Ngồi xe lăn đến thăm mộ con
7 giờ sáng 5.4, bà Trần Thị Thuận (80 tuổi, trú Q.Ba Đình, Hà Nội) cùng các con, cháu vượt quãng đường hơn 50 km đến nghĩa trang Lạc Hồng Viên (TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) tảo mộ.

Bà Trần Thị Thuận ngồi xe lăn đến thăm mộ con trai dịp tết Thanh minh
ẢNH: ĐÌNH HUY
Ngoài việc chuẩn bị mâm lễ cúng gồm hương, hoa quả, tiền, vàng, đồ chay, bánh kẹo, rượu... từ tối hôm trước, gia đình phải mang theo xe lăn để giúp bà Thuận di chuyển. Tết Thanh minh hôm nay, trời đổ mưa phùn, các cháu người bê xe, người che ô, sau khoảng 2 tiếng thì gia đình bà Thuận có mặt tại phần mộ gia tiên.
Sau khi dọn dẹp phần mộ, gia đình bày mâm lễ cúng, thắp hương tưởng nhớ anh S., bà Thuận ngồi xe lăn từ đằng xa nhìn về phía bia mộ con trai. Đôi mắt rưng rưng, bà Thuận kể, sau trận ốm vào giữa năm 2023, anh S., người con trai thứ 2 của bà, đột ngột qua đời.

Bà Thuận xúc động khi nhắc về con trai
ẢNH: ĐÌNH HUY
Anh S. mất khi tuổi còn trẻ, nhiều di nguyện chưa thể thực hiện với gia đình nên 2 năm qua dù đi lại khó khăn, phải di chuyển bằng xe lăn nhưng bà luôn có mặt tại phần mộ con vào những dịp lễ, tết để thăm, kể cho con nghe những câu chuyện của gia đình.
"Sức khỏe tôi đã yếu nhưng đến ngày thanh minh tự nhiên thấy khỏe. Tôi nghĩ đó là tình mẫu tử thôi thúc. Sáng nay trời mưa, các con khuyên ở nhà nhưng tôi vẫn phải cố gắng, đến được phần mộ của con trai, tôi mừng lắm", người mẹ 80 tuổi chia sẻ.
Bà Thuận tiết lộ, trước khi mất, anh S. trăn trối chưa thể báo hiếu, đền đáp cha mẹ già, chưa thể hoàn thành nghĩa vụ của người cha với các con. Vì vậy, mỗi lần đến phần mộ con, bà hay kể về việc làm ăn, học tập của các thành viên trong gia đình để "con ở trên đó yên tâm". Bà cũng hy vọng sau này sẽ là tấm gương để nhắc nhở các con, các cháu mãi nhớ về cội nguồn.
Chị Đỗ Thị Vân (46 tuổi, con dâu bà Thuận) cho biết, không chỉ ngày tết Thanh minh và dịp cuối năm, các ngày như lễ kỷ niệm ngày cưới, sinh nhật, chị lại cùng các con đến thăm mộ chồng mình.
Chị Vân kể, trước khi mất, anh vẫn cố gắng giữ tinh thần lạc quan. Hai vợ chồng cũng có thời gian ngồi lại trò chuyện, tâm sự với nhau. Anh bảo, bệnh tật thì không ai tránh khỏi, anh chỉ mong vợ và các con luôn khỏe mạnh.
Điều anh day dứt nhất là đứa út còn nhỏ, hai đứa lớn đã trưởng thành nhưng chưa lập gia đình, một mình chị phải gồng gánh nuôi ba đứa con, anh thương vợ vô cùng. Trước phần mộ chồng trong ngày thanh minh, chị hứa sẽ cố gắng hết sức để thực hiện những điều mà anh chưa làm được.
Ngày tưởng nhớ những người thân đã mất
Ngoài gia đình bà Thuận, hàng trăm người dân, trong đó có cả trẻ em cũng ra phần mộ của người thân, dòng họ để quét dọn, sửa sang và bày mâm cúng để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn tổ tiên trong ngày hôm nay.





Rất đông người dân đến nghĩa trang tảo mộ, tỏ lòng thành kính, biết ơn tổ tiên
ẢNH: ĐÌNH HUY
Người dân quan niệm, dù ngày chính tết Thanh minh năm nay đã diễn ra vào 4.4 nhưng do tiết thanh minh kéo dài từ 4 - 19.4 nên để con cháu, các thành viên trong gia đình có dịp sum họp, họ thường chọn vào ngày thứ bảy hoặc chủ nhật để tảo mộ.
"Khi có mặt ở phần mộ người thân, các con, các cháu hay kể lại những câu chuyện, những kỷ niệm về người thân đã khuất của mình. Trẻ nhỏ được theo người lớn ra nghĩa trang thăm mộ tổ tiên, nhắc nhở con cháu, để con cháu biết về nguồn gốc của mình", ông Nguyễn Văn Minh, người dân tảo mộ, chia sẻ.
Đại đức Thích Trí Thịnh, Phó trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng, chia sẻ tiết thanh minh không chỉ diễn ra trong một ngày mà diễn ra trong 15 ngày. Đây là dịp các thế hệ đều mong muốn được quây quần bên nhau, qua đó nhớ đến công ơn của tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Theo đại đức Thích Trí Thịnh, đi tảo mộ ngày tiết thanh minh, các gia đình cần sắm sửa lễ vật chu đáo, nhưng quan trọng hơn cả là thành tâm.