Tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài có nguyện vọng trở lại quốc tịch

Nội dung được nêu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về chính sách miễn thị thực đơn phương và chính sách ưu đãi thị thực với một số đối tượng; việc quay trở lại quốc tịch Việt Nam với người Việt Nam ở nước ngoài.

Tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài có nguyện vọng trở lại quốc tịch- Ảnh 1.

Thủ tướng chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ

ẢNH: NHẬT BẮC

Thường trực Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan đã khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được giao về chính sách miễn thị thực đơn phương và chính sách ưu đãi thị thực.

Tuy nhiên, chính sách thị thực của Việt Nam vẫn cần tiếp tục được cải thiện, đáp ứng mục tiêu góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Thúc đẩy ngành du lịch, thu hút các nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài trên các lĩnh vực đến Việt Nam, thể hiện hình ảnh một Việt Nam an toàn, mến khách, giúp nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín của đất nước ta.

Thường trực Chính phủ cũng cho rằng cần xem xét theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam. Điều này khẳng định sự coi trọng, quan tâm của Đảng, Nhà nước với người Việt Nam ở nước ngoài, đáp ứng nguyện vọng của bà con, góp phần tiếp tục phát huy mạnh mẽ nguồn lực quan trọng từ kiều bào ta ở nước ngoài.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc nghiên cứu, mở rộng chính sách miễn thị thực, ưu đãi thị thực và nghiên cứu sửa đổi quy định về quốc tịch để phù hợp tình hình hiện nay.

Thủ tướng giao các cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến, nghiên cứu, đề xuất, xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định, chính sách để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo quy định hiện hành, người xin trở lại quốc tịch Việt Nam nộp hồ sơ cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm thẩm tra và chuyển hồ sơ kèm theo ý kiến đề xuất về việc xin trở lại quốc tịch Việt Nam về Bộ Ngoại giao để chuyển đến Bộ Tư pháp.

Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công an xác minh về nhân thân của người xin trở lại quốc tịch Việt Nam. Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy người xin trở lại quốc tịch Việt Nam có đủ điều kiện thì gửi thông báo bằng văn bản.

Trường hợp người xin trở lại quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài, người xin trở lại quốc tịch Việt Nam là người không quốc tịch thì trong thời hạn 15 ngày, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ. Nếu đủ điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao