Điều kỳ diệu trong tận cùng nỗi đau
Ngày khu tái định cư Làng Nủ khánh thành, "ông nội" Nguyễn Xuân Khang (75 tuổi), Chủ tịch Trường Marie Curie (Hà Nội), vượt hàng trăm cây số lên thăm 22 cháu bé mà mình nhận nuôi ở Làng Nủ.
"Gần 10 năm qua, tôi không đi đâu khỏi Hà Nội nhưng từ khi nhận nuôi các cháu đến nay, trong tôi luôn thôi thúc ý nghĩ nhất định phải đến Làng Nủ để ông cháu gặp nhau, ông Khang chia sẻ.
Đứa trẻ đầu tiên ra đón và đưa ông đi thăm Làng Nủ là Nguyễn Văn Hành, cậu học trò lớp 12 mà thầy biết đến qua phóng sự của Báo Thanh Niên và quyết định nhận nuôi sớm nhất, khi biết Hành chỉ còn lại một mình, có thể phải bỏ học để kiếm sống.
Trong lúc đau buồn, hoảng loạn nhất, Hành nhận được điện thoại của thầy Khang nhận em là "cháu nội", hứa sẽ nuôi em ăn học...
Thầy Khang đến thăm nhà mới của cháu Phúc và Bảo, hai anh em mồ côi cả cha mẹ. Bé Gia Bảo đang học lớp 2, từng phải điều trị dài ngày ở Bệnh viện Việt Đức.
Gặp cô bé Thảo Ngọc (11 tuổi) khi đến thăm Trường tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh (H.Bảo Yên), ngồi ăn cùng con bữa cơm tối, thầy Khang xúc động vì sự hồi sinh kỳ diệu của cô bé. Bị lũ cuốn, hôn mê sâu, Bệnh viện Bạch Mai đã phải lập tổ công tác đặc biệt để tập trung cứu chữa bé với chẩn đoán rất xấu, nhưng kỳ tích đã đến sau 50 ngày, Thảo Ngọc được về nhà và đi học trở lại. Con nói muốn trở thành bác sĩ chữa bệnh cứu người như các bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai.
Ôm chặt bé Hoàng Ngọc Lan (6 tuổi) mồ côi bố mẹ, mất đi 2 người anh trong gia đình, thầy Khang thủ thỉ: "Đây là cô bé làm ông khóc nhiều nhất đây". Hình ảnh cô bé Ngọc Lan mới 6 tuổi, gầy gò, côi cút nằm trong viện, liên tục khóc với bà ngoại: con nhớ bố mẹ, muốn về nhà với các anh đã thôi thúc thầy Khang "phải làm gì đó" để dịu bớt nỗi đau của tất cả trẻ em sống sót sau trận lũ ở Làng Nủ, khởi nguồn cho câu chuyện của 23 ông cháu.
Bức ảnh thứ nhất và lời hẹn ước cho 15 năm
Buổi gặp mặt đầy đủ 23 ông cháu nhiều tiếng cười và những giọt nước mắt. Sau những cái ôm, những lời hỏi han, thầy Khang xin phép 22 cháu và người thân của các cháu chính thức cho ông cháu nhận nhau và cùng nhau "ký cam kết" mà "ông nội" đã chuẩn bị chu đáo từ Hà Nội.
Bản cam kết có nội dung: "Cứ tới ngày 22.12 hàng năm ông nội và các cháu chụp ảnh gửi cho nhau để biết sức khỏe và sự trưởng thành của mỗi người. Và ngày 22.12.2039, tức 15 năm sau, ông nội 90 tuổi và hai cháu bé nhất đủ 18 tuổi, tất cả sẽ gặp nhau ở Hà Nội để chụp chung một kiểu ảnh tương tự như bức ảnh ông cháu chụp trong ngày 22.12.2024".
"Sau 15 năm, hai tấm ảnh này để bên nhau sẽ có nhiều điều thú vị. Bức ảnh để biết sức khỏe của ông cháu, sự lớn lên, trưởng thành của từng cháu", ông Khang chia sẻ.
Để thực hiện được lời ước hẹn ấy, 23 ông cháu phải hứa với nhau: "Ông giữ gìn sức khỏe, cháu chăm chỉ học hành". 23 ông cháu ký vào bản "hẹn ước", những cháu chưa biết chữ được thì cùng bố mẹ "điểm chỉ".
Vì lời hẹn ước ấy, thầy Khang nói: "Với các cháu 15 năm nữa thật dễ dàng nhưng với ông thì không dễ dàng đâu. Nhưng ông có niềm tin và sẽ cố gắng để thực hiện được".
Ông "giao nhiệm vụ" khiến các con bật cười: 15 năm nữa, Gia Bảo 23 tuổi phải dẫn người yêu hoặc vợ đến thăm ông nội, còn Hành lúc ấy phải có 2 đứa con, Phúc cũng có 1 đứa rồi…
Đứa trẻ thứ 23
Chị Nguyễn Thị Hồng đến để cảm ơn "ông nội" vì con chị là Hoàng Thị Hiểm (16 tuổi) đã được thầy Khang nhận nuôi. Bà mẹ đơn thân này dắt theo cậu con út là Hoàng Văn Huyên (14 tuổi). Huyên do bị bệnh tật bẩm sinh, chưa từng được đi học, cho nên em không nằm trong danh sách mà các trường gửi thầy Khang.
Trên xe trở về Hà Nội, thầy Khang mới nghe kể lại chuyện về cậu bé Huyên. Ông lập tức gọi điện cho chị Hồng đề nghị nhận hỗ trợ cháu Huyên 3 triệu đồng mỗi tháng, giúp chị có thêm khoản kinh phí chữa bệnh cho con. Huyên cũng sẽ được nhận tiền hỗ trợ từ tháng 10, giống như các cháu khác, "truy lĩnh" ngay trong tháng 12 này.
Chị Hồng quá bất ngờ và xúc động vì đó là điều chị chưa từng dám nghĩ tới.