Cắt bỏ nửa dạ dày, cứu người đàn ông mắc ung thư

Ngày 2.1 tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi tiêu hóa, Tâm Anh Quận 7, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết kết quả nội soi dạ dày cho thấy niêm mạc dạ dày của anh N. bị viêm xung huyết nghiêm trọng và tổn thương loét ở vùng tâm vị.

Khi tiến hành nội soi, bác sĩ phát hiện ra sự bất thường trong cấu trúc niêm mạc dạ dày, do đó đã quyết định thực hiện sinh thiết để kiểm tra. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị ung thư biểu mô kém biệt hóa, với sự xuất hiện của tế bào nhẫn - một loại tế bào ung thư ác tính, dễ dàng di căn và có khả năng lan rộng nhanh chóng.

"Loại ung thư có thành phần tế bào nhẫn rất dễ di căn vì tế bào ung thư có đặc điểm kém kết dính, rời rạc", bác sĩ Hùng cho hay.

Với chẩn đoán này, phẫu thuật cắt bỏ khối u là biện pháp cần thiết để ngăn ngừa tế bào ung thư lây lan. Tuy nhiên, vì khối u nằm ở phần trên dạ dày, ca phẫu thuật trở nên phức tạp hơn. Các bác sĩ sẽ thực hiện cắt bán phần dạ dày, đồng thời nối lại thực quản vào phần dưới của dạ dày để bệnh nhân có thể ăn uống trở lại. Ca phẫu thuật cũng bao gồm việc nạo vét hạch bạch huyết theo tiêu chuẩn D2 để loại bỏ triệt để các hạch bạch huyết có thể chứa tế bào ung thư, giảm nguy cơ tái phát và di căn.

Việc nạo vét hạch D2 đòi hỏi bác sĩ phải rất thận trọng, đặc biệt là khi nạo hạch ở vùng rốn lách, nơi có rất nhiều mạch máu. Nếu không cẩn thận, bệnh nhân có thể phải cắt bỏ lách do mạch máu bị tổn thương.

Ca phẫu thuật kéo dài hơn 5 giờ bằng phương pháp phẫu thuật nội soi. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ kiểm tra các cơ quan như gan, phúc mạc và thấy rằng không có dấu hiệu di căn. Sau khi cắt bán phần dạ dày và thực hiện các bước phẫu thuật cần thiết, bác sĩ đã tiến hành nối thực quản với dạ dày theo phương pháp hình xẻng.

Cắt bỏ nửa dạ dày, cứu người đàn ông mắc ung thư- Ảnh 1.

Các bác sĩ trong quá trình phẫu thuật cho bệnh nhân

ẢNH: T.A

Một bước quan trọng trong quá trình phẫu thuật là gửi mẫu bệnh phẩm đi sinh thiết lạnh. Sau khoảng 30-60 phút, kết quả sinh thiết cho thấy các diện cắt không còn tế bào ung thư. Điều này giúp các bác sĩ quyết định không cần cắt bỏ toàn bộ dạ dày, bảo tồn một phần dạ dày cho bệnh nhân.

Hậu phẫu, bệnh nhân hồi phục nhanh chóng. Ngay sau 2 ngày, anh N. có thể ăn đồ lỏng, đi lại bình thường và chỉ sau 5 ngày đã xuất viện. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy anh N. mắc ung thư biểu mô tuyến xâm nhập kém kết dính, tế bào nhẫn ở giai đoạn 1. Đây là một giai đoạn sớm, chưa có di căn sang các hạch bạch huyết gần hoặc xâm nhập vào thần kinh. Tuy nhiên, mặc dù khối u đã được lấy hết, anh N. vẫn phải điều trị bổ sung với khoa Ung bướu do có 3/30 hạch bạch huyết bị di căn.

Ung thư dạ dày hiện đang đứng thứ ba về tỷ lệ tử vong tại Việt Nam

Ung thư dạ dày hiện đang đứng thứ 3 về tỷ lệ tử vong tại Việt Nam, chỉ sau ung thư gan. Bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và giới tính, nhưng phổ biến nhất là ở nam giới trên 50 tuổi. Đặc biệt, ung thư dạ dày đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Các triệu chứng của bệnh rất dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề tiêu hóa thông thường, như đau bụng âm ỉ sau bữa ăn hoặc đau vùng dưới xương ức khi ăn no. Chính vì vậy, bệnh thường được phát hiện muộn, khi đã ở giai đoạn tiến triển hoặc di căn.

"Người dân nên khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là những người có nguy cơ cao như người bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP), người có tiền sử viêm loét dạ dày tái đi tái lại, người trên 45 tuổi, hoặc có người thân mắc ung thư dạ dày. Việc phát hiện sớm bệnh sẽ giúp tăng cơ hội điều trị thành công và kéo dài sự sống cho bệnh nhân", bác sĩ Hùng khuyến cáo.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao