Có mặt tại buổi Lễ tri ân và Truy tặng kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân" cho em N.P.K (18 tuổi, ở tỉnh An Giang) chiều 7.1, tại Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), gia đình chị Nhí Em cùng các nhân viên y tế vô cùng xúc động và bồi hồi. Mô tạng hiến của em K. đã giúp cứu sống 7 người.
Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, bày tỏ sự xúc động khi ngày càng nhiều nghĩa cử cao đẹp trong xã hội, lan tỏa sự thương yêu chia sẻ một phần cơ thể sau khi mất đi để cứu người.
"Chúng tôi đã cố gắng cứu người bệnh, hội chẩn nhiều chuyên khoa, nhiều chuyên gia đầu ngành, tuy nhiên không thể cứu được. Trước tình trạng bệnh nhân đã chết não, chúng tôi có tư vấn cho người nhà và nhận được sự đồng ý của gia đình. Và mô tạng của em đã mang đến sự sống cho 7 người khác. Có thể thấy một ngọn nến đã tắt nhưng giúp thắp sáng nhiều ngọn nến khác. Chúng tôi vô cùng xúc động và xin được tri ân trước nghĩa cử cao đẹp của gia đình", Phó giáo sư Lê Đình Thanh bày tỏ.
Trước đó, ngày 24.11.2024, các y bác sĩ ở Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Việt Đức đã tham gia tiếp nhận tạng hiến từ em K. Các mô tạng của em K. đã được ghép cho 7 bệnh nhân khác. Trong đó, 2 bệnh nhân được ghép giác mạc tại Huế đã nhìn thấy ánh sáng. Em bé 1 tuổi và bệnh nhân người lớn được ghép gan tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã hồi phục rất tốt.
Ghi nhận những cống hiến của người hiến tạng và nghĩa cử cao đẹp của gia đình, Bộ Y tế đã truy tặng kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân" trong buổi lễ tri ân chiều 7.1.
Tiến sĩ - bác sĩ Trần Công Duy Long, khoa Gan Mật Tụy (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM), cho biết, ông rất sự xúc động trước nghĩa cử cao đẹp của người hiến tạng và gia đình khi chia sẻ một phần cơ thể sau khi mất đi để giúp cứu sống nhiều người.
"Là một bác sĩ làm việc trong ngành y, tôi vô cùng trân trọng sự đóng góp của người hiến tạng và gia đình. Vì vậy chúng tôi cố gắng hết sức để có thể cứu được nhiều người nhất từ mô tạng hiến. Một lá gan đã được chia đôi để cứu một bệnh nhân ung thư gan, xơ gan giai đoạn cuối và bệnh nhi 1 tuổi xơ gan ói ra máu. Sáng nay, khi tái khám cho bé, bé rất lanh lợi, không còn vàng da, không còn nôn ói, tôi rất xúc động", bác sĩ Duy Long nói.
Nỗi đau của người mẹ mang tiếng oan "bán nội tạng của con"
Chị Nguyễn Thị Hồng Nhí Em (ngụ xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), mẹ của em K., cho biết khi biết tin con bị đánh phải nhập viện cấp cứu, chị đã chạy đến bệnh viện, túc trực bên con để chăm sóc con. Sau thời gian điều trị, bác sĩ có thông báo cho người nhà tình trạng của bệnh nhân đã chết não, không thể cứu được.
"Lúc đầu, khi nghe bác sĩ tư vấn về hiến tạng, tôi không đồng ý vì nghĩ con đã mất mà còn mổ xẻ tội con. Sau đó tôi suy nghĩ lại dù sao con cũng mất rồi, chôn xuống đất rồi cũng phân rã, nếu bác sĩ không cứu được con thì hiến tạng có thể cứu được nhiều người khác, tích phước để con siêu thoát", chị Nhí Em kể lại trong nước mắt.
Sau đó, chị gọi điện cho ông bà nội và gia đình để hỏi ý kiến. Theo đó, gia đình quyết định sẽ theo ý kiến của chị, vì chị là người sinh ra em K.
"Tôi nén đau thương để đồng ý hiến tạng con cứu người. Chứ ai muốn mổ xẻ con mình, mà về quê người ta nói tôi bán nội tạng của con. Tôi đau lòng lắm. Tôi giải thích người ta cũng không chịu hiểu nên đã đóng cửa ở nhà một thời gian dài", chị Nhí Em bày tỏ.