Đừng để phòng tâm lý học đường là nơi 'trưng bày'

ĐỨNG LÊN ĐỂ HIỂU HỌC TRÒ HƠN

Khi tôi đến Trường tiểu học-THCS-THPT Khải Hoàn tại H.Nhà Bè (TP.HCM) trong giờ chơi của học sinh (HS), nhân viên phòng tâm lý học đường không ngồi yên trong phòng làm việc, thầy cô đi vòng quanh xem học trò chơi ra sao.

Đừng để phòng tâm lý học đường là nơi 'trưng bày'- Ảnh 1.

Phụ huynh tìm hiểu về bộ sách giáo dục giới tính, phòng tránh xâm hại cho trẻ em, tại Triển lãm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM 2024

ẢNH: THÚY HẰNG

Trong giờ học, giờ ăn trưa, nghỉ trưa của HS cũng vậy, không phải lúc nào nhân viên tâm lý học đường cũng ngồi bên máy vi tính, trong phòng làm việc… Thầy, cô đi qua từng khu vực lớp học để quan sát, kịp thời nhận biết HS nào có bất thường trong điệu đi, dáng đứng, trong cách các em trò chuyện, đùa giỡn với bạn bè, hay lúc các em ăn cơm, nghỉ trưa. Họ đặt ra các câu hỏi và tìm hiểu: Vì sao cô bé, cậu bé kia hôm nay ủ rũ quá; hình như em HS kia đang bồn chồn; có phải em kia ra góc đó để khóc không, vì sao?...

Trò chuyện với ban giám hiệu nhà trường, thầy cô cho hay, khi nhân viên tâm lý học đường đứng lên, là một cách họ chọn việc xích lại gần HS hơn. Khi nhân viên tâm lý trường học chủ động, có trách nhiệm trong công việc, họ sẽ tìm hiểu cụ thể hơn vấn đề của các em, chủ động muốn "là bạn" với HS, tìm gặp HS để lắng nghe vấn đề của các em, để tạo cho các em sự tin tưởng và chia sẻ, chứ không phải chỉ ngồi yên trong phòng tư vấn và chờ HS gõ cửa.

Tại Trường tiểu học Trưng Trắc, Q.11, TP.HCM, trong giờ trường học mở cửa, luôn luôn thấy bác sĩ Huỳnh Trung Tuần, nhân viên y tế đi vòng quanh các lớp học, nhà bếp, khuôn viên nơi học trò đang học tập, vui chơi. Không chỉ để kiểm tra cánh cửa này có chắc chắn, bóng đèn điện cho các em có đủ sáng không…, bác sĩ Tuần kín đáo quan sát những cô cậu học trò bỗng nhiên hôm nay ít nói, buồn bã hơn ngày thường, hoặc những HS không ngồi thẳng lưng để viết bài, mà ngồi lệch như đang bị đau… Bác sĩ sẽ tìm hiểu nguyên nhân, tháo gỡ cùng các em. Những quan sát, lo lắng dù nhỏ của giáo viên, nhân viên trường học, nếu đến đúng thời điểm, đều có thể giúp một HS thoát khỏi vấn đề nào đó.

CÓ NHỮNG PHÒNG TÂM LÝ "HS KHÔNG VÀO"

Bà Nguyễn Thị Song Trà, Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục và đào tạo TH (THedu), thừa nhận có thực tế ở nhiều trường học, phòng tâm lý, y tế học đường không làm được như 2 minh chứng ở trên, mà chỉ mang tính hình thức để báo cáo. Theo bà Trà, trường học thật sự cần những nhân viên tham vấn tâm lý học đường có chuyên môn, sự nhiệt huyết, trách nhiệm, chủ động tìm HS để hỗ trợ các em chứ không chỉ chờ HS tới gõ cửa.

"Chúng ta cần đặt các câu hỏi rằng ở nhiều trường, vì sao có phòng tham vấn tâm lý học đường mà HS không vào đó? Ở đây không chỉ là câu chuyện phòng tránh nguy cơ xâm hại tình dục, về giáo dục giới tính, mà còn là câu chuyện nhân viên tham vấn tâm lý học đường gỡ rối cho trẻ những băn khoăn, khó khăn, vấn đề về bạo lực học đường, tình yêu tuổi học trò, bạo lực ở gia đình… Mỗi trường học có tới vài ngàn HS mà chỉ 1 nhân viên tham vấn tâm lý thì không thể bao phủ hết. Tuy nhiên chắc chắn hiện nay mỗi giáo viên, nhân viên y tế học đường đều được tập huấn và tiếp tục cần bồi dưỡng thêm những kiến thức về giáo dục giới tính, về tham vấn tâm lý học đường để sát cánh cùng học trò trong lớp học của mình", bà Trà cho biết.

Thạc sĩ, bác sĩ (Th.S-BS) Phạm Văn Giào, Viện trưởng Viện Ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục, khẳng định vấn đề tham vấn tâm lý học đường đang nhận được sự quan tâm lớn trên toàn cầu, đặc biệt là tại VN kể từ sau đại dịch Covid-19. Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 31/2017 về việc hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho HS trong trường phổ thông. Hay ngày 30.10.2023, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 20/2023, theo khoản 3 điều 7 của định mức số lượng người làm việc, mỗi trường tiểu học sẽ có một vị trí dành riêng cho tư vấn tâm lý học đường. Điều này cho thấy sự quan tâm của ngành giáo dục đến việc bảo vệ và hỗ trợ tâm lý cho HS. Tuy nhiên, ông Giào cho biết việc triển khai thực tế có thể gặp nhiều thách thức, như khó khăn trong việc tuyển dụng đủ nhân sự chuyên trách hoặc vấn đề tài chính.

"Hiện nay, nhiều trường chỉ dừng lại ở các buổi tư vấn hoặc thảo luận, nhưng cách tiếp cận này thường thiếu chiều sâu và chưa thật sự chạm đến nhu cầu của HS. Một số phòng tham vấn tâm lý gần như chỉ mang tính chất trưng bày mà không thực sự phát huy được hiệu quả trong việc hỗ trợ HS", ông Giào nhận định.

Đừng để phòng tâm lý học đường là nơi 'trưng bày'- Ảnh 2.

Một buổi giáo dục giới tính cho học sinh lớp 5 tại TP.HCM

ảnh: bích thanh


CẦN NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ NHÀ TÂM LÝ

Theo ông Giào, còn những vấn đề khác khá phổ biến, như nhân viên tư vấn tâm lý học đường đôi khi không phải là người có chuyên môn trong lĩnh vực tâm lý học, thường không tuân thủ đảm bảo đúng các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp cũng như bảo mật thông tin. "Điều này có thể khiến HS không cảm thấy an tâm và mất niềm tin vào phòng tâm lý học đường, từ đó không ưu tiên chọn nơi này để chia sẻ và nhận được sự hỗ trợ", Th.S-BS Giào nhận định.

Th.S-BS Phạm Văn Giào cho biết để cải thiện chất lượng hoạt động của phòng tham vấn tâm lý học đường và giúp HS được hỗ trợ tốt hơn, trước hết cần nâng cao năng lực của đội ngũ nhà tâm lý, thông qua các khóa học nâng cao, hội thảo và chương trình học bổng từ các cơ sở đào tạo tâm lý chuyên nghiệp. Đặc biệt, các trường cần phải có đủ nguồn lực tài chính để duy trì các hoạt động của phòng tham vấn, bao gồm chi phí cho nhân lực, mua sắm tài liệu hỗ trợ và trang thiết bị cần thiết. Việc này có thể được hỗ trợ từ ngân sách cấp quản lý giáo dục, các chương trình tài trợ từ Chính phủ và các tổ chức phi lợi nhuận.

Ông Giào nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổ chức các chương trình tầm soát sức khỏe tinh thần định kỳ cho HS, từ đó giúp phát hiện sớm các vấn đề tâm lý, có biện pháp can thiệp kịp thời và phù hợp cho HS. Các chương trình không chỉ đơn thuần là việc kiểm tra mà còn bao gồm các buổi tư vấn và hướng dẫn HS cách nhận biết các vấn đề tâm lý, cách xử lý stress, những khó khăn các em đang phải đối mặt; cách giao tiếp với người lớn khi gặp vấn đề và các kỹ năng cần thiết để bảo vệ mình khỏi các nguy cơ bị tấn công, xâm hại…

Cha mẹ cũng phải học

Th.S-BS Phạm Văn Giào khẳng định, cha mẹ của trẻ nói riêng, cộng đồng nói chung cần phải được học để nâng cao nhận thức trong xã hội, ý thức thế nào là những hành vi xâm hại, nhận biết dấu hiệu bất thường ở các con và biết ứng phó, phản ứng kịp thời.

Bằng cách tổ chức các khóa học, hội thảo và chương trình giáo dục cộng đồng, cha mẹ, giáo viên và những người chăm sóc có thể hiểu rõ hơn về cách bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ xâm hại và cách xây dựng môi trường an toàn cho trẻ.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần thiết lập mối liên kết chặt chẽ với giáo viên để cùng nhau giám sát và hỗ trợ sự phát triển của trẻ. Cha mẹ, giáo viên hãy nói với con về đường dây nóng hỗ trợ khi trẻ bị xâm hại (tổng đài 111). Quan trọng nhất, phụ huynh HS phải xây dựng một môi trường tin tưởng và cởi mở, nơi trẻ em cảm thấy thoải mái khi chia sẻ bất kỳ lo lắng, sợ hãi hoặc cảm giác không thoải mái nào với cha mẹ hoặc những người lớn đáng tin cậy. "Điều này giúp trẻ cảm thấy an toàn và biết rằng chúng luôn có nơi để tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần thiết", ông Giào nói.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao