Giảm bệnh nhân chuyển tuyến
Ông Tống Thanh Hải, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lai Châu, cho biết đến nay, tỷ lệ bao phủ y tế tại tỉnh đạt 96,5%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao. Tỷ lệ chuyển tuyến giảm cho thấy niềm tin với y tế địa phương và năng lực y tế địa phương đã được nâng lên, với sự hỗ trợ của các bác sĩ T.Ư thông qua đào tạo tại chỗ "cầm tay chỉ việc", hội chẩn trực tuyến.
Còn theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu Bùi Tiến Thanh, với sự hỗ trợ của bệnh viện tuyến T.Ư, trong năm qua, tỷ lệ bệnh nhân ở tỉnh phải chuyển tuyến đã giảm 10% so với 2023.
Chia sẻ về những kết quả điều trị với các kỹ thuật được triển khai tại địa phương, đại diện Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết, bệnh viện đã điều trị, cấp cứu thành công các trường hợp bệnh khó, tình huống nguy kịch. Trong đó, Khoa Nhi Bệnh viện đa khoa tỉnh áp dụng kỹ thuật lọc máu liên tục điều trị cho trẻ 10 tháng tuổi bị nhiễm khuẩn huyết, tổn thương thận cấp.
Trường hợp khác là bệnh nhân 2 tuổi, bị đuối nước, nguy kịch, đã được các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu, Khoa Nhi và các bác sĩ điều dưỡng cấp cứu kịp thời hồi sức tim phổi, đặt ống thở máy và chuyển lên tuyến T.Ư an toàn. Nhờ xử trí hiệu quả, sau 5 ngày điều trị ở tuyến trên ổn định, cháu bé đã được ra viện.
Tuy nhiên, các bệnh viện miền núi vẫn còn nhiều khoảng trống nhân lực và thiếu thốn về trang thiết bị y tế. Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu, bác sĩ chuyên khoa 2 Đào Việt Hưng phản ánh, nhiều thiết bị y tế lạc hậu, cơ bản đã sử dụng cách đây 15 - 20 năm. Nhiều trang thiết bị của bệnh viện đã hết khấu hao, gần như "về mo"; tiêu chí nhân lực và chuyên môn kỹ thuật chưa đạt để có thể nâng lên hạng 1.
"Khoảng 50% bệnh nhân chuyển tuyến thuộc tim mạch và ung thư, do đó chúng tôi mong được làm can thiệp tim mạch để cứu chữa kịp thời người bệnh. Với ung thư, trước hết là phát triển các kỹ thuật chẩn đoán sớm bệnh, sau đó là chăm sóc giảm nhẹ và hóa trị. Xạ trị là giai đoạn sau vì đòi hỏi hệ thống thiết bị đắt tiền và nhân lực đào tạo chuyên sâu hơn nữa với một chuyên khoa hẹp. Chúng tôi mong được quan tâm đầu tư trang thiết bị, trước mắt cho tim mạch, ung bướu. Cần đầu tư thêm kinh phí sửa chữa, mua sắm thiết bị cơ bản", bác sĩ Hưng bày tỏ.
Cấp tỉnh đã vậy, cấp huyện còn khó hơn nhiều. Bác sĩ Vũ Văn Quang, Giám đốc Trung tâm Y tế H.Than Uyên - đơn vị cách bệnh viện tỉnh 100 km, chia sẻ, trong số nhân lực của trung tâm vẫn có hơn 10% là trình độ trung cấp. Hiện có 7 bác sĩ học hồi sức khóa 9 tháng và một số bác sĩ học cấp cứu nhi tại Bệnh viện Bạch Mai.
"Nếu không có hỗ trợ thì việc học nâng cao trình độ hết sức khó khăn. Đi học 3 tháng hết khoảng 50 - 60 triệu đồng. Nếu được hỗ trợ 50% thì vẫn phải tự bỏ ra 30 triệu đồng, rất khó khăn so với nguồn thu nhập trung bình dưới 10 triệu đồng/tháng, vì ngoài học phí còn các khoản chi tiêu khác như thuê trọ, ăn uống…", bác sĩ Quang thông tin.
Tương tự, bác sĩ Hoàng Việt Bắc, Giám đốc Trung tâm Y tế H.Sìn Hồ, nói dù rất cố gắng nhưng đơn vị đang gặp khó trong kinh phí đào tạo. Bác sĩ Bắc mong Sở Tài chính tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí để các y bác sĩ được đi học chuyên sâu.
"Chúng tôi cũng mong được trang bị thêm trang thiết bị, được quan tâm cơ sở vật chất vì cả hai bệnh viện thuộc trung tâm y tế huyện đều đã xuống cấp", bác sĩ Bắc phản ánh.
Không quan tâm y tế, người giàu cũng không cứu được
Qua khảo sát và thực tế hỗ trợ y tế tỉnh, PGS Vũ Văn Giáp, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, đánh giá Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu thuộc số ít bệnh viện tỉnh vẫn là bệnh viện hạng 2, cần nâng cao năng lực về nhân lực, thiết bị, nâng hạng bệnh viện để người dân được thụ hưởng chất lượng dịch vụ y tế ngay tại quê hương.
"Do đi lại khó khăn, từ bệnh viện tỉnh đến bệnh viện huyện xa nhất mất 4 - 5 tiếng (bằng thời gian từ Việt Nam bay sang Úc), nếu bệnh nhân thiếu máu cơ tim về tỉnh cấp cứu thì mất thời gian vàng cứu chữa. Hay bệnh nhân đột quỵ não từ Lai Châu về Bạch Mai cũng hết 5 - 6 tiếng. Do đó, Lai Châu cần chú trọng mở rộng các kỹ thuật cơ bản đến tuyến huyện để cứu chữa kịp thời các cho các bệnh nhân", ông Giáp lưu ý, đồng thời khẳng định Bệnh viện Bạch Mai sẽ giúp Lai Châu về cấp cứu sơ sinh, các cấp cứu tim mạch và một số chuyên khoa cơ bản nhất. Cạnh đó, đào tạo cho hệ thống y tế Lai Châu về nhân lực, để đảm bảo được nhân lực tại chỗ.
Trước xu hướng gia tăng bệnh tim mạch trong cộng đồng, PGS-TS Nguyễn Thị Thu Hoài, Viện trưởng Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết sẽ hỗ trợ về cấp cứu tim mạch. Bệnh viện Bạch Mai cũng sẽ triển khai và hỗ trợ sàng lọc bệnh lý tim mạch, như sàng lọc và quản lý tăng huyết áp, quản lý bệnh nhân suy tim…
"Can thiệp tim mạch tại bệnh viện tỉnh là hết sức cấp bách, vì nếu về T.Ư cấp cứu thì xa, qua mất giờ vàng. Do đó, tỉnh cần quan tâm đầu tư để triển khai", bà Hoài nêu.
Chia sẻ thêm, PGS-TS - bác sĩ Vũ Văn Giáp chỉ ra, với các ca cấp cứu đột quỵ, tim mạch, thời gian là não, thời gian là tim, thời gian là mạng sống. Vì thế, ông đề nghị Lai Châu cần quan tâm đầu tư cho y tế.
"Người có điều kiện ở tỉnh cũng không cứu được mạng nếu gặp sự cố tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ… do việc di chuyển từ Lai Châu về Hà Nội không thể kịp. Và sự cố này có thể xảy ra bất kỳ với ai, ngay cả với người trẻ", bác sĩ Giáp khuyến cáo.
Ông cũng cho biết, cùng với đào tạo nhân lực, BV Bạch Mai sẽ cử luân phiên các bác sĩ đảm nhiệm vị trí đứng đầu một số khoa điều trị tại BVĐK tỉnh Lai Châu; tăng cường bác sĩ của Bạch Mai về công tác tại BV tỉnh, hỗ trợ BV tỉnh đủ điều kiện nhân lực để được lên hạng; trước hết là nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc y tế cho người dân của tỉnh.