PGS - TS. Lương Minh Cừ cho hay. Như vậy so với năm 2024, phương thức học bạ năm 2025 của trường không còn sử dụng điểm trung bình của tất cả các môn ở học kỳ 2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12; điểm trung bình tổ hợp 3 môn của học kỳ 2 lớp 11, học kỳ 1 lớp 12 và điểm trung bình cả năm lớp 12 của tất cả các môn.

Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Yersin Đà Lạt, thông tin năm 2025 trường dự kiến tuyển 1.756 chỉ tiêu cho 17 ngành với 3 phương thức xét tuyển, gồm: xét điểm thi tốt nghiệp THPT (55 - 60% tổng chỉ tiêu), điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM (5 - 10%) và xét học bạ (35 - 40%).

"Tại phương thức xét học bạ THPT, trường dự kiến sử dụng tổng điểm trung bình lớp 12 theo tổ hợp môn hoặc điểm xét tốt nghiệp của TS. Các tổ hợp môn sẽ dựa trên các môn toán, văn, tiếng Anh, đồng thời bổ sung thêm các tổ hợp môn có môn công nghệ, giáo dục kinh tế và pháp luật để xét tuyển cho các khối ngành phù hợp", tiến sĩ Sơn chia sẻ.

TỔ HỢP CÓ MÔN TOÁN HOẶC NGỮ VĂN, CHIẾM ÍT NHẤT 1/3 TỔNG ĐIỂM

Thạc sĩ Nguyễn Phước Đại, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, cho biết theo dự thảo của thông tư, trường dự kiến có một số thay đổi trong phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển và xét tuyển sớm. "Cụ thể, trường vẫn duy trì phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, kết quả bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và điểm học bạ THPT. Với phương thức xét học bạ, trường sẽ không xét tuyển theo điểm học bạ học kỳ 2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 như năm trước, mà sẽ sử dụng học bạ của 2 học kỳ lớp 12", thạc sĩ Đại nói.

Về tổ hợp môn xét tuyển, theo thạc sĩ Đại, dự thảo quy định môn toán hoặc ngữ văn chiếm tỷ trọng không dưới 1/3 tổng điểm, các môn chung trong một tổ hợp xét tuyển chiếm tỷ trọng không dưới 50%. Vì vậy trường sẽ điều chỉnh các tổ hợp môn hiện tại cho phù hợp. Ngoài ra, trường sẽ bổ sung một số tổ hợp môn xét tuyển nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho TS tốt nghiệp năm 2025 và cả các năm trước.

Trường ĐH rút gọn phương thức xét tuyển năm 2025- Ảnh 3.

Thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học năm 2024

ảnh: đào ngọc thạch

Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM dự kiến xét tuyển theo 4 phương thức: kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT (chỉ tiêu 25%), kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM (5%), kết quả kỳ thi V-SAT (10%) và xét học bạ theo tổ hợp 3 môn năm lớp 12 (60%). "Năm nay học bạ sẽ không xét điểm học kỳ 1 lớp 11, học kỳ 2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 như năm trước. Về tổ hợp môn thì trường vẫn sử dụng môn toán, văn là môn chính trong mỗi tổ hợp", thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm truyền thông nhà trường, thông tin thêm.

Trong khi đó, Trường ĐH Lạc Hồng năm 2025 dành 20% cho điểm thi tốt nghiệp THPT, 10% dành cho đánh giá năng lực của trường, ĐH Quốc gia TP.HCM và V-SAT. "Tổ hợp môn xét điểm thi tốt nghiệp cũng phải có môn toán hoặc ngữ văn với trọng số đánh giá chiếm ít nhất 1/3 tổng điểm như dự thảo của Bộ", PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng nhà trường, thông tin.

Tiến sĩ Mai Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh - truyền thông Trường ĐH Gia Định, chia sẻ năm 2025 trường dự kiến dành 65% chỉ tiêu để xét học bạ. "Căn cứ vào quy chế dự thảo, trường sẽ sử dụng kết quả của các học kỳ trong hai năm lớp 11 và 12. Bên cạnh đó, trường sẽ sử dụng tổ hợp mới bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018", tiến sĩ Toàn cho biết.

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, trường dự kiến sẽ không sử dụng phương thức xét tuyển học bạ theo 3 học kỳ mà chỉ xét học bạ theo tổ hợp 3 môn năm lớp 12, đồng thời bổ sung phương thức sử dụng kết quả kỳ thi V-SAT. Hai phương thức tiếp theo là xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT và đánh giá năng lực năm 2025 của ĐH Quốc gia TP.HCM. "Trong đó, trường tăng chỉ tiêu cho phương thức xét điểm tốt nghiệp so với năm 2024, thành 45%; giảm chỉ tiêu học bạ còn 40%, đánh giá năng lực vẫn 5% và V-SAT là 10%", thạc sĩ Dung cho hay.

Bao giờ nhận hồ sơ xét tuyển bằng học bạ ?

Với việc sử dụng điểm học bạ cả năm lớp 12 theo quy định, đại diện các trường cho biết sẽ nhận hồ sơ xét tuyển sau khi học sinh có điểm lớp 12, dự kiến sau ngày 30.5.2025.

Với phương thức xét các điểm đánh giá năng lực, theo PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, khi có kết quả là TS có thể nộp hồ sơ.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao