Bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe, bạn đọc còn có thể xem thêm các bài viết: Số ca sởi năm 2024 tăng hơn 130 lần so với năm trước; Bác sĩ chỉ ra thời gian đi bộ theo độ tuổi để khỏe hơn; Dấu hiệu nào cảnh báo cơ thể đang bị viêm mạn tính?...
4 biểu hiện không được bỏ qua của gan nhiễm mỡ
Bệnh gan nhiễm mỡ là vấn đề về gan phổ biến, xảy ra khi mỡ thừa tích tụ nhiều trong tế bào gan. Tình trạng này có thể khiến gan bị viêm, tổn thương gan, xơ gan, thậm chí ung thư gan.
Thông thường, tỷ lệ mỡ sẽ chiếm khoảng 5% trọng lượng gan. Nếu tỷ lệ này vượt trên 5% thì được xem là gan nhiễm mỡ. Gan nhiễm mỡ có 2 loại chính là bệnh gan nhiễm mỡ do rượu và không do rượu.
Gan nhiễm mỡ do rượu sẽ xuất hiện trên những người uống nhiều rượu bia. Do đó, uống nhiều rượu bia có thể là chỉ dấu cảnh báo gan nhiễm mỡ. Trong khi đó, gan nhiễm mỡ không do rượu lại ít dấu hiệu cảnh báo hơn. Nhiều trường hợp người bệnh không biết mình đang bị gan nhiễm mỡ.
Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ có thể xét nghiệm máu, chụp cắt lớp, siêu âm bụng hay sinh thiết gan. Những dấu hiệu cảnh báo một người đang bị gan nhiễm mỡ không do rượu gồm:
Nhiều mỡ bụng. Những người thừa cân, béo phì sẽ có nguy cơ bị gan nhiễm mỡ cao hơn bình thường. Họ sẽ có lượng mỡ nội tạng lớn, tức mỡ tích tụ bao quanh các cơ quan nội tạng ở bụng. Khi chỉ số khối cơ thể (BMI) vượt mức 30 cộng với vòng bụng tăng lên thì nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ cũng sẽ tăng theo, đặc biệt là người trung niên.
Mức cholesterol cao. Nồng độ cholesterol trong máu cao có thể là dấu hiệu cảnh báo lượng mỡ trong gan cao. Trên thực tế, lượng cholesterol mà đo được trong máu chủ yếu được tạo ra từ gan.
Gan có chức năng tạo ra cholesterol và đưa vào máu. Khi chúng ta ăn thực phẩm giàu chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, gan sẽ giải phóng vào máu nhiều chất béo hơn, từ đó làm tăng mức cholesterol. Nội dung tiếp theo bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 31.12.
Bác sĩ chỉ ra thời gian đi bộ theo độ tuổi để khỏe hơn
Đi bộ là một trong những hình thức tập thể dục đơn giản và hiệu quả nhất, mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho mọi người ở mọi lứa tuổi.
Tiến sĩ, Roger E. Adams, bác sĩ dinh dưỡng và chủ sở hữu của Trung tâm chăm sóc sức khỏe eatrightfitness (Mỹ), giải thích rằng các hướng dẫn nhằm mục đích giúp mọi người đạt được cân nặng khỏe mạnh, cải thiện tâm trạng và sức khỏe tinh thần, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tuy nhiên, mỗi lứa tuổi có nhu cầu và khả năng thể chất khác nhau nên sẽ có lượng đi bộ lý tưởng hằng ngày khác nhau.
18-30 tuổi: 30-60 phút mỗi ngày. Người trẻ tuổi thường có mức năng lượng và sức mạnh cơ bắp cao hơn, vì vậy họ có thể thoải mái đặt mục tiêu đi bộ nhanh 30-60 phút mỗi ngày. Đi bộ trong giai đoạn này của cuộc đời rất quan trọng để kiểm soát cân nặng, giảm căng thẳng và duy trì hệ thống tim mạch khỏe mạnh.
Người có công việc phải ngồi nhiều nên nghỉ giải lao đi tới lui thường xuyên để tránh ngồi lâu.
31-50 tuổi: 30-45 phút mỗi ngày. Người trong độ tuổi này có thể hưởng lợi từ việc đi bộ 30-45 phút mỗi ngày. Đi bộ thường xuyên có thể giúp kiểm soát cân nặng, duy trì trương lực cơ, ngăn ngừa các bệnh mạn tính và giúp đầu óc minh mẫn - rất quan trọng khi già đi. Nội dung tiếp theo của bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 31.12.
Dấu hiệu nào cảnh báo cơ thể đang bị viêm mạn tính?
Viêm là phản ứng tự nhiên của hệ miễn dịch để đối phó với nhiễm trùng hay chấn thương. Tình trạng viêm kéo dài sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực tới sức khỏe.
Viêm có 2 loại là viêm cấp tính và mạn tính. Viêm cấp tính xuất hiện nhanh chóng, kéo dài chỉ vài giờ đến vài ngày. Trong khi đó, viêm mạn tính lại kéo dài nhiều tuần đến nhiều năm, liên quan đến các bệnh mạn tính như viêm khớp dạng thấp, xơ gan, viêm loét đại tràng.
Bất kỳ vết thương hay nhiễm trùng nào trong cơ thể cũng sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch và gây viêm. Tuy nhiên, phản ứng viêm sẽ giảm dần. Nếu sau 3 tháng mà tình trạng viêm không khỏi thì được gọi là viêm mạn tính. Viêm mạn tính có thể xảy ra cục bộ hay toàn thân.
Khi bị viêm, chúng ta sẽ cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu và tập trung kém. Đây là lúc cơ thể đang chống chọi với chấn thương hay nhiễm trùng. Nếu các triệu chứng này dai dẳng, tái phát nhiều lần thì rất có thể là đang bị viêm mạn tính.
Những triệu chứng thường gặp khác của viêm mạn tính là sốt, đổ nhiều mồ hôi vào ban đêm, tăng hay sụt cân không rõ nguyên nhân, có vấn đề về da, đau khớp hay đau cơ. Một triệu chứng khác cũng thường gặp là tái đi tái lại vấn đề liên quan đến đường tiêu hóa, chẳng hạn như táo bón, tiêu chảy hay trào ngược dạ dày. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này bạn nhé!