H.Mù Cang Chải (Yên Bái) hầu như "trắng" giáo viên (GV) tiếng Anh cấp tiểu học. Tỉnh này phải vận động, điều động GV ở thành phố lên đây dạy tiếng Anh. Thế nhưng nhiều trường học có chỗ ở cho học sinh nhưng lại "quên" nhà ở cho GV "cắm bản".
Ngày đầu đến Mù Cang Chải, nhận phòng trọ mà nhà trường thuê cho, cô Thu, một GV biệt phái từ thành phố lên dạy tiếng Anh, kể với PV Thanh Niên: "Nhà trường không có nhà công vụ, ở nơi hẻo lánh này cũng không có sẵn nhà cho thuê như thành thị. Nhà trường đã cố gắng chọn thuê giúp tôi một ngôi nhà dân được xem là kiên cố ở gần trường. Nhưng khi bước vào nhà, tôi vẫn… choáng, vì đó là ngôi nhà cấp 4 lợp fibro xi măng, nền đất. Trong nhà không có gì ngoài chiếc giường cá nhân".
Dù thế, cô Thu cho biết vẫn còn may mắn hơn một số đồng nghiệp khác khi họ ở điểm trường xa hơn, chỗ ở chỉ được che chắn bằng các tấm ván, mùa đông gió lùa tứ phía, lạnh thấu xương, nhiều đêm không ngủ trọn giấc.
Nếu không vì tình yêu, trách nhiệm với nghề, các thầy cô khó lòng vượt qua những khó khăn ấy.
Thống kê của Bộ GD-ĐT đến thời điểm này cho thấy, cả nước còn thiếu gần 11.000 phòng công vụ cho GV, trong đó nhiều nhất là miền núi phía bắc, cũng là nơi tình trạng thiếu GV trầm trọng nhất ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Lãnh đạo ngành giáo dục ở những nơi này từng nhiều lần chia sẻ về tình trạng thiếu GV nhưng không tuyển dụng được. Nhiều GV vì có khó khăn về điều kiện sống đã xin chuyển vùng, thậm chí chuyển nghề.
Cũng theo người đứng đầu ngành giáo dục: "Việc kiên cố hóa này, xét về ý nghĩa nhiều mặt, không chỉ kiên cố hóa cho những ngôi trường, phòng học, phòng công vụ mà còn công dụng "kiên cố hóa" đối với thiện tâm tốt lành và cái đẹp trong tinh thần con người".
Theo quy định của pháp luật về nhà ở công vụ với viên chức nói chung và GV nói riêng, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm lập và phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở công vụ trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương. Do vậy, việc quan tâm đến nhà ở cho GV ở xa còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế và mức độ quan tâm của mỗi nơi.
Do vậy, nhà trường và nhà giáo ở địa bàn khó khăn mong mỏi luật Nhà giáo mà Bộ GD-ĐT đang xây dựng, nếu chưa thể đưa vào những chính sách mang tính đột phá, thì cũng cần có những quy định quyết liệt hơn về trách nhiệm và nghĩa vụ với các địa phương về xây nhà công vụ đủ kiên cố, tiện nghi để có thể giữ chân và thu hút GV. Luật cần bổ sung quy định về chính sách đối với nhà giáo công tác ở trường chuyên biệt, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trong đó không thể thiếu quy định các điều kiện, quy trình về chính sách nhà ở, nhà công vụ đối với nhà giáo.