Bé trai 13 tuổi nhồi máu não, cảnh báo nguy cơ đột quỵ ở thiếu niên

Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết, đang điều trị tích cực cho một bé trai 13 tuổi bị đột quỵ do nhồi máu não. 

Trước đó, bệnh nhi 13 tuổi, trú tại P.Uông Bí (Quảng Ninh) đang vui chơi bình thường thì bất ngờ xuất hiện các triệu chứng như liệt nửa người trái, méo miệng, nói khó… Gia đình lập tức đưa trẻ đến viện cấp cứu.

Bé trai 13 tuổi bị nhồi máu não cảnh báo nguy cơ đột qụy ở thiếu niên - Ảnh 1.

Cảnh báo nguy cơ tai biến mạch máu não ở người trẻ

ẢNH MINH HỌA

Kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não và chụp cắt lớp vi tính mạch máu cho thấy hình ảnh nhồi máu não vùng bán cầu trái. Bé trai có tiền sử sức khỏe tốt, không mắc bệnh lý nền. Tuy nhiên, người nhà cho biết trong gia đình có hai thành viên từng bị nhồi máu não, yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở trẻ.

Theo bác sĩ Vương Thị Hào, Trưởng khoa Nhi, nhiều người thường lầm tưởng đột quỵ chỉ xảy ra ở người cao tuổi hoặc người có bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường. Song thực tế cho thấy, bệnh lý mạch máu não đang có xu hướng trẻ hóa, trong đó đột quỵ ở trẻ em dù hiếm gặp nhưng để lại hậu quả nặng nề cả về thể chất lẫn tinh thần.

Các nguyên nhân gây nhồi máu não ở trẻ thường phức tạp và khác biệt so với người lớn. Bệnh có thể liên quan đến các bệnh lý tim mạch bẩm sinh (như thông liên thất, thông liên nhĩ, bệnh van tim, bệnh cơ tim, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn…), các dị dạng hoặc viêm mạch máu não, rối loạn đông máu, bệnh lý di truyền hoặc biến chứng sau viêm não, viêm màng não. Ngoài ra, chấn thương vùng đầu cổ cũng có thể gây tổn thương mạch máu dẫn đến đột quỵ.

"Chẩn đoán và can thiệp sớm là yếu tố then chốt quyết định khả năng hồi phục của trẻ", bác sĩ Hào nhấn mạnh.

Làm sao để theo dõi nhồi máu cơ tim tại nhà

Các chuyên gia cảnh báo, trong trường hợp trẻ có dấu hiệu bất thường về thần kinh như đau đầu, nói khó, yếu chi, co giật, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được thăm khám, chẩn đoán hình ảnh (chụp CT, MRI sọ não), nhằm phát hiện sớm các tổn thương hoặc dị dạng mạch máu não. 

Tùy mức độ tổn thương, bác sĩ sẽ có chiến lược theo dõi, điều trị hoặc can thiệp kịp thời để ngăn ngừa nguy cơ xuất huyết hoặc tái phát đột quỵ.

Bệnh viện cũng khuyến cáo phụ huynh cần quan tâm đến tiền sử gia đình, theo dõi sát các biểu hiện bất thường của trẻ và không chủ quan với các dấu hiệu cảnh báo sớm của đột quỵ ở lứa tuổi nhỏ.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao