Ký ức giải phóng Côn Đảo của nữ cựu tù chính trị Hoàng Thị Khánh

Ngày 27.1.1973, Hiệp định Paris được ký kết với cam kết chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nhưng thực tế, địch không thực hiện đúng cam kết: chúng tiếp tục giam giữ tù chính trị, buộc họ phải khai nhận dưới danh xưng "gian nhân hiệp đảng" - tức tội phạm trộm cướp nhằm phủ nhận tư cách chiến sĩ cách mạng.

Lực lượng tù chính trị, đặc biệt là những người chống chào cờ, đã kiên quyết phản kháng bằng cách không lăn tay, không để chụp ảnh làm lại hồ sơ.

Đầu năm 1975, địch ráo riết đưa các tù chính trị từ đất liền ra Côn Đảo. Tháng 4.1975, nhờ bí mật giữ được hai chiếc radio tại Trại 6B nam và nữ, nhóm tù nhân chính trị nắm được tình hình chiến sự. Khi Long Khánh được giải phóng (21.4), mọi người hiểu quân ta đã áp sát Sài Gòn. Đến ngày 24.4, địch lục soát và tịch thu toàn bộ radio. Mất liên lạc với đất liền, họ chỉ còn cách quan sát hành vi của địch để đoán định tình hình.

Tù chính trị bị cô lập tuyệt đối, không được ra ngoài, không được tiếp xúc. Bà Khánh cùng các bạn tù phát hiện địch gài mìn quanh trại giam. Nhận định tình hình nguy hiểm, họ họp bàn: hoặc bị thủ tiêu, hoặc bị đưa ra biển để Mỹ đón đi. Phương châm đặt ra là "nếu chết cũng phải chết đàng hoàng". Mọi người vẫn chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động cho tươm tất, vui vẻ.

Từ chiều ngày 28 đến đêm 30.4, máy bay gầm rú trên bầu trời. Rạng sáng 1.5.1975, tên trại trưởng Trại 6B mở cửa: "Mấy bà ra đi, bên mấy bà thắng rồi". Cảnh giác cao độ, bà Khánh cùng chị em yêu cầu bằng chứng. Tên trại trưởng mang đến chiếc radio, mở đài Sài Gòn, giọng thượng tướng Trần Văn Trà vang lên đọc lệnh thiết quân luật. Cả phòng giam vỡ òa: "Mình thắng rồi! Bác Hồ muôn năm!".

Khoảnh khắc ấy, nước mắt và tiếng hô vang hòa làm một. Bà Khánh và các bạn tù phá cửa các trại khác, giải thoát cho nhau. 6 giờ sáng, tin chính thức từ Trại 7 báo về: hơn 4.000 tù chính trị được trả tự do. Đại diện nữ tù nhân được cử tham gia Đảng ủy và Ủy ban hòa hợp, hòa giải dân tộc tỉnh Côn Đảo.

Ký ức giải phóng Côn Đảo của nữ cựu tù chính trị Hoàng Thị Khánh- Ảnh 1.

Nữ cựu tù Côn Đảo, bà Hoàng Thị Khánh kể lại câu chuyện tại hội thảo

ẢNH: NGUYỄN ANH

Đảng ủy gồm 12 người, do ông Trịnh Văn Tư làm Bí thư. Các thành viên nhận nhiệm vụ cụ thể: giữ ổn định trại, bảo vệ đảo, kiểm soát quân phạm và tổ chức lại đời sống. Đội hình được tổ chức lại thành các tiểu đội, trung đội vũ trang. Kho vũ khí, thuốc men, bệnh xá, trại lính cũ được tiếp quản. Các khu bếp được phân về tay tù chính trị để phục vụ toàn đảo.

Lúc này, linh mục Phạm Gia Thụy đóng vai trò then chốt. Ông cùng tù chính trị phối hợp với một số sĩ quan cũ có thiện cảm với cách mạng tổ chức lực lượng, bảo vệ dân chúng khỏi cướp bóc, hỗn loạn nếu Mỹ quay lại.

Ngày 1.5, một tiểu đoàn vũ trang được thành lập. Các trại biệt giam được giải phóng, sinh hoạt trên đảo được tổ chức lại ổn định cho gần 10.000 người. Chính quyền cách mạng lâm thời được thiết lập, ban hành quy định, chính sách khoan hồng, trấn an dân chúng.

Ngày 3.5, 3 người nhái bị bắt giữ và qua đó, nhóm lãnh đạo đảo liên lạc được với Ban chỉ huy giải phóng ngoài khơi. Biết tin, các cán bộ giải phóng xúc động: "Rất biết ơn các đồng chí đã tự giải phóng và giữ gìn nguyên vẹn, không đổ giọt máu nào, mừng lắm".

Sáng 4.5, lễ mừng đảo giải phóng được tổ chức. Hàng ngàn người ùa ra sân, áo quần rách rưới nhưng khuôn mặt bừng sáng. Gần 200 diễn viên văn công biểu diễn văn nghệ, tái hiện khí phách Trần Bình Trọng, Nguyễn Trãi, Nguyễn Văn Trỗi... Những giọt nước mắt, tiếng hô vang, tiếng đàn hòa quyện trong ngày Côn Đảo hoàn toàn tự do.

Tối 4.5, chuyến tàu đầu tiên đưa 549 tù nhân về đất liền. "Cho đến tận hôm nay, tôi vẫn thấy nghẹn ngào sung sướng khi hồi tưởng lại giây phút đó", bà Hoàng Thị Khánh nói.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao