Hy sinh vì cuộc sống bình yên: Liệt sĩ Nguyễn Thành Nhân và hành trình sống lý tưởng

8 năm sau ngày anh hy sinh, câu chuyện về người lính quả cảm sống trọn với lý tưởng vẫn được đồng đội và gia đình nhắc nhớ bằng tất cả niềm tiếc thương, tự hào.

8 năm đã trôi qua, khoảng thời gian đủ dài để nhiều ký ức phai nhạt, nhưng với những điều tra viên của Đội 8, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46 cũ), nay là Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (PC03) - Công an TP.HCM, vụ án năm nào vẫn như mới vừa xảy ra hôm qua. Đó là một chuyên án đặc biệt, không chỉ bởi tính chất phức tạp của tội phạm công nghệ cao, mà còn bởi vụ án đã lấy đi của họ người đội trưởng, người đồng đội, người anh em mà họ hết mực kính trọng - trung tá Nguyễn Thành Nhân.

Nạn nhân ở Q.7 cũ (TP.HCM) bị nhóm đối tượng giả mạo cuộc gọi từ cơ quan chức năng, thông báo còn nợ cước điện thoại, sau đó đe dọa, cho rằng người này có liên quan đến một đường dây tội phạm và buộc phải chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định để "chứng minh sự trong sạch". Lo sợ, nạn nhân đã chuyển khoản tổng cộng 6 tỉ đồng.

Hy sinh vì cuộc sống bình yên: Liệt sĩ Nguyễn Thành Nhân và hành trình sống lý tưởng - Ảnh 1.

Trung tá Nguyễn Thành Nhân (Đội trưởng Đội 8) trong một chương trình truyền hình

ẢNH: GIA ĐÌNH CUNG CẤP

Lần theo dòng tiền, trung tá Nhân cùng đồng đội nhanh chóng xác định được 2 nhóm nghi phạm đang lẩn trốn ở tỉnh Bình Phước (nay là tỉnh Đồng Nai), Hà Nam (nay là Ninh Bình) và Quảng Ninh. Một manh mối quan trọng lóe lên: hơn 2 tỉ đồng trong số tiền lừa đảo đã được chuyển đến tài khoản mang tên Hoàng Văn Huân tại một ngân hàng ở tỉnh Bình Phước, và tiền đang bị rút ra liên tục.

Trung tá Nhân lập tức yêu cầu ngân hàng phối hợp, tạo ra tình huống kỹ thuật để tạm thời phong tỏa giao dịch. Anh phán đoán sáng hôm sau kẻ nhận tiền sẽ đến ngân hàng để giải quyết. Kế hoạch đã vạch ra, anh chỉ kịp soạn vài bộ quần áo, cùng 3 cán bộ khác thuộc Đội 8 tức tốc lên đường đi Bình Phước ngay trong đêm.

NỖI ĐAU KHÔN NGUÔI CỦA NGƯỜI Ở LẠI

Khi anh Nhân rời khỏi nhà, chị Nguyễn Thanh Vân (vợ anh) vẫn đinh ninh rằng chuyến công tác này cũng như bao lần khác. Chị đã quá quen với những chuyến đi vội vã của chồng, quen với việc anh trở về khi thành phố đã say ngủ và lại lên đường khi trời còn chưa tỏ. Nhưng không ngờ đó lại là lần chia tay cuối cùng của anh chị.

Chị Vân vẫn nhớ như in 4 giờ sáng 18.3.2017, tiếng chuông điện thoại reo vang. Một tin dữ được đồng đội anh báo về: trung tá Nguyễn Thành Nhân đã hy sinh trong một vụ tai nạn giao thông khi đang trên đường làm nhiệm vụ, do chấn thương sọ não. Chị Vân ngã quỵ. Bầu trời như sụp đổ, mọi thứ xung quanh chị vỡ nát thành từng mảnh.

Căn hộ nhỏ của gia đình anh Nhân nằm trên đường Lý Thường Kiệt, P.Minh Phụng (thuộc P.7, Q.11 cũ) vẫn còn đó, nhưng đã thiếu đi bóng hình người đàn ông trụ cột. Không gian im ắng, chỉ có tiếng quạt quay đều và ánh mắt đượm buồn của người phụ nữ đã phải một mình gồng gánh gia đình sau cú sốc quá lớn.

Hy sinh vì cuộc sống bình yên: Liệt sĩ Nguyễn Thành Nhân và hành trình sống lý tưởng - Ảnh 2.

Tấm ảnh hiếm hoi chụp chung với gia đình của trung tá Nhân

ẢNH: GIA ĐÌNH CUNG CẤP

"Anh ấy sống có trách nhiệm, sống có tình có nghĩa với gia đình, đồng đội và với công việc. Dù bận rộn nhưng trước đây sáng nào anh cũng đưa con đi học", chị Vân nghẹn ngào chia sẻ.

Chị kể anh đi trực liên miên, nhiều hôm vừa về đến nhà, chưa kịp tắm rửa, ăn miếng cơm đã có lệnh đi gấp. "Có đêm 1 - 2 giờ sáng anh đi làm nhiệm vụ, mà đi đâu, làm gì tôi cũng không được biết. Vợ công an mà, quen rồi. Nhưng quen không có nghĩa là không lo. Tôi chỉ mong anh giữ gìn sức khỏe bởi công việc đã ăn sâu vào máu ảnh rồi", chị nói, giọng đầy tự hào nhưng cũng không giấu được nỗi xót xa.

Với chị Vân, điều chị quan tâm nhất chính là sự an toàn và sức khỏe của chồng. Công việc của anh đầy áp lực, nguy hiểm, còn anh thì quá say mê, đôi khi quên cả bản thân mình. Chị không thể ngăn cản ngọn lửa nhiệt huyết ấy, chỉ có thể âm thầm làm hậu phương, chăm lo cho anh từng bữa cơm, giấc ngủ.

Khi được hỏi điều gì chị tiếc nuối nhất, chị Vân giọng nghẹn lại: "Là những lần anh đi làm nhiệm vụ, tôi chưa kịp dặn dò gì thì anh đã đi mất rồi. Chưa một lần nào được tiễn anh đúng nghĩa, chưa có một lời nhắn nhủ cuối cùng".

Ngày anh mất, chị Vân suy sụp rồi rơi vào trạng thái trầm cảm. Hai đứa con, đứa lớn mới học lớp 5, đứa nhỏ học lớp 3, còn quá nhỏ để hiểu hết nỗi đau mất cha. Có lần, đứa con nhỏ ngây thơ hỏi chị: "Ba chết rồi, mốt ba sống lại hả mẹ?". Câu hỏi như nhát dao cứa vào tim, khiến chị đắng nghẹn không tìm ra câu trả lời. Chị cố gắng nén nỗi đau, hạn chế nhắc về anh trước mặt các con vì không muốn khơi lại vết thương lòng còn chưa lành.

Đến nay, chị tự hào vì con gái lớn vừa thi đỗ Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). Chị nói sẽ đợi đến khi các con thật sự trưởng thành sẽ kể cho chúng nghe về người cha tử tế của mình.

DẤU ẤN TRONG NHỮNG CHUYÊN ÁN NÓNG

Trong ký ức của đồng đội, trung tá Nhân là một đội trưởng mẫu mực, luôn sống trọn vẹn với anh em, luôn chọn phần gian khó nhất về mình.

Cuộc chiến chống tội phạm lừa đảo công nghệ cao những năm 2014 là một trong những giai đoạn cam go nhất. Các băng nhóm hoạt động xuyên quốc gia, tổ chức lừa đảo cực kỳ tinh vi. Chỉ riêng trong năm 2014, tại TP.HCM đã có hơn 300 nạn nhân bị lừa, với tổng thiệt hại lên đến hơn 20 tỉ đồng. Nhưng với nỗ lực không ngừng nghỉ, trung tá Nhân và đồng đội đã trực tiếp điều tra, thụ lý hàng chục vụ án, hàng trăm bị can, thu hồi được hơn 10 tỉ đồng cùng số lượng lớn vật chứng liên quan.

Khi các chiêu trò lừa đảo qua Zalo, Messenger, Viber bắt đầu rộ lên, trung tá Nhân chia lực lượng thành 3 mũi từ Bình Dương (nay là TP.HCM) ra Nghệ An, rồi vòng vào Quảng Nam (nay là TP.Đà Nẵng) truy tìm manh mối.

Hy sinh vì cuộc sống bình yên: Liệt sĩ Nguyễn Thành Nhân và hành trình sống lý tưởng - Ảnh 3.

Trung tá Nguyễn Thành Nhân

ẢNH: GIA ĐÌNH CUNG CẤP

Một điều tra viên Đội 8 nhớ lại, một đêm nọ, lúc khoảng 2 giờ, tại Duy Xuyên (Quảng Nam trước đây), chỉ với 4 cán bộ tay không, họ vẫn quyết định đột kích một địa điểm nghi vấn. Sau khi vượt qua 3 lớp cửa khóa, bên trong là một cảnh tượng hỗn loạn: gần 30 thanh niên đang phê ma túy, nhiều người trong số đó mang theo hung khí. Bằng sự mưu trí và linh hoạt, anh Nhân đã chỉ huy đồng đội kiểm soát tình hình, tránh được một cuộc đụng độ nguy hiểm.

"Có những chuyến công tác anh rong ruổi giữa mùa đông lạnh giá của miền Bắc, truy vết nghi phạm từ Bắc Ninh sang Hải Phòng, rồi lại vội vã vòng về Quảng Ninh chỉ vì một đầu mối mong manh. Có chuyến đi cả đội chỉ mang theo vài gói mì tôm, mấy chai nước suối, chia nhau những phút chợp mắt hiếm hoi. Riêng anh, đêm ấy thức trắng để canh đối tượng, nhường phần ăn, nhường cả giấc ngủ cho đồng đội. Nếu có ai mệt, anh Nhân sẵn sàng trực thay", đồng đội anh Nhân kể lại.

Có thời điểm mẹ bệnh nặng, con nhỏ sốt cao, anh vẫn đang trên chiếc xe cũ đi mượn, vượt cầu gỗ cheo leo, giữ vững tay lái băng hơn 200 km để truy bắt nghi phạm. Đói, khát, thiếu ngủ nhưng khí thế vẫn hừng hực, tất cả bởi ngọn lửa nhiệt huyết với nghề, với trách nhiệm bảo vệ sự bình yên cho nhân dân.

Trung tá Nguyễn Thành Nhân đã sống một cuộc đời trọn vẹn và ra đi như một người anh hùng. Tấm gương của anh mãi là ngọn lửa thắp sáng tinh thần quả cảm, không ngại gian khổ, hy sinh cho thế hệ những chiến sĩ công an nhân dân hôm nay và mai sau.

Với những thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng chống tội phạm, trung tá Nguyễn Thành Nhân được Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen; Giám đốc Công an TP.HCM tặng giấy khen ghi nhận những nỗ lực trong công tác phòng chống tội phạm, gìn giữ an ninh trật tự trên địa bàn TP.HCM; cùng Huy chương Chiến sĩ vẻ vang do Chủ tịch nước trao tặng ghi nhận 15 năm phục vụ liên tục trong lực lượng Công an nhân dân.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao