Bệnh nhân ăn sáng ở bệnh viện thì bị đột quỵ

Tại Khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long, các nhân viên y tế phát hiện kịp thời các dấu hiệu của bệnh nhân N.T.T, ngay lập tức tiến hành mời hội chẩn khẩn Đơn vị Đột quỵ. Sau khi xem xét và đánh giá các biểu hiện của người bệnh, các bác sĩ đã chỉ định chụp MRI não, kết quả cho thấy người bệnh bị nhồi máu não cấp vùng thân não, cầu não, dạng rải rác 2 bán cầu giờ thứ nhất.

Ngày 11.1, bác sĩ chuyên khoa Lữ Hữu Tuấn -Trưởng khoa Nội Thần Kinh - Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long cho biết, nhờ được phát hiện sớm trong giờ đầu tiên kể từ khi khởi phát triệu chứng đột quỵ, người bệnh đã được chỉ định sử dụng thuốc tiêu sợi huyết với mục tiêu làm tan huyết khối, khơi thông mạch máu não bị hẹp, tắc.

Sau 1 giờ sử dụng thuốc rTPA, bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, không còn cảm thấy chóng mặt, tình trạng yếu nửa người bên phải cũng cải thiện tốt. Chỉ sau 24 giờ, bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn, có thể tự đi lại, sinh hoạt bình thường.

Tương tự, bệnh nhân H.T.H (56 tuổi, ở Hậu Giang) đang được theo dõi điều trị tại Khoa Nội Nội tiết của Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long với tiền căn tăng huyết áp, tiểu đường. Buổi sáng sau khi thức dậy và vệ sinh cá nhân thì bà đột ngột nói đớ, đau đầu và yếu nửa người bên phải. May mắn là người nhà và các bác sĩ Khoa Nội tiết đã phát hiện sớm và lập tức tiến hành hội chẩn khẩn cùng Đơn vị Đột quỵ.

Qua thăm khám lâm sàng, các bác sĩ nhận định đây là biểu hiện của một cơn đột quỵ não, do đó người bệnh đã được chỉ định chụp MRI não để đưa ra chẩn đoán chính xác nhất. Kết quả MRI não cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu não cấp bán cầu não trái giờ thứ nhất. Ngay sau đó, bệnh nhân nhanh chóng tiến hành sử dụng thuốc tiêu sợi huyết. Sau khi sử dụng thuốc, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, nói nghe rõ hơn, giảm tình trạng yếu nửa người bên phải, cải thiện sức cơ. Hiện tại, bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn, có thể tự đi lại, sinh hoạt bình thường và được xuất viện.

đột quỵ

Các bệnh nhân hồi phục sau điều trị đột quỵ

ẢNH: BSCC

Người mắc bệnh nền đang điều trị vẫn có nguy cơ đột quỵ

Bác sĩ Tuấn cho biết, những người đang mắc bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường dù đang điều trị vẫn có nguy cơ xảy ra tình trạng đột quỵ. Vì vậy, người bệnh cần kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ và nếu có những dấu hiệu của đột quỵ như đột ngột méo miệng, nói khó, yếu liệt tay chân..., thì đến ngay bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng”.

Hiện nay có 2 phương pháp cấp cứu đột quỵ phổ biến là tiêm thuốc tiêu sợi huyết và phẫu thuật lấy huyết khối. Tiêm thuốc tiêu sợi huyết có tác dụng làm tan cục máu đông làm tắc dòng chảy mạch máu não (là nguyên nhân gây ra đột quỵ não). Thuốc tiêu sợi huyết (rTPA) được chứng minh có vai trò quan trọng trong cấp cứu đột quỵ, giảm tỷ lệ biến chứng tàn tật do đột quỵ gây ra. Tuy nhiên, để thuốc tiêu sợi huyết đạt được hiệu quả tối đa, người bệnh cần được cấp cứu kịp thời và chỉ định tiêm thuốc trong vòng 4,5 giờ đầu tiên kể từ khi khởi phát các triệu chứng đột quỵ.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao