40 mỏ vàng chủ yếu được phát hiện ở Tây Bắc
Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) công bố đề án "Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội” (gọi tắt là đề án Tây Bắc).

Ảnh minh họa về khai thác vàng ở Việt Nam
ẢNH: MẠNH CƯỜNG
40 mỏ vàng trữ lượng gần 30 tấn được phân bố như thế nào
Đề án phát hiện và đánh giá 110 mỏ khoáng sản, gồm 25 loại khác nhau như đất hiếm, thiếc-wolfram, vàng, đồng, antimon, đá mỹ nghệ, đá vôi công nghiệp… Trong đó có 17 mỏ quy mô lớn, 43 mỏ trung bình và 50 mỏ nhỏ - vượt gấp đôi mục tiêu ban đầu.
Trong 110 mỏ trên có tới 40 mỏ vàng với tổng tài nguyên cấp 333 xác định được hơn 29,8 tấn vàng. Ngoài ra, tại một mỏ đồng ở tỉnh Lào Cai, các đơn vị nghiên cứu còn phát hiện khoáng sản đi kèm có vàng với tổng tài nguyên cấp 333 xác định được hơn 420 kg vàng.
Các mỏ vàng được phân bố chủ yếu ở Tây Bắc gồm: Bắc Kạn, Tuyên Quang mỗi tỉnh 8 mỏ; Lai Châu 5; Thanh Hóa, Nghệ An mỗi tỉnh 4; Lạng Sơn, Cao Bằng mỗi nơi 3; Hà Giang, Yên Bái mỗi nơi 2, Điện Biên 1 mỏ.
Tại 2 khu vực phát hiện nhiều mỏ vàng nhất là tỉnh Tuyên Quang và Bắc Kạn, các nhà nghiên cứu phát hiện mỏ vàng được phân bố khá sâu.
Trong đó, tại Tuyên Quang các mỏ vàng là phần nhân của nếp lồi Đạo Viện có trục kéo dài theo hướng đông bắc - tây nam. Vàng được phát hiện khi khoan xuống độ sâu 220 m. Chuyên gia cho rằng, các thân quặng vàng ở dưới sâu, tối đa lên đến 500 m nên cần được điều tra, đánh giá tiếp.
Tại Bắc Kạn, nhà nghiên cứu phát hiện nhiều thân quặng vàng bắt đầu độ sâu 140 m, khả năng phát hiện thêm các thân quặng dưới sâu, quặng ẩn, đến độ sâu khoảng 200 - 250 m theo hướng cắm hoặc sâu hơn.
Tại tỉnh Lai Châu phát hiện vàng nằm trong các đới cà nát, milonit (đá biến chất động lực hạt mịn) dọc theo đới đứt gãy phương tây bắc - đông nam. Đây là khu vực có thân quặng tồn tại ở phần sâu, có triển vọng phát hiện quặng vàng ẩn sâu nên cần được đầu tư điều tra, phát hiện.
Phát hiện thêm nhiều mỏ than, đất hiếm
Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết thêm, trong lúc thăm dò 6 mỏ vàng lớn còn phát hiện khoáng sản bạc đi kèm. Các nhà nghiên cứu đã tính được tài nguyên bạc đi kèm trong 6 mỏ vàng được đánh giá có tổng tài nguyên cấp 333 hơn 18,7 tấn bạc.
Ngoài các mỏ khoáng sản kim loại, đề án còn phát hiện các tài nguyên khác như: than đá, đất hiếm, gốm sứ. Trong đó, than đá có biểu hiện diện phân bổ lớn tại các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Yên Bái trong hệ tầng Suối Bảng.
Các mỏ than được đánh giá quy mô nhỏ nhưng số lượng các biểu hiện khoáng sản phát hiện được khá lớn. Nếu tiếp tục được đầu tư sẽ phát hiện thêm nhiều mỏ mới.
Về đất hiếm, các nhà nghiên cứu phát hiện ra nhiều quặng đất phân bố ở nhiều tỉnh Tây Bắc. Các quặng đất có tiềm năng tạo ra các mỏ khoáng đất hiếm kiểu hấp phụ ion trong vỏ phong hóa quy mô lớn, rất cần được điều tra, đánh giá trong thời gian tới.
Đặc biệt, những kết quả phát hiện trên mở ra triển vọng tìm kiếm, phát hiện các mỏ quặng đất hiếm kiểu hấp phụ ion trong vỏ phong hóa trên các đá magma thành phần trung tính, axit, kiềm có diện tích phân bố lớn ở các khu vực Bắc Trung bộ, Trung và Nam Trung bộ, Tây nguyên.
Nguyên liệu gốm sứ chủ yếu được phát hiện ở Tuyên Quang, kết quả đánh giá trên diện tích 20 km đã xác định được tài nguyên cấp 333 của kaolin gần 4 triệu tấn; nguyên liệu gốm sứ là gần 46 triệu tấn.