Năm 2025, ngành kỹ thuật công nghệ được tuyển sinh và đào tạo ra sao?



Vào lúc 14 giờ chiều nay (27.3), Báo Thanh Niên tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề "Ngành kỹ thuật công nghệ tuyển sinh đào tạo ra sao?", nhằm mang đến cho phụ huynh và học sinh những thông tin bổ ích về nhu cầu nhân lực, xu hướng phát triển, chương trình đào tạo, học phí, học bổng... của những ngành kỹ thuật, công nghệ bậc ĐH hiện nay.

Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ: thanhnien.vn, fanpage Facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.

Kỹ thuật, công nghệ chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong sự phát triển của mỗi quốc gia và nhờ kỹ thuật công nghệ phát triển mà các quốc gia có thể nâng cao năng lực cạnh trong trong bối cảnh công nghệ có tác động tới toàn cầu hiện nay.

Tại chương trình, các khách mời sẽ chia sẻ và cung cấp thông tin về những ngành kỹ thuật công nghệ đang được đào tạo tại các trường ĐH, trong đó có Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, và các xu hướng công nghệ mới nhất tại Việt Nam hiện nay.

Cùng với đó là nhu cầu nhân lực các ngành này ra sao, khi các tập đoàn công nghệ lớn đầu tư vào VN thì đặt ra yêu cầu gì đối với các trường ĐH?

Năm 2025, ngành kỹ thuật công nghệ được tuyển sinh và đào tạo ra sao? - Ảnh 1.

Nhu cầu nhân lực khối ngành kỹ thuật công nghệ luôn cao

ẢNH: MỸ QUYÊN

Tham gia tư vấn có các khách mời đến từ Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn (STU), gồm có

  • PGS-TS Hoàng Kim Anh, Phó hiệu trưởng
  • PGS-TS Lê Khánh Điền, Trưởng khoa Cơ khí
  • TS Tăng Văn Tơ, Trưởng khoa Điện – Điện tử
  • TS Lê Đức Tuấn, Trưởng khoa Kỹ thuật công trình
Năm 2025, ngành kỹ thuật công nghệ được tuyển sinh và đào tạo ra sao? - Ảnh 2.

Các giảng viên tham gia tư vấn chiều nay

ảnh: Lê Thanh Hải

Bên cạnh những ngành công nghệ mới mang tính xu hướng như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo đang cần nhiều nhân lực, các chuyên gia cũng sẽ nói về nhu cầu nhân lực của những ngành kỹ thuật công nghệ được đào tạo hàng chục năm nay.

Trong bối cảnh hiện tại, khi công nghệ tác động tới mọi lĩnh vực thì chương trình đào tạo của các ngành học thuộc khối kinh tế, sư phạm hay xã hội nhân văn đều được các trường cập nhật, cải tiến theo hướng tích hợp công nghệ hoặc liên ngành để đảm bảo sinh viên được tiếp cận với công nghệ, đáp ứng yêu cầu của thực tế. Vậy đối với chính các ngành kỹ thuật, công nghệ thì việc cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo diễn ra ra sao, cũng sẽ được đại diện trường chia sẻ.

Các ngành mới trong năm 2025

PGS-TS Hoàng Kim Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, cho biết trường phát triển với định hướng ứng dụng, đào tạo thế mạnh về kỹ thuật công nghệ, với các ngành kỹ thuật cơ điện tử, công nghệ kỹ thuật điện-điện tử, kỹ thuật xây dựng, công nghệ điện tử viễn thông, công nghệ thông tin...

TS Tăng Văn Tơ, Trưởng khoa Điện – Điện tử, cho hay ngành vi mạch bán dẫn là nền tảng của công nghệ 4.0. Xu hướng đào tạo hiện nay là đa ngành: điện - điện tử, máy tính, khoa học dữ liệu, vật liệu tích hợp với công nghệ mới AI và thiết kế tự động. Nước ta đang cần đào tạo 50.000  nhân lực vi mạch cho đến 2030. Trong 4 nhóm công việc của vi mạch bán dẫn, phần lớn đều cần trình độ ĐH và sau ĐH.

Còn PGS-TS Lê Khánh Điền, Trưởng khoa Cơ khí, cho biết năm 2025 STU mở thêm các ngành kỹ thuật công nghệ mới gồm công nghệ cơ khí, kỹ thuật máy tính, quản lý xây dựng, mỗi ngành 50 chỉ tiêu.

Bên cạnh đó, TS Lê Đức Tuấn, Trưởng khoa Kỹ thuật công trình, thông tin STU có 3 phương thức: Xét học bạ theo thang điểm 30, với điểm trung bình tổ hợp môn năm lớp 10, 11 và 12 hoặc tổ hợp môn của cả năm lớp 12 với môn bắt buộc là toán cho khối kỹ thuật và văn cho khối ngành xã hội; Xét điểm thi tốt nghiệp THPT, môn toán bắt buộc với các ngành kỹ thuật, văn hoặc toán với khối khoa học xã hội; Xét điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM quy đổi về thang 30.

Năm 2025, ngành kỹ thuật công nghệ được tuyển sinh và đào tạo ra sao? - Ảnh 3.

PGS-TS Hoàng Kim Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn

ảnh: Lê Thanh Hải

Nội dung đào tạo các ngành kỹ thuật, công nghệ  

Một học sinh đặt câu hỏi: "Ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí khác với công nghệ kỹ thuật cơ điện tử ra sao? Những ngành này học xong có thể làm việc ở đâu?''.

PGS-TS Lê Khánh Điền, Trưởng khoa Cơ khí, thông tin: Năm 2025, trường chuẩn bị mở ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí nhằm trang bị nhiều kiến thức về cơ khí dựa trên kiến thức cơ học đã học ở bậc phổ thông. Ngành này thuần về cơ khí học về diện, điều khiển. Sinh viên được thực hành trên phần mềm máy tính đồng thời tại 3 xưởng cơ khí, robot và AI, 2 xưởng máy công cụ CNC, thủy lực và khí nén.

Ngành Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử là ngành đào tạo kỹ sư thực hiện các công việc về cơ điện tử, sinh viên được học về cả robot và AI đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, làm việc tại các nhà máy sản xuất robot, pin mặt trời...

''Có phải học ngành công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông là được học kiến thức về vi mạch bán dẫn hay không? Tốt nghiệp em có thể làm cho tập đoàn sản xuất chip của nước ngoài tại Việt Nam không? Em có cần giỏi tiếng Anh hay không?'' là thắc mắc của thí sinh gửi đến chương trình.

Tiến sĩ Tăng Văn Tơ giải đáp: ''Ngành công nghệ điện tử viễn thông có 3 chuyên ngành là viễn thông, mạng máy tính và thiết kế vi mạch. Tại chuyên ngành thiết kế vi mạch, sinh viên được đào tạo về vi mạch bán dẫn chiếm 1/3 khối lượng. Các em tốt nghiệp có thể làm việc tại các công ty trong và ngoài nước.

Nếu làm việc trong môi trường quốc tế các em cần phải biết tiếng Anh. Bên cạnh đó, trong bối cảnh công nghệ phát triển và thay đổi liên tục, các em phải học thêm các công nghệ mới nên cũng cần phải biết tiếng Anh.

Năm 2025, ngành kỹ thuật công nghệ được tuyển sinh và đào tạo ra sao? - Ảnh 4.

PGS-TS Lê Khánh Điền, Trưởng khoa Cơ khí

ảnh: Lê Thanh Hải

Một học sinh gửi câu hỏi đến chương trình: '' Ngành công nghệ thực phẩm học những kiến thức gì? Ngành này chỉ xét tuyển tổ hợp môn toán, hóa, sinh hay có thể sử dụng tổ hợp nào khác? Mức điểm học bạ 3 môn của em khoảng 21 thì có cơ hội đậu hay không?''.

PGS-TS Hoàng Kim Anh giải đáp: Công nghệ thực phẩm rất gần gũi trong cuộc sống hàng ngày nên đây là ngành rất quan trọng và có nhiều lợi ích. Ngành trang bị kiến thức về nguyên liệu thực phẩm, dinh dưỡng để tạo món ăn và sản phẩm công nghiệp từ các công nghệ mới, có giá trị dinh dưỡng cao, an toàn với người dùng...

Ngoài ra, sinh viên còn học về quy trình công nghệ, biện pháp đảm bảo chất lượng, các kiến thức về quản trị chất lượng, marketing, kinh doanh thực phẩm...

Tổ hợp xét tuyển bao gồm môn bắt buộc là toán, 2 môn còn lại sử dụng điểm của 2 môn cao nhất như văn, ngoại ngữ; sinh, ngoại ngữ... Với 21 điểm em đủ điều kiện để xét tuyển vào ngành công nghệ thực phẩm của trường.

Học sinh hỏi: ''Sinh viên học ngành kỹ thuật xây dựng và quản lý xây dựng thì có thể làm được những công việc gì, cơ hội nghề nghiệp có nhiều không?''.

TS Lê Đức Tuấn giải đáp: Tốt nghiệp ngành kỹ thuật xây dựng, các em có thể làm kỹ sư thiết kế, phụ trách thẩm tra thiết kế, hồ sơ đấu thầu, hồ sơ hoàn công, kỹ sư thi công, giám sát công trình, quản lý tiến độ... Còn ngành quản lý xây dựng có thể làm chuyên viên quản lý dự án, quản lý chất lượng công trình, quản lý nguồn lực, quản lý dự án hay giám đốc dự án.

Các em còn có cơ hội sang Nhật làm việc nếu học 2 ngành này. Trường có đào tạo tiếng Nhật để hỗ trợ sinh viên từ năm 3, trong quá trình này các đối tác Nhật Bản cũng giới thiệu công việc, sắp xếp hồ sơ phỏng vấn.

Năm 2025, ngành kỹ thuật công nghệ được tuyển sinh và đào tạo ra sao? - Ảnh 5.

TS Tăng Văn Tơ, Trưởng khoa Điện – Điện tử

ảnh: Lê Thanh Hải

Chương trình đào tạo thay đổi ra sao khi công nghệ phát triển?

Hiện nay, khi công nghệ tác động tới mọi lĩnh vực thì chương trình đào tạo của các ngành học thuộc khối kinh tế, sư phạm hay xã hội nhân văn đều được các trường cập nhật, cải tiến theo hướng tích hợp công nghệ hoặc liên ngành để đảm bảo sinh viên được tiếp cận với công nghệ, đáp ứng yêu cầu của thực tế. Vậy đối với chính các ngành kỹ thuật, công nghệ thì việc cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo thế nào?

PGS-TS Hoàng Kim Anh cho hay STU có 100% chương trình đào tạo đều được kiểm định chất lượng . Với chương trình được kiểm định thì việc thường xuyên cập nhật, cải tiến là điều bắt buộc. Trường luôn lấy ý kiến của các bên liên quan, đặc biệt là người học, cựu sinh viên... Trên cơ sở đó có điều chỉnh thích hợp. Bên cạnh đó trường cũng lấy ý kiến của doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp...

Còn PGS-TS Lê Khánh Điền thông tin cứ 2 năm, trường sẽ sẽ cập nhật điều chỉnh chương trình đào tạo 1 lần để phù hợp với nhu cầu của xã hội. Gần đây trường đưa ra tiêu chí chuẩn Anh văn TOEIC 450, Anh văn chuyên ngành khi tốt nghiệp.

TS Tăng Văn Tơ cung cấp thêm: '' Việc cập nhật chương trình đào tạo của khoa điện rất thường xuyên, thêm nhiều môn mới, nhiều nội dung mới phù hợp với sự phát triển của công nghệ''.

TS Lê Đức Tuấn bổ sung: ''Công nghệ phát triển rất nhanh, để giúp sinh viên cập nhật kiến thức kịp thời, trường cũng cập nhật chương trình đào tạo theo hướng thêm học phần, thêm môn mới, kiến thức về công nghệ mới...''.

Năm 2025, ngành kỹ thuật công nghệ được tuyển sinh và đào tạo ra sao? - Ảnh 6.

TS Lê Đức Tuấn, Trưởng khoa Kỹ thuật công trình

Cơ hội việc làm sau khi ra trường?

Có học sinh đặt câu hỏi: ''Em thấy kinh tế nước ta đang rất phát triển, các công trình giao thông, nhà ở mọc lên rất nhiều, như vậy nếu đăng ký ngành kỹ thuật xây dựng hay quản lý xây dựng thì thí sinh có phải cạnh tranh với nhau nhiều hay không? Để làm vị trí quản lý trong ngành xây dựng thì em phải đáp ứng các yếu tố nào?''.

TS Lê Đức Tuấn cho hay nhiều dự án cao tốc, sân bay, khu đô thị, khu công nghiệp mọc lên rất nhiều đòi hỏi lực lượng nhân lực lớn. Sẽ có cạnh tranh, tuy nhiên không giống nhiều ngành "hot" khác như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo... nên không có áp lực về tỷ lệ chọi, điểm chuẩn, nhưng cơ hội việc làm rất lớn và bền vững. Nếu các em thích môn tự nhiên, có tư duy logic, có đam mê và kỹ năng mềm thì sẽ học tốt các ngành này.

Học sinh thắc mắc: ''Ngành đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm có dễ xin việc không? Có thể làm công việc gì? Thu nhập ngành này ra sao?''.

PGS-TS Hoàng Kim Anh giải đáp: ''Hiện nay vấn đề về an toàn thực phẩm rất quan trọng. Vì thế đây là nghề rất cần thiết cho xã hội nên rất dễ xin việc. Năm nay STU mở ngành mới là đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Các em có thể làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm vì ở đâu cũng cần hệ thống đảm bảo chất lượng, kỹ sư kiểm soát chất lượng. Ngoài ra có nhiều dịch vụ thực phẩm như nhà hàng, bếp ăn công nghiệp, trường học... Lương phụ thuộc vào nhiều yếu tố như năng lực, kinh nghiệm, vị trí của mỗi cá nhân.

''Em muốn sau này tự mở cửa hàng sửa chữa máy tính bàn, laptop, điện thoại thì học ngành kỹ thuật máy tính hay ngành nào? Các kiến thức bao gồm những gì? Ngành này ở trường sinh viên có được thực hành nhiều hay không?'', một thí sinh gửi câu hỏi đến chương trình.

TS Tăng Văn Tơ giải đáp: ''Ngành kỹ thuật máy tính đào tạo chuyên sâu cả phần cứng lẫn phần mềm, hệ thống nhúng. Các em được trang bị kỹ năng thiết kế, lập trình trên các thiết bị di động, máy tính... Trường có 17 phòng thí nghiệm, xưởng.. để sinh viên thực hành thực tập''. 

Học sinh nêu câu hỏi trong chương trình: ''Em rất thích đàn hát và thể dục thể thao. Em thích tham gia các hoạt động ngoại khóa để nâng cao kỹ năng mềm. Nếu em trúng tuyển thì trường và các khoa có thường xuyên tổ chức các hoạt động này cho sinh viên tham gia hay không?''.

PGS-TS Lê Khánh Điền thông tin: Ngoài việc trau dồi kiến thức chuyên môn, giáo dục thể chất cũng rất quan trọng. Trường có nhà thi đấu đa năng để sinh viên tập nhiều môn thể thao như bóng chuyền, bóng rổ... Trường còn có CLB Vovinam miễn phí. Trường cũng tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa ở nhiều tỉnh thành, giúp sinh viên trải nghiệm thực tế.

PGS-TS Hoàng Kim Anh khuyên: ''Để có được công việc tốt các em không chỉ có kiến thức chuyên môn mà kỹ năng mềm cũng rất quan trọng. Trường tổ chức nhiều buổi tọa đàm về các kỹ năng như giao tiếp, phỏng vấn, viết CV...".

Các ngành kỹ thuật, công nghệ chỉ hợp với nam. Quan điểm này có còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay không? Là băn khoăn của học sinh gửi đến chương trình.

TS Lê Đức Tuấn thông tin: ''Ngành kỹ thuật công nghệ ngày nay rất phù hợp với bạn nữ. Các em vẫn có thể làm việc ở văn phòng. Khoa Kỹ thuật công trình của trường có tỷ lệ nữ học đáng kể''.

Còn PGS-TS Lê Khánh Điền cho rằng để học tốt ngành kỹ thuật công nghệ hay bất cứ ngành nghề nào, điều quan trọng là các em ham mê nghề nghiệp và siêng năng. Các em chỉ cần học khá trở lên là có thể theo học.

Về chính sách học bổng, PGS-TS Hoàng Kim Anh thông tin: "Trường có 2 nhóm: Học bổng tài năng dành cho thí sinh trúng tuyển nhập học với mức điểm cao, nhận tử 50-100% học phí cho toàn bộ 4 năm học; Học bổng khuyến khích dành cho thí sinh trúng tuyển và làm thủ tục nhập học sớm, trị giá 20% học phí học kỳ 1 của năm nhất.

Tổng số tiền học bổng của STU dành cho thí sinh năm 2024 là 18 tỉ đồng và năm nay tiếp tục dành nhiều học bổng. Ngoài ra, mỗi khoa còn có các học bổng riêng như học bổng của cựu sinh viên, học bổng của doanh nghiệp...


Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao