Theo người nhà của bệnh nhân (BN), khoảng 2 tuần trước, BN tự nuốt 3 chiếc bật lửa, đã được nội soi can thiệp lấy dị vật. Lần này, BN lại vào viện vì đau bụng, chướng bụng tăng dần. BN có tiền sử tâm thần phân liệt 26 năm điều trị thường xuyên tại Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Nam Định.
Theo bác sĩ (BS) Lê Văn Duy, Trung tâm phẫu thuật tiêu hóa BV Bạch Mai, BN được chẩn đoán mắc hội chứng Pica - hội chứng thích ăn đồ vật không phải thức ăn. Đây là một rối loạn ăn uống, người bệnh có sự thèm ăn và ăn những thứ như đất đá, phân động vật, tóc, giấy, đồ vật kim loại…
BS Duy cho biết hội chứng Pica có thể xuất hiện ở trẻ em, người lớn, phụ nữ mang thai hoặc người có rối loạn phát triển (chẳng hạn tự kỷ, thiểu năng trí tuệ hoặc bệnh thần kinh). Nguyên nhân có thể bao gồm thiếu hụt dinh dưỡng (như thiếu sắt hoặc kẽm), căng thẳng tâm lý, rối loạn tâm thần hoặc các vấn đề sức khỏe khác.
Với BN trên, các BS đã phẫu thuật cấp cứu mở ruột non lấy dị vật (bút bi, ruột bút, tăm nhựa); cắt đoạn đại tràng bị dị vật xuyên thủng. "Sau phẫu thuật, BN cần được giám sát để tránh tái diễn tình trạng nuốt dị vật, nếu còn xảy ra sẽ rất khó khăn trong việc xử lý", BS Duy lưu ý.
Theo BS Duy, hội chứng Pica được chẩn đoán dựa trên các tiêu chí: ăn các vật liệu không phải thực phẩm trong khoảng thời gian dài (thường kéo dài hơn 1 tháng); không phải là một phần của văn hóa hoặc thói quen ăn uống thông thường; hành vi này không thể giải thích bằng tình trạng y tế khác (như thiếu hụt dinh dưỡng, tâm lý bệnh lý)...
Chẩn đoán Pica chủ yếu dựa vào các dấu hiệu lâm sàng và hỏi bệnh, kết hợp xét nghiệm cận lâm sàng khi cần thiết (xét nghiệm máu, kiểm tra các chất dinh dưỡng thiếu hụt, kiểm tra chức năng tiêu hóa). BN cũng cần được thăm khám bởi BS chuyên khoa, như BS tâm thần, BS nhi khoa hoặc BS tâm lý, để xác định nguyên nhân gây bệnh và loại trừ các bệnh lý khác, giúp lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Nếu bệnh Pica liên quan đến các rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu hoặc rối loạn hành vi, việc điều trị tâm lý và/hoặc thuốc có thể giúp giảm bớt triệu chứng.
"Một số nghiên cứu cho thấy thiếu hụt một số khoáng chất, như sắt hoặc kẽm, có thể là yếu tố gây ra bệnh Pica. Việc bổ sung vitamin và khoáng chất có thể giúp điều trị nếu nguyên nhân là thiếu hụt dinh dưỡng", BS Duy lưu ý.
Theo BV Bạch Mai, hội chứng Pica có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như ngộ độc, viêm nhiễm, tắc nghẽn hoặc tổn thương thủng, rách đường tiêu hóa, gây nhiễm trùng, nhiễm độc tại chỗ và toàn thân, có thể dẫn đến tử vong. Trong trường hợp bệnh Pica liên quan đến trẻ em hoặc người bệnh không tự kiểm soát được hành vi, cần giám sát và ngăn chặn hành động ăn vật thể lạ.