Giải mật 'cú sốc' sau khi cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành qua đời

Giải mật 'cú sốc' sau khi cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành qua đời- Ảnh 1.

Ông Kim Nhật Thành (trái) cùng con trai là ông Kim Jong-il thị sát một sân bóng ở Bình Nhưỡng

ẢNH: AFP

Hãng Yonhap ngày 28.3 dẫn các hồ sơ ngoại giao vừa giải mật cho thấy nhiều nước gấp rút tìm hiểu chi tiết sau khi cố lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) qua đời vào năm 1994.

Theo hồ sơ do Bộ Ngoại giao Hàn Quốc công bố, Mỹ và Nga khi đó bắt đầu đặt câu hỏi về tương lai của Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của con trai ông là cố lãnh đạo Kim Jong-il.

Ông Kim Nhật Thành, nhà sáng lập và lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên, qua đời do đau tim vào ngày 8.7.1994, thọ 82 tuổi. Việc ông đột ngột qua đời gây ra cơn chấn động trên thế giới, trong đó có Hàn Quốc, vì thông tin được đưa ra chỉ 17 ngày trước khi hai bên chuẩn bị tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên.

Đánh giá của Mỹ, Nga

Các hồ sơ giải mật cho thấy giới chức Mỹ tỏ ra hoài nghi về khả năng lãnh đạo của ông Kim Jong-il, lo ngại rằng việc ông thiếu sức hút và tính chính danh, cùng với những trở ngại về kinh tế của Triều Tiên, sẽ gây mất ổn định.

Ông Stanley Roth, khi đó là quan chức cấp cao tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, nói với ông Ban Ki-moon, khi đó là một quan chức cấp cao tại Đại sứ quán Hàn Quốc ở Mỹ, rằng ngay cả khi ông Kim Jong-il đảm nhận chức vụ, quan điểm cứng rắn về vấn đề hạt nhân của ông ấy sẽ cản trở việc Bình Nhưỡng quay lại bàn đàm phán.

Cựu Phó tổng thống Mỹ Walter Mondale khi đó thì tỏ ra thiếu tin tưởng vào khả năng của ông Kim Jong-il.

Cựu Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ Han Seung-soo lưu ý về những đánh giá khác nhau của Washington. Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng ông Kim Jong-il sẽ tiếp nối các chính sách của cha mình, trong khi Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) cho rằng ông khó lường.

Giới chức Nga đã đưa ra cái nhìn bi quan về sự lãnh đạo của ông Kim Jong-il. Một chuyên gia Nga có kinh nghiệm ở Bình Nhưỡng dự đoán rằng quân đội Triều Tiên sẽ bắt đầu can thiệp vào chính trị và cho rằng ông Kim Jong-il có thể không nắm quyền quá thời điểm cuối năm 1996.

Giới ngoại giao còn chú ý về sức khỏe của ông Kim Jong-il. Một nhà ngoại giao Hàn Quốc tại Cairo đã báo cáo rằng các quan chức Ai Cập đặt câu hỏi về khả năng điều hành khi phát hiện ông Kim Jong-Il có "một vết sẹo phẫu thuật dài ở bên phải đầu".

Mối quan hệ với ông Đặng Tiểu Bình

Ở một góc độ khác, Trung Quốc nhanh chóng ủng hộ ông Kim Jong-il, dường như là do ảnh hưởng của nhà lãnh đạo Trung Quốc khi đó là ông Đặng Tiểu Bình.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc giải thích với Seoul rằng ông Kim Nhật Thành từng đích thân nhờ ông Đặng "chăm sóc con trai mình".

Ngoài ra, các tài liệu được giải mật còn cho thấy sự bối rối và xáo trộn tại các đại sứ quán Triều Tiên ở nước ngoài, vì họ bất ngờ hay tin ông Kim Nhật Thành qua đời.

Theo đó, Đại sứ quán Triều Tiên ở Mexico vội vã nhờ Bộ Ngoại giao Mexico giúp chuyển thông báo chính thức về việc ông Kim Nhật Thành qua đời đến các phái bộ ngoại giao nước ngoài ở đó, vì "thiếu nhân viên và không có máy photocopy".

Ông Kim Jong-il lãnh đạo Triều Tiên cho đến khi từ trần vào lúc 8 giờ 30 ngày 17.12.2011 (giờ địa phương) khi đang đi công tác bằng xe lửa, thọ 69 tuổi. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy ông qua đời do nhồi máu cơ tim và nhiều biến chứng khác về tim. Kế nhiệm ông là nhà lãnh đạo đương nhiệm Kim Jong-un.

Triều Tiên chưa lập tức bình luận về các hồ sơ giải mật trên.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao