HMPV là loại virus gì, phòng ngừa thế nào?

Virus HMPV là gì?

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến (Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP.HCM) cho biết, virus metapneumo (Human Metapneumovirus - HMPV) là thành viên thuộc họ Pneumoviridae có nhân RNA.

Một nghiên cứu quy mô lớn kéo dài 10 năm ở Hàn Quốc từ năm 2007 đến năm 2016 đã xác định được 1.275 trường hợp nhiễm HΜΡV và phân loại 94% các chủng thành 5 phân nhóm kiểu gien (A1, A2a, A2b, B1 và B2).

Dựa trên các báo cáo từ Hà Lan, Anh, Phần Lan, Úc, Canada, Kenya, Trung Quốc, Na Uy và nhiều quốc gia khác cho thấy loại virus này có mặt ở khắp mọi nơi và có liên quan đến các đợt bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trong ít nhất 60 năm qua.

Tỷ lệ nhiễm HMPV?

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), số liệu thống kê của tuần 52 tại Trung Quốc ghi nhận số bệnh nhân nhập viện do cảm cúm chiếm 32,5%, HMPV (6,2%), Rhinovirus (4,9%), adenovirus (3,7%)...

Liên quan vấn đề này, Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford tại Việt Nam đã thực hiện nghiên cứu với sự tham gia của 14 bệnh viện trên 5 quốc gia, trong đó có sự tham gia của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM) và Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa.

Trong thời gian từ 7.2024 - 12.2024, nhóm nghiên cứu ghi nhận các tác nhân virus gây viêm phổi ở trẻ em gồm: cúm A, RSV, Rhinovirus, Bocavirus, enterovirus, Mastadenovirus, HMPV… Trong đó HMPV chỉ chiếm 12,5% số ca mắc, đứng hàng thứ 7 trong số các tác nhân virus. Ở nhóm bệnh nhân trưởng thành tỷ lệ viêm phổi do HMPV là 4,26%.

Ngoài ra, bác sĩ Tiến cho biết, dữ liệu về tỷ lệ lưu hành huyết thanh trong các nghiên cứu trên thế giới cho thấy hầu hết trẻ em bị nhiễm bệnh trong độ tuổi dưới 5. Trong các nghiên cứu về trẻ em mắc bệnh đường hô hấp cấp tính, HMΡV đã được phát hiện ở khoảng 5-15% bệnh nhân, phổ biến nhất ở trẻ dưới 1 tuổi.

HMPV

Việc xét nghiệm giúp tìm ra tác nhân gây bệnh viêm phổi

ẢNH MINH HỌA : AI

Bệnh thường gặp ở thời điểm nào?

Bác sĩ Tiến cho biết, HMΡV có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp trên và dưới ở các bệnh nhân thuộc mọi nhóm tuổi, nhưng thường xảy ra ở trẻ nhỏ hoặc người lớn tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch.

Các đợt bùng phát HМРV có sự thay đổi theo mùa, thường diễn ra vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân ở Mỹ, Hà Lan, Anh, Na Uy và Phần Lan và cuối mùa xuân ở Hồng Kông. Tuy nhiên, vẫn có một đợt bùng phát bệnh đường hô hấp do HМРV vào mùa hè (gồm 26 cư dân và 13 nhân viên) tại một cơ sở chăm sóc sức khỏe dài hạn ở Mỹ.

Triệu chứng và cách phòng ngừa

Bác sĩ Tiến cho biết, HMPV lây qua đường hô hấp thông qua giọt bắn trong không khí, qua tiếp xúc gần, tiếp xúc bề mặt bị lây nhiễm. Theo ghi nhận y văn, có một số trường hợp có khả năng lây bệnh từ lúc ủ bệnh, giai đoạn khởi phát, toàn phát cho đến những ngày đầu trong giai đoạn hồi phục. Thời gian ủ bệnh từ 5-9 ngày, thời gian lui bệnh từ 7-14 ngày.

"Các triệu chứng của bệnh giống với cảm cúm như viêm đường hô hấp trên, sốt, ho, chảy mũi, nghẹt mũi, khàn tiếng, khò khè... Tỷ lệ chuyển sang viêm đường hô hấp dưới như viêm phổi, viêm tiểu phế quản được ghi nhận trong khoảng 5-10%", bác sĩ Tiến chia sẻ.

Việc điều trị chủ yếu theo triệu chứng, trong một số trường hợp bội nhiễm có thể dùng kháng sinh. Đa số các trường hợp mắc bệnh tự khỏi.

Phụ huynh không nên quá lo lắng

Theo bác sĩ Tiến, tại TP.HCM, tình hình bệnh hô hấp tại các bệnh viện không có chuyển biến phức tạp, do đó phụ huynh không nên quá lo lắng hoang mang mà cần lưu ý các biện pháp phòng ngừa cơ bản cũng như đưa trẻ đến cơ sở y tế khi trẻ có biểu hiện nhiễm khuẩn hô hấp cấp, không nên chủ quan.

"Hiện vắc xin phòng bệnh đang trong giai đoạn thử nghiệm. Để phòng ngừa HMPV và các tác nhân virus gây bệnh đường hô hấp, cần chú ý kiểm soát lây nhiễm qua giọt bắn, vật dụng, bề mặt tiếp xúc như đeo khẩu trang nơi đông người, vệ sinh cá nhân, rửa tay, vệ sinh đồ chơi cho trẻ thường xuyên, giữ môi trường sống sạch sẽ thoáng mát, vệ sinh nền nhà, tay nắm cửa, các khu vực nhà bếp, phòng bếp… Ngoài ra, cần tăng cường dinh dưỡng thích hợp theo lứa tuổi, tập luyện thể thao, làm việc, nghỉ ngơi điều độ... Tiêm ngừa vắc xin cho trẻ theo chương trình tiêm chủng quốc gia, ngoài ra nếu có điều kiện nên tiêm ngừa vắc xin cúm, phế cầu…", bác sĩ Tiến khuyến cáo.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao