Trước đó, thị trường Mỹ hôm 3.4 chứng kiến phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ những ngày đầu đại dịch Covid-19. Tại châu Âu, các ngành hàng xa xỉ, ô tô, ngân hàng bị ảnh hưởng nặng nề, dù vẫn có điểm sáng từ các loại tiền tệ và dược phẩm. USD vẫn đang chịu sức ép và đang ở mức thấp nhất trong 6 tháng so với các đồng tiền chủ chốt như yen Nhật, euro hay bảng Anh. Giữa lúc thị trường lao dốc vào ngày 3.4, ông Trump và các cố vấn cho rằng đó chỉ là ảnh hưởng ngắn hạn và miêu tả nền kinh tế sau cuộc "phẫu thuật" sẽ phục hồi mạnh mẽ.

Bảng điện tử tại Sở giao dịch chứng khoán New York hôm 3.4
ẢNH: AP
Trong khi đó, các quan chức Nhà Trắng lại đang đưa ra thông điệp mâu thuẫn nhau về việc liệu những thuế suất mới này có duy trì lâu dài hay chỉ là công cụ để các nước nhượng bộ. Theo Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick và Cố vấn cấp cao về thương mại Peter Navarro, Mỹ sẽ không rút lại các thuế suất và nhấn mạnh đây không phải là một hành động mở đầu cho đàm phán. Tuy nhiên, sau đó Tổng thống Trump lại cho biết ông sẵn sàng đàm phán với các đối tác "nếu phía bên kia đưa ra điều gì đó có lợi".
Vì thuế quan của ông Trump, iPhone sẽ vượt ngưỡng 60 triệu đồng?
Đáp lại, Trung Quốc đã yêu cầu hủy bỏ ngay lập tức các mức thuế mới và vào chiều qua thông báo sẽ đánh thuế bổ sung 34% lên toàn bộ hàng hóa Mỹ từ ngày 10.4. Pháp và Đức cảnh báo Liên minh Châu Âu (EU) có thể đánh thuế các tập đoàn công nghệ Mỹ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thậm chí kêu gọi tạm ngừng đầu tư vào Mỹ cho đến khi các mức thuế "tàn bạo" này được làm rõ. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru gọi mức thuế 24% mà nước ông phải đối mặt là một "cuộc khủng hoảng quốc gia" nhưng cũng như một số bên khác như Hàn Quốc, Ấn Độ hay Mexico, Nhật Bản thông báo sẽ tìm kiếm sự thỏa hiệp thay vì đáp trả.
Trong bối cảnh thị trường toàn cầu đang chạy đua ứng phó, Tổng thống Trump hôm 3.4 hé lộ thuế suất mới đối với chất bán dẫn và dược phẩm có thể sớm được công bố.