Hàng loạt vụ "bắt cóc online" nhắm vào giới trẻ
Ngày 21.7, ông L.H.T (trú P.Ô Chợ Dừa, Hà Nội) hốt hoảng đi trình báo với cơ quan công an về việc cháu họ ông tên là M. (19 tuổi, sinh viên đại học) bị bắt cóc. Các đối tượng yêu cầu gia đình chuyển 370 triệu đồng nếu không sẽ chặt ngón tay của M.
Vào cuộc điều tra, Công an P.Ô Chợ Dừa tìm thấy nữ sinh M. đang ở một mình tại một khách sạn trên đường La Thành (Hà Nội).

Nữ sinh M. làm việc với công an sau khi được giải cứu
ẢNH: CÔNG AN HÀ NỘI
Tại trụ sở công an, M. kể bị một nhóm người tự xưng công an gọi điện thông báo mình liên quan đến hoạt động rửa tiền và buôn bán chất cấm. Nhóm công an dỏm này yêu cầu M. phải chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra.
Do M. không có tiền, các đối tượng hướng dẫn nữ sinh tìm chỗ kín đáo vẽ lên cơ thể các vết thương giống như bị đánh, rồi liên hệ với gia đình báo mình bị bắt cóc và yêu cầu người thân chuyển tiền chuộc.
Trước đó, ngày 12.7, anh H.Đ.T (42 tuổi, trú P.Hòa Bình, Phú Thọ) cũng trình báo về việc con gái mình tên H.L (17 tuổi) đi ôn thi học sinh giỏi tại Vĩnh Phúc (cũ) bị bắt cóc, đòi tiền chuộc.
Tương tự, L. cũng bị một người dùng nhiều số điện thoại mạo danh công an, gọi điện thông báo có liên quan đến vụ án ma túy và yêu cầu phải hợp tác điều tra, sau đó dẫn dắt nữ sinh vào phòng họp Zoom có tên "Bộ Công an".

Nhóm lừa đảo sử dụng ứng dụng Zoom để điều khiển bị hại và đe dọa tống tiền
ẢNH: BỘ CÔNG AN
Tại phòng họp, các đối tượng dàn dựng kịch bản 3 người mặc cảnh phục đang làm việc với một người bị còng tay đóng vai shipper. Nhóm công an dỏm cho rằng L. đã đặt mua một bưu phẩm bên trong chứa ma túy và đe dọa, yêu cầu nạn nhân làm theo hướng dẫn nếu không muốn bị bắt giam, đi tù.
Nhóm lừa đảo xúi giục L. vay tiền bạn bè và tìm cách xin tiền bố mẹ bằng nhiều lý do và chiếm đoạt 10 triệu đồng từ L.
Thấy "dễ ăn", ít phút sau khi nhận 10 triệu đồng, nhóm lừa đảo tiếp tục yêu cầu L. chuyển số tiền lớn hơn. Khi nạn nhân nói không có tiền thì nhóm đối tượng hướng dẫn L. đặt xe đến nhà nghỉ ở địa bàn Hà Nội nhằm tạo dựng hiện trường giả một vụ bắt cóc để tống tiền, chiếm đoạt tài sản từ gia đình nữ sinh.

H.L sợ hãi kể lại sự việc với bố sau khi được cứu về
ẢNH: BỘ CÔNG AN
Tại nhà nghỉ, nhóm lừa đảo hướng dẫn L. gọi về cho bố mẹ nói rằng "bị 3 người bắt giữ, đang đưa đến cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh" và yêu cầu bố mẹ chuyển cho 100 triệu đồng để chuộc về, nếu không sẽ bị bán sang Campuchia.
Nhận diện phương thức, tránh thành nạn nhân
Từ tháng 6, tại TP.HCM và Đồng Nai cũng ghi nhận nhiều trường hợp bị "bắt cóc online" tương tự, nạn nhân đều là học sinh, sinh viên và có những trường hợp đã mất hàng trăm triệu đồng cho các đối tượng lừa đảo.
Bộ Công an đánh giá đây là biến tướng lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tính chất nghiêm trọng. Dù không bắt cóc thật nhưng tội phạm đã điều khiển, khống chế nạn nhân thông qua điện thoại, mạng xã hội để dựng nên kịch bản bắt cóc giả nhằm thao túng tâm lý nạn nhân và lừa đảo tiền bạc của gia đình.
Bộ Công an khuyến cáo người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên và phụ huynh cần nâng cao cảnh giác trước các cuộc gọi, tin nhắn từ số lạ xưng danh cơ quan chức năng; không bao giờ chuyển tiền khi chưa xác minh rõ danh tính người yêu cầu và mục đích chuyển; cảnh giác với các dấu hiệu: yêu cầu giữ bí mật, gọi video có người mặc sắc phục, đe dọa bắt giam, sử dụng ngôn ngữ pháp luật không rõ ràng, yêu cầu chuyển tiền khẩn cấp.
Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương, chứ tuyệt đối không gọi điện yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng hoặc cài đặt phần mềm để phục vụ điều tra.
Những dấu hiệu nhận biết có thể đang xảy ra "bắt cóc online"
- Học sinh, sinh viên đột nhiên biến mất không rõ lý do, không liên lạc được.
- Giao dịch chuyển khoản bất thường.
- Có người lạ tự xưng công an gọi điện, nhắn tin với nội dung đe dọa.
- Nạn nhân thể hiện tâm lý lo sợ, tránh tiếp xúc, lén lút sử dụng điện thoại.
Thủ đoạn lừa đảo được dàn dựng bài bản gồm 3 giai đoạn
Giai đoạn 1: Mạo danh cơ quan công quyền để tạo áp lực
- Các đối tượng sử dụng số điện thoại lạ, gọi trực tiếp cho nạn nhân.
- Tự xưng là cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án…
- Đưa ra cáo buộc bịa đặt như: liên quan đường dây rửa tiền, buôn ma túy, bị truy nã, có lệnh bắt giữ...
- Tạo tâm lý hoảng loạn, mất bình tĩnh cho nạn nhân.
Giai đoạn 2: Thao túng tâm lý, cô lập nạn nhân và moi tiền
- Yêu cầu tuyệt đối giữ bí mật, không được kể với người thân
- Yêu cầu nạn nhân xoay xở và chuyển tiền
- Nếu nạn nhân không có tiền hoặc đã chuyển và không còn khả năng thì các đối tượng hướng dẫn thuê khách sạn một mình
- Cắt đứt liên lạc chỉ nghe điện thoại từ nhóm lừa đảo
- Nạn nhân lúc này rơi vào trạng thái sợ hãi, mất phương hướng, phụ thuộc hoàn toàn vào hướng dẫn của nhóm lừa đảo.
Giai đoạn 3: Lừa tiền từ gia đình
- Dựng kịch bản giả: bị bắt cóc, cần tiền xác minh tài chính, thi quốc tế…
- Ép nạn nhân gọi/video về nhà, diễn đúng vai diễn để tăng độ tin cậy
- Yêu cầu chuyển tiền: có thể yêu cầu chuyển vào tài khoản của chính nạn nhân để đánh lừa sự nghi ngờ. Sau đó, ép nạn nhân tiếp tục chuyển lại toàn bộ số tiền cho chúng.
- Khi nhận được tiền, cắt đứt liên lạc, để lại nạn nhân hoảng loạn, gia đình mất tài sản lớn.