Đang bế cháu trên tay, người đàn ông đột ngột rơi vào hôn mê, đột quỵ

Ông T.Q.B được đưa đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á (TP.HCM) trong tình trạng hôn mê. Qua thăm khám nhanh, các bác sĩ nhận định ông B. có các dấu hiệu điển hình của một cơn đột quỵ.

Bác sĩ chỉ định chụp CT khẩn, kết quả ghi nhận ông B. không có xuất huyết não. Đồng thời, dựa theo chia sẻ của người nhà bệnh nhân, ê kíp nhận định đây là tình trạng đột quỵ cấp còn trong “thời gian vàng”.

Ngày 16.4, bác sĩ chuyên khoa 1 Đỗ Lê Tín, Phó trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á (TP.HCM) cho biết, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và đưa ra chỉ định sử dụng thuốc tiêu sợi huyết (rTPA) qua đường tĩnh mạch giúp làm tan cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu não.

Đang bế cháu trên tay, người đàn ông đột ngột rơi vào hôn mê, đột quỵ - Ảnh 1.

Bệnh nhân tập luyện vận động tay

ẢNH. BSCC

Sau khi tiêm thuốc, theo quy trình cấp cứu đột quỵ, bệnh nhân được chụp lại phim CT mạch máu não có thuốc cản quang. Các bác sĩ phát hiện có tắc động mạch thân nền. Đây là động mạch rất quan trọng nuôi vùng thân não. Đột quỵ do tắc động mạch thân nền là thể đột quỵ có nguy cơ tử vong lên đến 90% nếu không được phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời. Trước tình trạng nguy hiểm này, ê kíp bác sĩ đã tư vấn và được sự đồng ý của người nhà, bệnh nhân được can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ nhằm tái thông mạch máu đang bị tắc nghẽn.

Tận dụng thời gian vàng cứu bệnh nhân

Theo bác sĩ Tín, trong trường hợp bệnh nhân B., thời gian từ lúc bệnh nhân nhập viện đến lúc tiêm thuốc tiêu sợi huyết chỉ mất khoảng 25 phút và đến khi can thiệp nội mạch chỉ mất khoảng 2 tiếng - đây là khoảng thời gian tương đối ngắn, và ê kíp đã nỗ lực tận dụng khoảng thời gian vàng, tạo điều kiện tốt nhất cho việc cấp cứu bệnh nhân, giúp nâng cao hiệu quả điều trị, hạn chế tối đa di chứng sau đột quỵ cho người bệnh.

Ngay sau khi can thiệp, người bệnh đã có thể tiếp xúc được, giọng nói cải thiện và cử động được tay chân, các chức năng vận động, ngôn ngữ trở lại bình thường, bệnh nhân hồi phục gần như hoàn toàn và có thể tự thực hiện các hoạt động sinh hoạt hằng ngày ngay khi còn đang ở trong bệnh viện.

"Bệnh nhân được cứu sống thành công nhờ sự phối hợp tốt từ công tác tiếp nhận, xử trí và khả năng hồi phục của bệnh nhân. Hiện nay, bệnh nhân đã trải qua một lần đột quỵ và có thói quen hút thuốc lá lâu năm, do đó để hạn chế nguy cơ đột quỵ có thể xảy ra người dân cần duy trì các thói quen sống lành mạnh, tập luyện thể dục thường xuyên, không hút thuốc lá, các chất kích thích, hạn chế rượu, bia và điều trị tốt các bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu…", bác sĩ Tín khuyến cáo.

Dấu hiệu nhận biết sớm đột quỵ

Bác sĩ Tín chia sẻ quy tắc FAST để phát hiện sớm khi nghi ngờ đột quỵ:

Face (vùng mặt): Có biểu hiện mất cân đối, hoặc méo xệ một bên miệng. Để người bệnh ngồi ngay ngắn và quan sát hoặc yêu cầu bệnh nhân cười.

Arm (tay): Có biểu hiện liệt tay, chân. Khi người bệnh giơ đều hay tay hoặc hai chân lên, nếu bên nào yếu hơn, hoặc rơi xuống trước cho thấy có liệt.

Speech (ngôn ngữ): Tình trạng ngôn ngữ bất thường ở người bị đột quỵ. Người bệnh nói khó, giọng "méo" hoặc không nói được.

Time (thời gian): Yếu tố quan trọng với điều trị đột quỵ. Nếu cùng lúc có 3 dấu hiệu nêu trên, cho thấy bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ rất cao, hãy khẩn trương đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao