Tuyển sinh ĐH 2025: Bộ GD-ĐT giải thích về quy đổi tương đương điểm chuẩn

Theo quy định, trong kỳ tuyển sinh năm 2025, các trường ĐH phải quy đổi tương đương điểm chuẩn/trúng tuyển giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển về thang chung.

ĐIỂM THI TỐT NGHIỆP THPT LÀ TRỤC CHÍNH

Theo ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, từ năm 2022, trong quy chế tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường khi đưa ra một phương thức tuyển sinh nào đó phải dựa trên đánh giá giữa đầu vào với kết quả học tập tại trường ĐH của thí sinh (TS). Sau 3 năm, các trường ĐH hoàn toàn có đủ căn cứ để xem phương thức đó phù hợp hay không. Việc tính toán quy đổi lần này cũng là để các trường rà soát lại các phương thức. Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường có quy tắc (hoặc công thức) để quy đổi tương đương điểm trúng tuyển, không yêu cầu quy đổi toàn bộ điểm xét tuyển của TS, cũng không phải quy đổi tất cả các phương thức về một thang điểm thống nhất.

 - Ảnh 1.

Điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ là trục chính để quy đổi tương đương điểm chuẩn

ẢNH: NHẬT THỊNH

"Điểm thi tốt nghiệp THPT là phổ biến nhất, hầu như em nào cũng có, nên chúng ta thống nhất là quy đổi điểm trúng tuyển tất cả các phương thức khác về điểm trúng tuyển phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Nếu ngoài phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT mà có thêm phương thức khác thì các trường sẽ phải có bảng quy đổi. Có bao nhiêu phương thức (ngoài phương thức dùng điểm thi tốt nghiệp) là có bấy nhiêu bảng quy đổi. Bảng quy đổi gồm 2 trục, một là điểm chuẩn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, một là trục điểm đánh giá khác theo phương thức khác", ông Hoàng Minh Sơn nói.

Ông Sơn cũng cho biết việc quy đổi sẽ thực hiện tuyến tính theo từng khoảng điểm, khoảng nhỏ hay lớn thì Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn. Mỗi khoảng sẽ gồm 2 - 3 điểm, ví dụ từ 20 - 23 điểm, sau đó tìm công thức phù hợp để xác định khoảng điểm nào của kỳ thi đánh giá năng lực, hay đánh giá tư duy tương đương khoảng điểm này.

Với quy chế sửa đổi, không có em nào bị thiệt thòi cả. Em nào mà nói bị thiệt thòi thì có thể trước đó được hưởng một cái mà lẽ ra mình không được hưởng.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT HOÀNG MINH SƠN

Bộ cùng với các trường sẽ xây dựng một khung quy tắc có 2 phần (2 nội dung). Một là công thức chuẩn (hay là quy tắc chuẩn). Hai là giới hạn mà các trường có thể thay đổi. "Tất nhiên chỉ có thể đưa ra khung quy tắc này khi có điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay. Còn từ nay đến khi có kết quả thi, Bộ GD-ĐT cùng các trường sẽ đưa ra những phương pháp, thống nhất phương pháp và ví dụ minh họa dựa trên kết quả năm trước để thí sinh và xã hội cùng hiểu", ông Hoàng Minh Sơn nói.

RÀ SOÁT ĐỂ ĐIỀU CHỈNH THÔNG TIN TUYỂN SINH

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cũng cho biết Bộ sẽ hướng dẫn các trường cùng hỗ trợ nhau để làm phần mềm quy đổi. Trong phần mềm, Bộ cung cấp toàn bộ dữ liệu, các trường chỉ đưa thêm vào kết quả học tập của sinh viên trường mình các năm trước. Từ đó, các trường sẽ dễ dàng đối sánh được ngay kết quả thi với kết quả học tập các năm trước của sinh viên. Khi đó sẽ có thêm công cụ để các trường rà soát lại phương thức xét tuyển. Từ quy tắc quy đổi chung, sẽ cân nhắc để xem có những ưu tiên gì ở trường mình nhằm điều chỉnh các tham số.

Với các cơ sở đào tạo có tổ chức kỳ thi riêng (2 ĐH Quốc gia, ĐH Bách khoa Hà Nội…), Bộ GD-ĐT sẽ đề nghị phối hợp với Vụ Giáo dục ĐH để hoàn thiện phương pháp, khung đánh giá, khung quy đổi, cùng những ví dụ minh họa từ những năm trước, để cùng công bố. Bộ cùng các đơn vị cũng sẽ xây dựng một kênh cập nhật dữ liệu kết quả thi bằng phương pháp nào đó để nhanh nhất và không xảy ra sai sót.

 - Ảnh 2.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM cuối tuần qua. Năm nay, các trường ĐH phải quy đổi tương đương điểm chuẩn/trúng tuyển giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển về thang chung

ảnh: Đào Ngọc Thạch

Ông Hoàng Minh Sơn cho biết các trường chuẩn bị ngay việc lấy kết quả học tập có thể quy đổi về một đầu điểm nào đó. Cũng không cần điểm tất cả môn học, mà chỉ cần những môn liên quan đến đánh giá năng lực của ngành đào tạo, để có điểm số, để đối chiếu.

Trên cơ sở rà soát của mình, các trường hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, xem phương thức đã từng dùng có lợi hay không. Trên cơ sở đó, các trường hoàn thiện thông báo tuyển sinh. "Những nội dung nào mà phải chờ, như ngưỡng điểm trúng tuyển, công thức quy đổi cuối cùng, đến khi có điểm thi tốt nghiệp THPT Bộ GD-ĐT và các trường sẽ cùng làm", ông Sơn nhấn mạnh.

Ông Hoàng Minh Sơn khẳng định: "Với quy chế sửa đổi, không có em nào bị thiệt thòi cả. Em nào mà nói bị thiệt thòi thì có thể trước đó được hưởng một cái mà lẽ ra mình không được hưởng. Ví dụ như năm trước có mỗi chứng chỉ IELTS mà các em đã trúng tuyển, thì thực sự không công bằng với bạn khác. Chúng ta sẽ làm để TS không thiệt thòi, mà chỉ làm công bằng hơn cho tất cả các em".

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao