
Tiến sĩ Lê Quang Đạm (cầm micro), Tổng giám đốc Marvell Việt Nam, thảo luận cùng các trường CĐ, ĐH Mỹ trong khuôn khổ Chương trình hợp tác học thuật quốc tế
ẢNH: BTC
Nhiều tiềm năng hợp tác cấp trường
Hôm nay (4.4), đoàn đại biểu từ Chương trình hợp tác học thuật quốc tế (IAPP) có ngày làm việc cuối cùng tại Việt Nam. Đây là hoạt động được phối hợp tổ chức bởi Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, Viện Giáo dục Quốc tế Mỹ (IIE) và Bộ GD-ĐT Việt Nam, thu hút hơn 40 lãnh đạo cấp cao từ 21 trường CĐ, ĐH Mỹ - là những trường đại diện cho các cơ sở giáo dục tư thục và công lập tại 17/50 bang nước này.
Trao đổi với Thanh Niên bên lề buổi thảo luận về các chương trình hợp tác công-tư, tiến sĩ Jamie McGowan, Giám đốc điều hành chương trình và hợp tác quốc tế ở ĐH Vermont (UVM), cho biết sau nhiều ngày làm việc, bà thấy "có rất nhiều cơ hội tại Việt Nam" từ hợp tác nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực tới các chương trình trao đổi sinh viên giữa hai trường và thực tập ngắn hạn.
"Từ bán dẫn, nông nghiệp đến kinh doanh, kinh tế, chúng tôi đều thấy nhiều tiềm năng", tiến sĩ McGowan nhận định sau quá trình làm việc với hàng chục trường ĐH tư thục và công lập ở Việt Nam. "Chúng tôi khá quan tâm đến các chương trình liên thông (pathway), khi sinh viên hoàn thành bậc cử nhân ở các trường Việt Nam và tiếp tục tới học sau ĐH tại Mỹ", bà McGowan nói thêm.
Trong khi đó, GS-TS Daniel Dale, Trưởng khoa Vật lý và thiên văn học, Phó hiệu trưởng Trường kỹ thuật và khoa học tự nhiên thuộc ĐH Wyoming (UW), chia sẻ ông đang quan tâm đến Đề án 89 của Chính phủ. Đây là chương trình bao quát nhiều yếu tố nhằm nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH trong đó có mục tiêu đài thọ cho giảng viên đi đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài.

GS-TS Daniel Dale, đại diện ĐH Wyoming (Mỹ), chia sẻ về cơ hội hợp tác với các trường ĐH Việt Nam
ẢNH: BTC
"Đây là chương trình rất thú vị, và tôi tin rằng các ĐH Mỹ sẵn sàng đóng góp thêm vào mức hỗ trợ hiện hành là 25.000 USD/năm nhằm tạo cơ hội cho giảng viên giỏi sang Mỹ học tập", GS Dale nói, cho biết thêm các trường Mỹ cũng muốn cân nhắc tăng thêm các chương trình liên kết đào tạo 2+2 (hai năm học ở Việt Nam và hai năm học ở Mỹ), 3+1, hoặc chương trình trao đổi sinh viên.
Chia sẻ thêm về dự định của ĐH Wyoming, GS Dale cho biết ông đang cân nhắc đến ý tưởng đưa sinh viên khối STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) đến Mỹ thực tập hè, giúp các bạn làm quen, cảm thấy thoải mái với môi trường ở đây. Đây sẽ là bước đệm để nhóm sinh viên này cân nhắc theo đuổi bậc sau ĐH ở Mỹ, nhất là trong bối cảnh một số tiểu bang bị già hóa dân số và các trường muốn tăng tuyển sinh bậc sau ĐH.
ĐH Mỹ tìm kiếm gì ở đối tác Việt Nam?
Khi được hỏi các ĐH Mỹ yêu cầu điều gì ở trường đối tác Việt Nam, đại diện hai trường cho rằng thứ hạng của trường trên các bảng xếp hạng toàn cầu có vai trò nhất định, song không phải là tất cả. "Quan trọng là phải tìm ra được những điểm tương đồng giữa giảng viên và giữa các lĩnh vực nghiên cứu của hai trường, với nguyên tắc đôi bên cùng có lợi (win-win)", tiến sĩ Jamie McGowan cho hay.
Một vấn đề khác cả hai ĐH Mỹ cùng nhất trí là cân nhắc đưa sinh viên trường mình tới học và làm việc tại Việt Nam. "Sau các phiên thảo luận, tôi đang nghĩ nhiều hơn về điều này", bà McGowan bộc bạch. Trong khi đó, GS-TS Daniel Dale cho rằng Việt Nam rất an toàn, và "sẽ không có vấn đề gì khi cho sinh viên của trường tôi đến đây để học tập". "Đây là nơi tuyệt vời để cân nhắc khi du học", ông nhận xét.

Tiến sĩ Jamie McGowan (áo đen), đại diện ĐH Vermont, trong buổi làm việc với một trường ĐH Việt Nam
ẢNH: NHẬT LỆ
"Chúng tôi cũng khá quan tâm đến quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam. Như trong lĩnh vực STEM, nếu một giảng viên trường tôi muốn hợp tác với một giảng viên ở Việt Nam, thì họ có thể đăng ký bằng sáng chế bằng cách nào?", GS Dale đặt vấn đề. "Đây chỉ là một trong những điều mà hai nước có thể xem xét nếu muốn phát triển mối quan hệ chặt chẽ hơn. Và đó cũng là lý do tôi ở đây, để học hỏi và trò chuyện".
Bên cạnh tìm cơ hội hợp tác với những cơ sở giáo dục ĐH tại Việt Nam, các trường Mỹ cũng "cực kỳ quan tâm" đến việc hợp tác đào tạo nguồn nhân lực với doanh nghiệp Việt Nam, theo tiến sĩ Lê Quang Đạm, Tổng giám đốc Marvell Việt Nam. Ông Đạm cho hay có nhiều dư địa để hai bên hợp tác, nhưng khác với Việt Nam, trường Mỹ sẽ không cần công ty cử kỹ sư về giảng dạy mà chỉ dừng ở việc thông tin về nhu cầu doanh nghiệp.
Đoàn đại biểu lớn nhất từ trước tới nay
Bà Natella Svistunova, Phó trưởng phòng Văn hóa thông tin, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, nhận định IAPP là đoàn đại biểu các cơ sở giáo dục ĐH Mỹ lớn nhất mà nước này từng đưa đến Việt Nam cho tới hiện tại. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh hai quốc gia Việt - Mỹ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ song phương và giáo dục là một trụ cột cốt lõi trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
"Chúng tôi hy vọng sẽ tạo ra những chương trình hợp tác mới và củng cố các mối quan hệ hợp tác hiện tại để mang lại lợi ích, sự phát triển chung cho cả hai nước. IAPP hướng tới xây dựng những mối quan hệ hợp tác lâu dài, vững chắc và đây mới chỉ là bước đầu tiên", bà Svistunova chia sẻ, cho biết thêm đoàn đại biểu đã tới thăm các cơ quan chính phủ tại Việt Nam, gặp gỡ Thủ tướng cũng như đại diện các bộ ngành.