Vì mua sắm nên ví luôn trong "tình trạng kêu cứu" mới bàng hoàng...
Chuyên gia truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long (người sáng lập Truyền thông Trăng Đen) cho rằng các nhãn hàng thường khai thác tâm lý người trẻ qua những hình ảnh "thành công" hoặc cuộc sống hoàn hảo, dù không phải lúc nào cũng chân thực. Họ sử dụng nỗi sợ bỏ lỡ (FOMO) qua các chương trình khuyến mãi ngắn hạn, sản phẩm giới hạn hay thông điệp như "mua ngay kẻo lỡ" khiến người trẻ chi tiêu, mua sắm vội vàng.
Ông Long cho biết quảng cáo trên Facebook, Instagram nhắm mục tiêu đến người dùng dựa trên dữ liệu cá nhân, thường xuất hiện những khi họ dễ bị tác động như buồn bã hay tự ti, thúc đẩy họ mua sắm để giải tỏa vấn đề cá nhân. Ngoài ra, các chương trình tích điểm, quà tặng hoặc xu hướng mạng xã hội với thông điệp "Ai cũng có, bạn thì sao?" tạo áp lực vô hình, khiến việc tiêu tiền giống như một chiến thắng cá nhân.
Ông Long nói thêm hiện tượng "số đông giả tạo" do mạng xã hội dựng lên càng làm tăng áp lực mua sắm. Người trẻ dễ nhầm tưởng mọi người xung quanh đều sống xa hoa, dẫn đến việc mua sắm không vì nhu cầu thực sự mà để hòa nhập hoặc được công nhận. "Đây chính là mấu chốt làm cho quảng cáo nhắm mục tiêu trở nên mạnh mẽ, nhưng cũng đầy rủi ro khi lợi dụng tâm lý con người. Người trẻ bị cuốn vào vòng xoáy tiêu dùng mà không hề biết rằng những gì họ thấy chỉ là một thực tại được "lọc" qua thuật toán, không phải bức tranh toàn cảnh của xã hội thực", ông Long chia sẻ.
Thiều Bảo Nhân (24 tuổi, ngụ Q.6, TP.HCM) chia sẻ việc "cai nghiện" mua sắm thật sự rất khó khăn. Trước đây, ví của Nhân luôn trong "tình trạng kêu cứu", khiến Nhân nhận ra mình cần phải thay đổi thói quen. Thay vì tiếp tục dành thời gian lướt web, tìm kiếm những món đồ mới trong các trung tâm thương mại, Nhân quyết định chuyển sang những hoạt động khác như đi spa, tập thể dục, chăm sóc bản thân…
"Nhờ có sự quan tâm mới, mình đã giảm bớt thói quen mua sắm vô tội vạ. Tháng này, mình thực sự cải thiện khi không chi một đồng nào cho việc mua sắm", Nhân vui vẻ chia sẻ.
Theo Nhân, điều quan trọng không phải là từ bỏ hoàn toàn mua sắm, mà là biết cách chi tiêu hợp lý và làm chủ những ham muốn tạm thời. Việc thay đổi cách nhìn nhận về giá trị của đồng tiền và hiểu được sự cần thiết của những món đồ mình mua là bước đầu quan trọng trong quá trình "cai nghiện" mua sắm.
Thường gặp tình trạng không đủ tiền sinh hoạt vào cuối tháng, Phạm Văn Linh, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, bắt đầu học cách lập kế hoạch để điều chỉnh việc mua sắm hợp lý hơn.
"Mình dùng ứng dụng quản lý chi tiêu trên điện thoại và thấy rất hữu ích. Nhờ đó, mình biết được đã chi tiêu vào những gì và có thể cắt giảm các khoản chi không cần thiết. Mỗi lần mua sắm, mình đều dành thời gian tìm kiếm và so sánh giá trên các trang mạng nên luôn mua được sản phẩm tốt với giá vừa phải", Linh nói.
Mua hàng livestream và tâm lý sợ bỏ lỡ: Tưởng tiết kiệm hóa lãng phí | GIẢI MÃ EP.2
Chuyên gia khuyên gì ?
Chuyên gia Nguyễn Anh Phương, nhà sáng lập AP (dự án phi lợi nhuận giúp các bạn trẻ phát triển bản thân và kỹ năng mềm), khuyên người trẻ nên nghiêm túc quản lý chi tiêu, tránh mua sắm bốc đồng.
"Nên mua những thứ cần thiết, chứ không phải thứ mình muốn. Phân biệt bằng cách tự hỏi: Nếu mua nó, cuộc sống có ổn không? Mua ít nhưng chất lượng, tập trung vào giá trị lâu dài. Điều này giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và tiết kiệm hiệu quả", chuyên gia Anh Phương nói.
Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cũng cho rằng giới trẻ cần nâng cao nhận thức về tài chính cá nhân và học cách quản lý tài chính hợp lý. Cụ thể, nên dành ít nhất 20% thu nhập để tiết kiệm, 30% cho các chi tiêu thiết yếu như học hành, điện nước, tiền nhà, ăn uống… và phần còn lại có thể sử dụng cho đầu tư, kinh doanh. Tỷ lệ này có thể thay đổi tùy vào thu nhập và hoàn cảnh cá nhân. Đồng thời, bạn trẻ cần phân biệt rõ hai mảng tài chính: tiết kiệm (phòng thủ) và đầu tư (tấn công) để gia tăng thu nhập, từ đó giúp kế hoạch chi tiêu trở nên thoải mái và hiệu quả hơn.
Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Nguyễn Xuân Trung, Khoa Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM), chia sẻ nghiện mua sắm cũng đi kèm với một số rối loạn tâm thần khác như trầm cảm, lo âu, nghiện chất. Bạn cần được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần để đánh giá toàn diện nhất tình trạng này.
Theo bác sĩ Trung, để kiểm soát hành vi mua sắm quá mức, các bạn trẻ cần tập trung vào nhận thức và quản lý cảm xúc của mình. Một số phương pháp hiệu quả là tránh xa những ứng dụng hay các chương trình gợi ý cho việc mua sắm; nhờ sự trợ giúp của người thân; lập kế hoạch chi tiêu, tư vấn tài chính; tìm kiếm các hoạt động giải trí lành mạnh… để giảm thiểu sự phụ thuộc vào mua sắm như một hình thức giải tỏa cảm xúc.
Nếu hành vi mua sắm đã trở nên nghiêm trọng, bác sĩ Trung cho biết gặp chuyên gia tâm lý sẽ giúp các bạn trẻ có cái nhìn sâu sắc hơn về nguyên nhân và cách giải quyết vấn đề. Ngoài ra, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định thuốc để làm giảm ham muốn và hành vi mua sắm quá mức, đặc biệt là khi có kèm theo các rối loạn tâm thần như trầm cảm hay lo âu. "Mua sắm không phải là xấu. Tuy nhiên, hãy kiểm soát việc mua sắm phù hợp với điều kiện của bạn để mang lại cảm xúc tích cực", bác sĩ Trung nói.
Theo ông Nguyễn Ngọc Long, cách truyền thông trên mạng xã hội hiện nay có thể rất hiệu quả trong thúc đẩy doanh số, nhưng đồng thời cũng gây áp lực lớn về tài chính và tâm lý, đặc biệt là với những người trẻ chưa có đủ kỹ năng kiểm soát chi tiêu hoặc nhận thức rõ ràng về giá trị thực của sản phẩm.
Bên cạnh đó, ông Long khuyên người trẻ nên thoát khỏi nỗi sợ FOMO. Những xu hướng hoặc trào lưu trên mạng xã hội thường khiến bạn cảm thấy mình cần tham gia ngay để không bị "lạc hậu". Hãy nhớ mọi thứ trên mạng trôi qua rất nhanh và thực tế là hầu hết mọi người đều quá bận rộn để quan tâm đến việc bạn có tham gia hay không.