Nhịp nhàng xuất - nhập
Tháng 3 vừa qua ghi nhận nhiều mặt hàng nông thủy sản xuất khẩu chủ lực của VN tăng trưởng mạnh. Trong đó, gạo, cà phê, thủy sản tăng trưởng và thặng dư cao nhất. Để có được thành tích này, bên cạnh diễn biến thuận lợi của thị trường còn có những nỗ lực tính toán, tư duy kinh doanh nhanh nhạy và thích ứng của các doanh nghiệp. Con số 8,2 triệu tấn lúa được các doanh nghiệp trong nước nhập về chế biến và xuất đi đã cho thấy một hình ảnh ngành lúa gạo nội địa hoàn toàn khác.

Doanh nghiệp gạo VN ngày càng tham gia sâu vào chuỗi thương mại toàn cầu
ẢNH: Thanh Phong
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA), cho biết: "Ngành lúa gạo VN hiện nay có 2 hình thái hoạt động chính. Thứ nhất là sản xuất và xuất khẩu từ nguồn cung trong nước. Hiện diện tích trồng lúa có xu hướng giảm theo định hướng tái cơ cấu của Chính phủ, dự kiến sản lượng chỉ còn khoảng 30 - 40 triệu tấn gạo. Điều này đặt ra thách thức về việc đảm bảo nguồn cung nếu mở rộng thị trường xuất khẩu, hoặc nguy cơ bị ép giá nếu không mở rộng. Thứ hai, các doanh nghiệp xuất khẩu VN đã chủ động mua lúa gạo từ nước láng giềng, đặc biệt là Campuchia, để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Theo số liệu thống kê của VFA, trong những tháng đầu năm, VN đã nhập khẩu 1,14 triệu tấn lúa từ Campuchia, tương đương khoảng 600.000 tấn gạo. Trước đó, nước ta cũng nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn lúa từ Campuchia trong năm 2023 và tăng lên 3,8 triệu tấn trong năm 2024, chủ yếu là giống cấp thấp IR50404. Điều này giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ổn định nguồn cung; đồng thời cũng thể hiện vai trò ngày càng lớn của các nhà xuất khẩu VN trong việc tham gia vào thị trường lúa gạo khu vực và thế giới".
Không chỉ nhập khẩu gạo từ Campuchia, các doanh nghiệp VN đã nhập khẩu gạo từ Ấn Độ. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông tin, VN bắt đầu nhập khẩu gạo từ năm 2020, đến năm 2024 lượng gạo nhập khẩu của VN đã lên đến 3,2 triệu tấn. Trên thế giới, VN xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới sau Ấn Độ và Thái Lan; nhưng ở chiều nhập khẩu VN cũng đứng hạng 3 sau Philippines và Indonesia. Năm 2025, dự báo lượng gạo nhập khẩu vào VN cũng xấp xỉ trên 3 triệu tấn. Từ câu chuyện của lúa gạo, nhìn rộng ra các mặt hàng nông sản mà VN là nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, việc chuyển mình từ nhà sản xuất sang vừa sản xuất vừa làm thương mại cũng đã và đang được thực hiện khá bài bản.

VN không chỉ xuất khẩu gạo nguyên liệu mà còn nhập gạo để chế biến xuất khẩu
ẢNH: Đào Ngọc Thạch
Đơn cử với mặt hàng hồ tiêu, VN cũng đã thống trị vị trí xuất khẩu số 1 thế giới hàng chục năm nay. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang nhập khẩu khá nhiều hồ tiêu về để chế biến. Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị VN, trong nửa đầu tháng 3.2025, VN đã nhập khẩu 1.731 tấn hồ tiêu, kim ngạch 10,3 triệu USD. Nguồn cung chủ yếu đến từ Brazil và Indonesia, trong đó Brazil chiếm gần 70% lượng nhập khẩu. Trao đổi với Thanh Niên, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu lớn có trụ sở tại TP.HCM, giải thích: "Đương nhiên các doanh nghiệp nhập khẩu hồ tiêu về VN không phải để tiêu thụ trong nước. Thị trường nội địa rất nhỏ bé, sản lượng hồ tiêu của VN dư sức cung ứng. Việc nhập khẩu, chế biến, xuất khẩu hoàn toàn là bài toán kinh doanh của các doanh nghiệp. Khi giá tiêu nội địa lên cao, cạnh tranh thu mua gay gắt trong khi hợp đồng đã ký đến thời hạn giao hàng, để đáp ứng đủ nguồn cung nguyên liệu phục vụ đơn hàng xuất khẩu thì các doanh nghiệp phải nhập thêm từ các nước khác, như Indonesia, Brazil… Điều này không có gì bất bình thường mà hoàn toàn thuận theo xu hướng toàn cầu hóa. Khách hàng tìm đến VN để đặt hàng là do uy tín trên thị trường của doanh nghiệp Việt, còn chuyện làm sao để có sản phẩm chế biến đúng tiêu chuẩn, đúng cam kết, đúng số lượng, đúng thời hạn là chuyện của doanh nghiệp. Và quan trọng hơn hết là phải có lợi nhuận".
Đối với mặt hàng cà phê, xu hướng này cũng đang diễn ra tương tự. Mỗi năm, các doanh nghiệp VN chi đến hàng tỉ USD để nhập khẩu nguyên liệu về chế biến, sau đó tiêu thụ và xuất khẩu. Nguồn cung cà phê cho VN rất đa dạng, đến từ Lào, Indonesia, Brazil, Colombia, Ethiopia, Peru... với số lượng ngày càng tăng qua các năm. Trong đó, gần như 100% sản lượng
cà phê của Lào, Campuchia được thương lái đưa về VN tiêu thụ vì các nước này hầu như không có thị trường cà phê, giá bán thấp hơn nhiều so với VN. Trong khi đó, thị trường cà phê nội địa của VN lại rất mạnh, đa dạng với các chuỗi hệ thống cà phê rất phát triển, nhiều thương hiệu cà phê nổi tiếng xuất hiện ở khắp các thành phố lớn như Starbucks, Trung Nguyên, Highlands…, nên lượng cà phê rang xay được tiêu thụ ngày càng lớn.
Khẳng định vị thế trung tâm trong chuỗi cung ứng
Ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia ngành cà phê, cho biết trước đây cà phê nhập khẩu là loại chất lượng cao để phục vụ tại các khách sạn, nhà hàng, tiệm cà phê cao cấp, thì hiện nay các nhà máy, doanh nghiệp VN đã nhập khẩu nguyên liệu về để chế biến, đóng gói sản phẩm và xuất khẩu đi các thị trường khác.
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Sinh, người được mệnh danh là "vua tiêu" VN, tự hào chia sẻ tới nay Phúc Sinh đã xuất khẩu nông sản đến cả trăm quốc gia trên thế giới. Song song đó Phúc Sinh cũng trở thành nhà nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất của Indonesia, Brazil từ nhiều năm nay. Việc giao thương, xuất nhập khẩu toàn cầu thể hiện vị thế ngày càng cao chứng minh năng lực chế biến, đàm phán, uy tín của các doanh nghiệp Việt, chứ không chỉ đơn thuần là xuất khẩu thô, bán nguyên liệu như thời điểm nhiều năm trước.

VN xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới, nhưng đồng thời cũng nhập khẩu lượng gạo nhiều
ẢNH: USDA
Giải thích rõ hơn về xu hướng này, một chuyên gia trong ngành nông nghiệp chia sẻ: "Đơn hàng xuất khẩu, hay nhu cầu tiêu thụ của các nước trên thế giới thì có quanh năm, nhưng mùa vụ của VN thì chỉ có trong một khoảng thời gian nhất định. Chính vì vậy, để có được nguồn nguyên liệu giá tốt, các doanh nghiệp VN phải tham gia sâu vào sàn giao dịch quốc tế, trở thành một người thu mua chuyên nghiệp để cân đối nguyên liệu, đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu trong năm. Ví dụ như thời điểm giá tiêu trong nước tăng cao như hiện nay, nguồn cung khan hiếm, các doanh nghiệp phải tích cực thu mua, nhập khẩu từ nhiều nước về để sản xuất. Nếu nói ở tầm vĩ mô thì vị thế xuất khẩu hàng đầu thế giới đối với các mặt hàng cà phê, hồ tiêu, lúa gạo… không hề đơn giản khi sản lượng năm được năm mất, diện tích canh tác ngày càng giảm. Đằng sau thành tích đó phải kể đến vai trò kinh doanh quốc tế của các doanh nghiệp Việt, nếu không có sự nhanh nhạy, linh hoạt, cân đối cung - cầu nguyên liệu thì khó có thể gia tăng kim ngạch xuất khẩu qua mỗi năm".
Các số liệu thống kê xuất khẩu hồ tiêu cũng minh chứng rất rõ điều đó. Năm 2024, tổng sản lượng xuất khẩu hồ tiêu toàn thế giới là 451.000 tấn thì riêng VN chiếm tới 250.000 tấn, chiếm 55% thị phần; trong khi nước đứng ở vị trí thứ 2 là Brazil chỉ có 61.600 tấn, với 14% thị phần toàn cầu. Các con số này cho thấy thương hiệu vượt trội của ngành hồ tiêu VN trên thị trường thế giới. Thú vị hơn là dù xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới nhưng VN cũng là nhà nhập khẩu đứng thứ 3 toàn cầu với sản lượng gần 37.000 tấn, chiếm 9,4% thị phần toàn cầu, để chế biến và tái xuất. Trong các thị trường tiêu thụ hồ tiêu, Mỹ là nước nhập khẩu lớn nhất với 98.000 tấn, chiếm 25% thị phần, Ấn Độ đứng thứ 2 với 44.000 tấn, tương đương 11%.
Ngành thủy sản VN cũng đang tăng trưởng mạnh, trong 3 tháng đầu năm đã đạt kim ngạch xuất khẩu gần 2,5 tỉ USD và kỳ vọng đạt thành tích xuất khẩu vượt 10 tỉ USD trong năm nay. Có được thành tích này không thể không nhắc đến vai trò của nguồn nguyên liệu nhập khẩu. "Lâu nay các nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản ở VN đều nhập khẩu nguyên liệu thủy sản về để chế biến từ các nước như Nga, Ấn Độ, Na Uy, Úc, New Zealand..., đảm bảo đáp ứng yêu cầu đơn hàng xuất khẩu. Thủy sản của VN ngày càng cạn kiệt, khai thác theo mùa vụ và còn đang gặp khó khăn vì các quy định chứng nhận khai thác. Trong bối cảnh này, việc các doanh nghiệp thủy sản tăng cường nhập khẩu nguyên liệu để chế biến là điều dễ hiểu và phù hợp với xu hướng thương mại toàn cầu hóa", giám đốc một nhà máy chế biến thủy sản tại Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết.
Từng bước trở thành các nhà buôn lớn
Bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập chuyên trang thị trường lúa gạo SS Rice News, nhận định: Trong số các nước xuất khẩu gạo lớn ở châu Á thì không có nước nào nhập khẩu gạo nhiều như VN. Điều này xuất phát từ chính sách xuất nhập khẩu gạo linh động và đội ngũ thương nhân rất năng động. Việc phát triển thương mại gạo thời gian qua giúp chúng ta có nguồn hàng dồi dào và đảm bảo thực hiện tốt các đơn hàng lớn, nhờ vậy năng lực của các doanh nghiệp cũng không ngừng được nâng cao trên thương trường quốc tế. Các doanh nghiệp Việt đang từng bước trở thành những nhà buôn lớn trên thế giới. Trước đây, các doanh nghiệp Hồng Kông (Trung Quốc) hay Singapore đóng vai trò rất quan trọng trên thị trường lúa gạo quốc tế, nhưng nay các doanh nghiệp Việt đang từng bước làm chủ cuộc chơi.
Ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP thủy sản Cafatex, cũng có nhận định tương tự: "Ông bà mình nói "phi thương bất phú", trước đây các doanh nghiệp Singapore, Hồng Kông rất giỏi ở khâu này dù không có cây lúa, con tôm, con cá nào cả. Rồi sau đó đến người Thái Lan mua hàng của VN mình về bán qua nước thứ ba. Nay doanh nghiệp VN có thể nhập khẩu về chế biến, tạo giá trị gia tăng và bán lại là vì chúng ta phát triển được thị trường của riêng mình. Điều đó cho thấy doanh nghiệp Việt đang trưởng thành và mạnh lên".
Ông Đỗ Hà Nam nhấn mạnh: "Việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng nguyên liệu toàn cầu cho thấy sự năng động của các doanh nghiệp Việt. Ban đầu, các doanh nghiệp VN chủ yếu nhập khẩu gạo giá rẻ từ Ấn Độ. Từ năm 2022 trở đi, doanh nghiệp VN chủ yếu mua gạo từ Campuchia khi nông dân nước này chuyển sang trồng các giống lúa thơm, chất lượng cao của VN. Điều này giúp nông dân Campuchia có thu nhập tốt hơn và cũng hỗ trợ doanh nghiệp Việt phát triển thương mại gạo. Về mặt ngoại giao, chúng ta cũng hỗ trợ người dân Campuchia tiêu thụ lúa gạo ổn định với giá tốt hơn, góp phần tăng cường tình đoàn kết giữa nhân dân 2 nước, đặc biệt ở khu vực biên giới. Ngoài ra, VN cũng nhập khẩu gạo giá rẻ từ Ấn Độ phục vụ chế biến các sản phẩm bột gạo, bún, phở, bánh tráng… Việc này vừa phát triển ngành công nghiệp chế biến sản phẩm sau gạo vừa góp phần tạo dư địa cho phân khúc gạo chất lượng cao để dành cho xuất khẩu. Chính nhờ sự năng động đó của các doanh nghiệp nên dù diện tích sản xuất không tăng nhưng sản lượng gạo xuất khẩu vẫn tăng đều trong các năm qua".
Doanh nghiệp Việt rất năng động
Các doanh nghiệp VN luôn rất năng động trong việc tạo ra doanh thu và công ăn việc làm cho người lao động. Cũng như nhiều ngành nghề khác, việc nhập khẩu nguyên liệu về chế biến và tái xuất là bình thường. Thêm vào đó, nông sản lại là ngành hàng có tính mùa vụ rất cao nên việc duy trì sản xuất, nguồn hàng ổn định thị trường là rất quan trọng. Rõ ràng là họ có sự năng động và nhanh nhạy trong việc nắm bắt thị trường thì mới phát triển được. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay có nhiều thách thức nên doanh nghiệp không chỉ nên mua đi bán lại để kiếm lợi nhuận mà phải chú ý vấn đề nguồn gốc xuất xứ và tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm.
PGS-TS Ngô Trí Long
Trong những cuộc làm việc với Liên đoàn lúa gạo Campuchia, họ cũng bày tỏ mong muốn được kết thân với doanh nghiệp VN vì chúng ta nắm vững thị trường. Tương tự, vì VN là nhà mua lớn nên các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ cũng rất muốn làm ăn với chúng ta. Việc nhập khẩu gạo Ấn Độ giúp chúng ta phần nào điều tiết sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị.
Bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập chuyên trang thị trường lúa gạo SS Rice News