Giải bài toán nâng cao y tế cơ sở

Ngày 31.3, Ủy ban Văn hóa và Xã hội Quốc hội giám sát tại Sở Y tế TP.HCM việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp y tế cơ sở, y tế dự phòng theo Nghị quyết 99 năm 2023 của Quốc hội. Ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Quốc hội, làm trưởng đoàn giám sát.

Giải bài toán nâng cao y tế cơ sở - Ảnh 1.

Người dân đến trạm y tế ở TP.HCM tầm soát sức khỏe

Ảnh: Duy Tính

Báo cáo với đoàn giám sát, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, trình bày về các chương trình phát triển y tế cơ sở (gồm trung tâm y tế, trạm y tế), chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn TP.HCM đã được triển khai trong thời gian qua.

Thu hút bác sĩ trẻ về trạm y tế

Theo TS-BS Vĩnh Châu, một trong những điểm nổi bật của y tế cơ sở (YTCS) ở TP.HCM là TP.HCM tăng cường năng lực, thu hút bác sĩ (BS) về trạm y tế (TYT) theo Nghị quyết 01/2022 của HĐND TP về các chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực TYT phường, xã, thị trấn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và đến năm 2025.

Trong đó, có chương trình thí điểm tổ chức thực hành 18 tháng miễn phí để cấp chứng chỉ hành nghề cho các BS mới tốt nghiệp tại các bệnh viện đa khoa gắn liền với TYT. Đến nay đã thực hiện được 4 khóa, thu hút được 826 BS.

"Tỷ lệ BS chọn về YTCS ngày càng gia tăng, từ 9% năm 2023 lên 21% năm 2024. Điều này cho thấy sự quan tâm của BS ra trường sau một thời gian được gắn bó, thực hành ở TYT", TS-BS Vĩnh Châu nói.

Tuy nhiên, TS-BS Vĩnh Châu cho biết hết năm 2025 Nghị quyết 01 hết hiệu lực. Ngành y tế TP.HCM đang xây dựng lại nghị quyết tương tự để trình HĐND cho nhiệm kỳ tới. Theo luật Khám bệnh, chữa bệnh mới thì các BS sẽ thực hành 12 tháng để lấy chứng chỉ hành nghề, sau đó sẽ về công tác tại YTCS 6 tháng và được bồi dưỡng sinh hoạt phí (60 triệu đồng). Sau đó, các BS này được quyền chọn bệnh viện có thương hiệu của TP.HCM. Điều này cũng nhằm đảm bảo lúc nào TYT cũng có BS làm việc.

Cùng với việc thu hút BS, nhất là BS trẻ về YTCS làm việc, ngành y tế còn điều động, luân phiên BS, nhân viên y tế về công tác tại tuyến YTCS , nhất là TYT tuyến xã và ngược lại để nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế.

Về kiến nghị, ngoài các chính sách cho YTCS, giá viện phí, bảo hiểm y tế, thuốc để thu hút người bệnh thì Sở Y tế cho rằng cần có chính sách tốt hơn kích thích BS trẻ về YTCS. "Kiến nghị Bộ Y tế có cơ chế, hướng BS mới tốt nghiệp có thời gian thực hành tại YTCS, có chính sách hướng BS mới ra trường về công tác tại YTCS một thời gian. Có chính sách ưu tiên về thăng tiến nghề nghiệp cho nhân viên y tế", TS-BS Vĩnh Châu nói.

Theo ông, hiện nhân viên YTCS không có cơ hội thăng tiến giống các đồng nghiệp của mình làm ở các bệnh viện. Ông ví dụ, 2 BS mới ra trường, 1 người về bệnh viện, 1 người về YTCS. BS về bệnh viện thì chừng 3 năm là có thể học chuyên khoa 1, thạc sĩ; chừng 5 - 10 năm thì có thể thành tiến sĩ, sau đó có thể thành phó giáo sư. Còn BS về YTCS thì 10 năm cũng khó đi học nên khó có cơ hội thăng tiến. Đến nay, không có 1 BS nào ở YTCS được phong phó giáo sư.

Một đại biểu trong đoàn giám sát cũng nhìn nhận việc nâng cao năng lực, thực hiện các chính sách về thuốc… tại YTCS là nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân. Nhưng việc này cũng không được làm mất quyền của người tham gia khám chữa bệnh, đó là nhân viên y tế.

Ngành y tế làm đầu mối y tế học đường sẽ tốt hơn

Các đại biểu đánh giá cao mô hình YTCS của TP.HCM, cũng như sự sáng tạo, đổi mới đối với mô hình này. Đặc biệt là giao YTCS về cho quận, huyện quản lý nhà nước, còn chuyên môn thì ngành y tế vẫn quản lý.

Các đại biểu cũng quan tâm đến giải quyết y tế học đường và chăm sóc sức khỏe cho công nhân tại TP.HCM. Các tồn tại trong thanh quyết toán bảo hiểm y tế; vắc xin; tầm soát trước hôn nhân và tầm soát trước sinh, sơ sinh; truyền thông; phát triển AI; vai trò hệ thống y tế tư nhân…

"Riêng về y tế học đường, chúng tôi nhận định là điểm yếu của ngành y tế, UBND TP.HCM cũng nhắc nhiều lần. Nhưng vấn đề này Sở GD-ĐT TP.HCM là đầu mối chính, còn Sở Y tế chỉ phối hợp. Rất mong sau này có chính sách để ngành y tế sẽ là đầu mối để thực hiện tốt hơn. Vì y tế học đường thực hiện phòng bệnh rất hiệu quả, chống lây lan dịch bệnh", PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thảo luận với đoàn giám sát. Ông thông tin thêm UBND TP.HCM cho phép ngành y tế làm đề án chuẩn hóa công tác y tế học đường.

TP.HCM kiến nghị vẫn giữ cơ sở các TYT để gần dân

Một trong những kiến nghị quan trọng khác của TP.HCM với Quốc hội là không "gom" TYT như sáp nhập phường, xã để người dân có thể tiếp cận y tế gần nhất. Theo đó, có quy định phân bổ các TYT theo quy mô dân số, không theo địa giới hành chính. Đối với TP.HCM, cứ 20.000 - 30.000 dân thì có 1 TYT. Chức năng của TYT tùy thuộc vào đặc điểm của địa bàn dân cư. Như khu vực trung tâm, có nhiều BV trên địa bàn thì TYT tập trung vào hoạt động phòng, chống dịch bệnh và quản lý sức khỏe.


Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao