Thông tin trên Facebook vào tối 24.7, Thủ tướng Anwar Ibrahim cho hay đã trao đổi trực tiếp với những người đồng cấp Campuchia và Thái Lan gồm Thủ tướng Hun Manet và quyền Thủ tướng Phumtham Wechayachai. Ông Anwar Ibrahim kêu gọi hai nhà lãnh đạo hãy tìm cách giảm căng thẳng.
"Tôi hoan nghênh những tín hiệu tích cực và sự sẵn lòng của cả chính quyền Bangkok và Phnom Penh để cân nhắc hướng đi này. Malaysia sẵn sàng hỗ trợ và xúc tiến quy trình này trên tinh thần đoàn kết và chia sẻ trách nhiệm chung của ASEAN", theo Thủ tướng Malaysia.
Chủ tịch luân phiên ASEAN kêu gọi Campuchia, Thái Lan ngừng giao tranh
Trong khi đó, AFP hôm nay 25.7 dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ tổ chức phiên họp khẩn vào 15 giờ ngày 25.7 giờ New York (tức 2 giờ sáng 26.7 giờ Việt Nam). Đây là cuộc họp kín, được triệu tập theo đề nghị của Thủ tướng Campuchia Hun Manet.
UN News dẫn lời ông Farhan Haq, phó phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, cho hay ông Guterres đang theo sát diễn biến ở biên giới Campuchia – Thái Lan. "Tổng thư ký thúc giục hai bên kiềm chế tối đa và tìm cách giải quyết mọi bất đồng bằng đối thoại và tinh thần láng giềng hữu nghị, hướng tới một giải pháp bền vững cho tranh chấp", theo người phó phát ngôn.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và cuộc điện đàm với hai người đồng cấp Campuchia, Thái Lan hôm 24.7
ảnh: facebook/Anwar Ibrahim
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Tommy Pigott cùng ngày kêu gọi hai bên Campuchia và Thái Lan kiềm chế.
Trước đó ngày 24.7, trả lời về phản ứng của Việt Nam trước những diễn biến căng thẳng tại khu vực biên giới giữa Campuchia - Thái Lan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ, Việt Nam bày tỏ lo ngại về những diễn biến căng thẳng hiện nay tại khu vực biên giới giữa Thái Lan và Campuchia.
Bà Phạm Thu Hằng cho biết, Thái Lan và Campuchia là láng giềng của nhau và của Việt Nam cũng như cùng là thành viên ASEAN. Điều quan trọng nhất hiện nay là hai bên hết sức kiềm chế, không sử dụng vũ lực, không để căng thẳng leo thang, giải quyết hòa bình và thỏa đáng các bất đồng trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Hiến chương ASEAN, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và trên tinh thần hữu nghị, đoàn kết ASEAN, vì lợi ích lâu dài của cả hai bên và của khu vực.