Nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường
T.Ư Đoàn cho biết, trong 5 năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hoạt động xây dựng cảnh quan và bảo vệ môi trường nông thôn được đông đảo đoàn viên, thanh thiếu niên tại các địa phương tích cực tham gia, với các hoạt động: trồng cây xanh, trồng hoa ven đường; triển khai mô hình "Con đường bích họa", "Cột điện nở hoa", "Vườn ươm thanh niên"; cải tạo nhà cửa, vườn, ao, chuồng, làm đẹp hệ thống hàng rào, cổng...
Xây dựng công trình nhà tiêu hợp vệ sinh, di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở, công trình nước sạch hợp vệ sinh cho người dân có hoàn cảnh khó khăn; dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, khơi thông cống rãnh, kênh rạch, xử lý các điểm đen về môi trường.

Thanh niên vẽ bích họa làm đẹp cảnh quan môi trường
ẢNH: CTV
Các tỉnh, thành đoàn triển khai hướng dẫn người dân phân loại, xử lý rác thải thành phân hữu cơ tại hộ gia đình; mô hình nuôi trùn quế. Thành lập và nhân rộng Đội thanh niên tình nguyện ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ môi trường (sử dụng các vi sinh vật bản địa IMO)...
Kết quả trong giai đoạn vừa qua, các cấp bộ Đoàn đã trồng được 82.548.700 cây xanh, chăm sóc, duy trì và trồng mới 269.012 km đường hoa thanh niên với tổng giá giá trị 26,6 tỉ đồng, triển khai vẽ 39.570 km con đường bích họa với tổng giá trị 16,9 tỉ đồng...

Tuổi trẻ thủ đô tặng làn nhựa cho người dân để hạn chế sử dụng túi ni lông, bảo vệ môi trường
ẢNH: BẢO LÂM
Một điểm sáng khác là việc tổ chức Đoàn đã tích cực lồng ghép bảo vệ môi trường vào các chương trình giáo dục kỹ năng, hoạt động tình nguyện và các chiến dịch lớn của tuổi trẻ.
Các cấp bộ Đoàn chủ động xây dựng mô hình "Chi đoàn xanh", "Khu dân cư không rác", "Đoàn viên ba không: không xả rác - không dùng túi ni lông - không đốt rác bừa bãi", giúp biến nội dung tuyên truyền thành hành động cụ thể.
Kết quả đạt được trong công tác bảo vệ môi trường không chỉ là số lượng cây trồng, khối lượng rác thải được xử lý, mà quan trọng hơn là sự chuyển biến trong nhận thức, hành vi và trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên - những chủ thể quan trọng góp phần hình thành nông thôn xanh, sạch, văn minh và phát triển bền vững.
Cải tạo hạ tầng nông thôn
Trong giai đoạn 2021- 2025, các cấp bộ Đoàn trên cả nước đã triển khai nhiều công trình, phần việc thanh niên tham gia xây dựng hạ tầng nông thôn, với tinh thần chủ động, trách nhiệm và sáng tạo. Phong trào "Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới" được cụ thể hóa bằng hàng chục nghìn hoạt động gắn với tiêu chí hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Các địa phương huy động đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, nhất là đối với những xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, tăng hưởng thụ trực tiếp cho thanh niên và cư dân nông thôn.

Thanh niên tham gia làm đường giao thông nông thôn tại Yên Bái
ẢNH: CTV
Trong đó, nhiều hoạt động đã mang tính rộng khắp và thu hút đông đảo thanh niên tham gia hưởng ứng, được xã hội đồng tình, ghi nhận, đánh giá cao, như: làm mới, sửa chữa đường giao thông nông thôn, đường trục chính nội đồng, cầu dân sinh ở xã, thôn, bản, ấp; làm mới đường giao thông nông thôn; tu sửa, nạo vét hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng.
Kết quả, Đoàn thanh niên các cấp đã sửa chữa hơn 80.000 km đường giao thông nông thôn với tổng giá trị hơn 120.000 tỉ đồng; làm mới hơn 4.000 km đường giao thông nông thôn với tổng giá trị hơn 163 tỉ đồng; triển khai gần 9.000 km tuyến đường thắp sáng đường quê với tổng giá trị hơn 151 tỉ đồng…
Hỗ trợ thanh niên làm kinh tế
Trong giai đoạn 2021- 2025, các cấp bộ Đoàn đã có nhiều giải pháp phát huy tinh thần sáng tạo, mạnh dạn của thanh niên cũng như hỗ trợ thanh niên trong phát triển kinh tế nông thôn.
Công tác hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế đã đạt được nhiều kết quả thiết thực. Hàng ngàn mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ đã được hình thành và vận hành, góp phần giải quyết vấn đề việc làm và tạo ra thu nhập ổn định cho cộng đồng nông thôn.

Đoàn thanh niên tổ chức livestream bán hàng giúp tiêu thụ sản phẩm của nông dân
ẢNH: DƯƠNG TRIỀU
Hơn 6.200 mô hình kinh tế được triển khai với sự hỗ trợ về vốn vay, kỹ thuật và tư vấn, đồng thời tạo điều kiện cho các hợp tác xã và tổ hợp tác thanh niên phát triển bền vững. Việc kết nối các sản phẩm nông sản do thanh niên làm chủ với các kênh thương mại điện tử đã góp phần nâng cao giá trị gia tăng và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế cho thấy hơn 1.500 hợp tác xã, tổ hợp tác thanh niên đã được thành lập, góp phần tạo ra việc làm cho hàng chục nghìn lao động trẻ và cải thiện thu nhập của người dân.
Gần 2.000 sản phẩm OCOP do thanh niên phát triển đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử, khẳng định thương hiệu và chất lượng sản phẩm địa phương.