PGS-TS Phạm Bích Đào, bác sĩ công tác tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chia sẻ: Để tránh các bệnh lây qua nụ hôn, cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:
Trong đó, cần giữ vệ sinh răng miệng tốt, đánh răng ít nhất 2 lần/ngày (sáng và tối) với kem đánh răng chứa fluoride. Dùng chỉ nha khoa hoặc tăm nước mỗi ngày để loại bỏ mảng bám. Súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn hoặc nước muối sinh lý để tiêu diệt vi khuẩn. Khám răng miệng định kỳ 6 tháng/lần để kiểm tra sức khỏe răng miệng.

Hãy hôn một cách an toàn để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và đối phương
ẢNH MINH HỌA ĐƯỢC TẠO BỞI GEMINI
"Cần vệ sinh răng miệng vì vi khuẩn, vi rút và nấm trong khoang miệng có thể gây viêm họng, viêm lợi, loét miệng, viêm xoang và nhiều bệnh lây qua đường hôn", bác sĩ Đào nhấn mạnh.
Tránh hôn khi có triệu chứng bệnh
PGS-TS Phạm Bích Đào khuyến cáo, để ngừa lây nhiễm bệnh khi hôn, cần tránh hôn khi mắc bệnh hoặc có triệu chứng nhiễm trùng; không hôn khi bản thân hoặc đối phương có các dấu hiệu viêm họng, đau họng (có thể do vi khuẩn, vi rút như Streptococcus hoặc Epstein-Barr); loét miệng, nhiệt miệng (có thể do HSV-1); chảy nước mũi, nghẹt mũi, ho (dấu hiệu viêm mũi, viêm xoang do vi khuẩn, vi rút); khi hơi thở có mùi hôi, mảng trắng trên lưỡi (dấu hiệu nhiễm nấm candida miệng).
Khi hệ miễn dịch yếu, khả năng lây nhiễm bệnh từ nước bọt cao hơn. Do đó, tránh hôn trong các tình huống nêu trên nhằm hạn chế tiếp xúc với nước bọt của người bệnh.
Muốn giảm cân, hãy tập thể dục giờ này!
Bác sĩ Đào cũng lưu ý, một số vi rút như HSV-1 có thể tồn tại trên bề mặt vật dụng và lây nhiễm qua tiếp xúc gián tiếp, do đó không dùng chung ly nước, muỗng, đũa, bàn chải đánh răng với người khác. Đặc biệt, không hôn sâu nếu bạn hoặc đối phương có mụn rộp môi, nhiệt miệng, loét miệng. Rửa tay thường xuyên, đặc biệt sau khi chạm vào vùng miệng, mũi.
Tình dục an toàn ngừa bệnh lậu họng
"Bệnh lậu họng cũng lây qua hôn nhau. Cần sử dụng biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục, đặc biệt là khi có quan hệ qua đường miệng, để giảm nguy cơ nhiễm lậu họng (Gonococcal pharyngitis). Lưu ý quan hệ tình dục an toàn, tránh hôn người lạ hoặc người có tiền sử bệnh lây qua đường tình dục", bác sĩ Đào khuyến cáo.
Nếu có nguy cơ, cần xét nghiệm bệnh lây qua đường tình dục (STDs) để phát hiện sớm. Vì bệnh lậu họng có thể lây khi tiếp xúc với vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae trong miệng người bệnh.
Ngoài ra, theo bác sĩ Đào, mọi người cần tăng cường sức đề kháng, dinh dưỡng hợp lý, bổ sung vitamin C, kẽm, sắt từ rau củ, trái cây giúp tăng cường miễn dịch; uống đủ nước để giữ cho niêm mạc họng ẩm, hạn chế nguy cơ viêm nhiễm. Cơ thể khỏe mạnh giúp chống lại vi rút và vi khuẩn lây qua đường miệng.
Ngủ đủ giấc, tránh stress cũng giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn. Bên cạnh đó, nên tiêm vắc xin, ví dụ như vắc xin phòng bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng, cúm, viêm màng não do vi khuẩn cũng giúp giảm nguy cơ lây nhiễm.
"Nếu có triệu chứng khàn tiếng, đau họng kéo dài, sốt, sưng hạch cổ, mụn rộp môi tái phát thường xuyên, loét miệng không lành, nên đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị sớm", bác sĩ Đào khuyến cáo.
Có thể mắc bệnh qua nụ hôn nếu tiếp xúc với vi khuẩn, vi rút hoặc nấm gây bệnh. Áp dụng các biện pháp phòng bệnh như giữ vệ sinh răng miệng, tránh hôn khi mắc bệnh, quan hệ an toàn, tăng cường miễn dịch giúp giảm nguy cơ lây nhiễm. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ bệnh, cần khám và điều trị kịp thời để tránh biến chứng. Hãy hôn một cách an toàn để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và đối phương.
PGS-TS Phạm Bích Đào (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội)