
Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir Mayardit (trái) đã ra lệnh bắt và quản thúc tại gia đối với Phó tổng thống Riek Machar
ảnh: reuters
Động thái trên đánh dấu lần đầu tiên Mỹ thi hành biện pháp xử lý toàn bộ những người mang hộ chiếu của một nước cụ thể kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quay lại Nhà Trắng, bao gồm thu hồi thị thực Mỹ.
Chính quyền ông Trump đang đẩy mạnh việc thi hành các chính sách di trú, bao gồm hồi hương những người nhập cảnh bất hợp pháp.
Washington cảnh báo những nước không nhanh chóng tiếp nhận công dân bị trục xuất khỏi Mỹ sẽ đối mặt hậu quả, bao gồm hạn chế về thị thực hoặc thuế quan.
Trong bối cảnh này, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio chỉ trích chính phủ Nam Sudan đã không tôn trọng quy tắc mỗi nước phải đồng ý kịp thời tiếp nhận công dân khi nước khác, bao gồm Mỹ, tìm cách trục xuất họ.
"Với hiệu lực ngay tức thời, Bộ Ngoại giao Mỹ đang hành động để thu hồi toàn bộ thị thực Mỹ cấp cho hộ chiếu Nam Sudan và ngừng cấp mới nhằm ngăn chặn việc nhập cảnh của những người mang hộ chiếu nước này", Reuters hôm nay 6.4 dẫn lời Ngoại trưởng Rubio.
"Chúng tôi sẽ rà soát lại những hành động trên khi Nam Sudan hợp tác đầy đủ", theo ông Rubio, nói thêm rằng đã đến lúc chính quyền chuyển tiếp của Nam Sudan "ngừng ngay hành động lợi dụng Mỹ".
Đại sứ quán Nam Sudan tại thủ đô Washington chưa bình luận về thông tin này.
Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden cũng đang cấp quy chế bảo vệ tạm thời (TPS) cho các công dân Nam Sudan, và quy chế này sẽ hết hạn vào ngày 3.5.
Mỹ cấp TPS cho những người không thể quay về quê hương an toàn vì lý do chiến tranh, thiên tai...
Có khoảng 133 người Nam Sudan ở Mỹ theo chương trình TPS, và thêm 140 đương đơn đủ điều kiện đăng ký, theo Bộ An ninh Nội địa vào tháng 9.2023.
Quyết định của Mỹ cũng được đưa ra sau khi các nhà trung gian Liên minh châu Phi đến thủ đô Juba của Nam Sudan trong tuần để tham gia nỗ lực thương thuyết nhằm ngăn chặn nguy cơ nội chiến quay lại nước này sau khi Phó tổng thống thứ nhất Riek Machar bị quản thúc tại gia vào tuần trước.
Chính quyền Tổng thống Salva Kiir cáo buộc ông Machar, người dẫn đầu lực lượng nổi dậy trong cuộc nội chiến từ năm 2013-2018 khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng, có mưu đồ khuấy động âm mưu nổi dậy mới.
Việc quản thúc ông Machar được tiến hành sau vài tuần giao tranh ở bang miền bắc Upper Nile giữa quân đội và lực lượng vũ trang đối lập White Army. Lực lượng của ông Machar từng liên kết với White Army trong cuộc nội chiến trước đây nhưng hiện bác bỏ mọi liên hệ với tổ chức này.