Phó chủ tịch TP.HCM Dương Ngọc Hải nói về sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu

Ngày 21.4, tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị 6 tiếp xúc cử tri Q.Bình Tân trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Tổ đại biểu đơn vị số 6 có ông Dương Ngọc Hải, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM; ông Hà Phước Thắng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM; ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Q.Bình Tân đóng góp nhiều ý kiến trong các vấn đề lớn hiện nay như sáp nhập tỉnh thành, thành lập chính quyền địa phương 2 cấp…

Ông Nguyễn Hữu Ngữ (cử tri P.Bình Hưng Hòa B) có một số ý kiến về việc sáp nhập TP.HCM với hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo cử tri này, việc mở rộng không gian đô thị sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển, giúp phát huy thế mạnh riêng của từng địa phương. Tuy nhiên, việc này cũng có những thách thức không nhỏ trong quá trình thực hiện như khác biệt về đặc điểm kinh tế, mật độ dân cư, hạ tầng đô thị… Điều này có thể dẫn đến tình trạng phát triển thiếu đồng bộ, thậm chí chồng chéo.

Phó chủ tịch TP.HCM Dương Ngọc Hải nói về sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hữu Ngữ (cử tri P.Bình Hưng Hòa B) đóng góp ý kiến tại buổi tiếp xúc

ẢNH: T.L

Dẫn chứng cụ thể, ông Ngữ cho biết, TP.HCM hiện có GDP vào khoảng 70 tỉ USD, dân số gần 10 triệu người, cơ cấu kinh tế thiên về thương mại - dịch vụ, chiếm tới 70%, trong khi nông nghiệp chưa tới 1%. Trong khi đó, Bình Dương phát triển mạnh về công nghiệp, còn Bà Rịa - Vũng Tàu nổi bật về công nghiệp xây dựng và khai thác tài nguyên...

"Mỗi nơi có một lợi thế riêng, nếu không phối hợp hiệu quả, rất có thể sẽ xảy ra tình trạng dàn trải, làm suy giảm năng lực đặc thù của từng địa phương", ông Ngữ kiến nghị. 

Do đó, cử tri này kiến nghị nên có chiến lược quy hoạch và kết nối hạ tầng một cách hợp lý, đồng bộ, tránh làm ảnh hưởng đến hiệu quả phát triển chung.

Bên cạnh đó, các cử tri khác của Q.Bình Tân cũng bày tỏ sự đồng thuận trong vấn đề sáp nhập tỉnh thành, đề xuất hỗ trợ cho các cán bộ không chuyên trách trong quá trình tinh gọn bộ máy và các vấn đề xã hội khác…

Trả lời ý kiến cử tri, ông Dương Ngọc Hải, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM cho biết: "Đây là lần cuối cùng tổ đại biểu chúng tôi tiếp xúc cử tri Q.Bình Tân, lần sau có thể là tiếp xúc cử tri các phường, khi thực hiện việc sáp nhập đơn vị hành chính. Có thể nói đây là buổi tiếp xúc cử tri ý nghĩa nhất sau 20 năm thành lập Q.Bình Tân".

Ông Hải cho biết, trong kỳ họp thứ 9 sắp tới, Quốc hội sẽ sửa đổi một số điều trong Hiến pháp, một số luật có liên quan đến tổ chức bộ máy và các vấn đề quan trọng khác.

Phó chủ tịch TP.HCM Dương Ngọc Hải nói về sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu- Ảnh 2.

Ông Dương Ngọc Hải trả lời ý kiến cử tri

ẢNH: T.L

"Việc sáp nhập tỉnh, thành lần này được tính toán rất kỹ, dựa vào yêu cầu thực tiễn, qua đó tạo điều kiện cho sự phát triển với những tiềm năng mới. Chúng ta nói nhiều về liên kết vùng, sắp xếp để mở rộng không gian vùng, tạo điều kiện phát triển, cộng với đó là cải cách hành chính, giảm các bước trung gian, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, tinh giảm biên chế, tạo động lực phát triển trong kỷ nguyên mới. Nếu TP.HCM sáp nhập với Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương, sẽ mở ra một hướng phát triển mới về phía biển", ông Hải cho hay.

TP.HCM đã khởi công xây dựng khu đô thị lấn biển Cần Giờ với quy mô lớn, đồng thời chuẩn bị xây dựng cảng trung chuyển quốc tế tại đây. Hướng phát triển này sẽ kéo dài sang Vũng Tàu, với hệ thống hạ tầng đường bộ kết nối qua Cần Giờ, liên kết các cảng Cái Mép, Trung Sơn để tạo thành một quần thể cảng quy mô lớn, đủ sức cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực, mở rộng hoạt động vận tải biển và logistics.

Phó chủ tịch TP.HCM Dương Ngọc Hải nói về sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu- Ảnh 3.

Các đại biểu, cử tri Q.Bình Tân chụp hình lưu niệm

ẢNH: T.L

Về du lịch, ông Hải cho biết TP.HCM đang phát triển rất mạnh, dự báo doanh thu năm nay đạt khoảng 200.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, tiềm năng du lịch vẫn chưa được khai thác triệt để. Khi không gian phát triển được mở rộng hướng ra biển, kết nối với Bà Rịa - Vũng Tàu, du lịch sẽ phát triển mạnh mẽ và tạo thêm nhiều cơ hội.

Về Bình Dương, ông Hải cho biết thành phố công nghiệp này sẽ được sắp xếp lại các khu công nghiệp hợp lý hơn. TP.HCM sẽ chỉ giữ lại các khu công nghệ cao, công nghệ bán dẫn, và phần còn lại sẽ được bố trí hợp lý với Bình Dương để tận dụng không gian phát triển của vùng.

Đối với chính sách cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, ông Dương Ngọc Hải cho biết, TP.HCM đã có nghiên cứu, đóng góp ý kiến gửi Bộ Nội vụ. Riêng TP.HCM cũng có tính toán cơ chế chính sách cho các đối tượng này trong phạm vi của thành phố.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao