Trước đây, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mọi người nên hạn chế lượng cholesterol tiêu thụ mỗi ngày dưới 300 mg, đối với những người có nguy cơ mắc bệnh tim, chỉ nên tiêu thụ dưới 200 mg.
Tuy nhiên, hiện nay các hướng dẫn mới đã không còn đặt ra giới hạn cụ thể cho lượng cholesterol hằng ngày, theo hệ thống phòng khám Cleveland Clinic.
Bà Julia Zumpano, chuyên gia dinh dưỡng làm việc tại Mỹ, cho biết cholesterol từ thực phẩm không ảnh hưởng nhiều đến mức cholesterol trong máu như chúng ta từng nghĩ. Dù vậy, điều này không có nghĩa là bạn có thể ăn thoải mái bất kỳ loại thực phẩm nào. Chất béo bão hòa mới là yếu tố gây hại lớn hơn đối với sức khỏe tim mạch.
Chất béo bão hòa có thể làm tăng cholesterol xấu (LDL) trong máu, gây nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn.
Khuyến nghị chung về cholesterol
Hướng dẫn Chế độ ăn uống của USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ) dành cho người Mỹ khuyến nghị giữ lượng cholesterol trong chế độ ăn càng thấp càng tốt mà không ảnh hưởng đến dinh dưỡng.
Thực phẩm giàu cholesterol thường có nhiều chất béo bão hòa, đây là nguyên nhân làm tăng cholesterol trong máu, gây nguy cơ bệnh tim.
Thay vì tập trung vào việc tính toán lượng cholesterol, các chuyên gia khuyến khích bạn áp dụng chế độ ăn tốt cho tim mạch, như chế độ ít đường, muối và giàu trái cây, rau củ, các loại hạt, đậu và ngũ cốc nguyên hạt.
Theo khuyến nghị Hiệp hội Tim mạch Mỹ, bạn nên tiêu thụ chất béo bão hòa dưới 6% lượng calo hằng ngày.
Những điều kiện ảnh hưởng đến lượng cholesterol
Nếu bạn bị cholesterol cao, việc giảm chất béo bão hòa và cholesterol trong chế độ ăn uống rất quan trọng. Điều này giúp giảm cholesterol LDL (xấu) và tăng cholesterol HDL (tốt).
Tuy nhiên, không phải ai cũng phản ứng giống nhau với cholesterol từ thực phẩm. Một số người nhạy cảm cao, dễ bị tăng cholesterol trong máu khi ăn nhiều thực phẩm chứa cholesterol.
Ngoài ra, người bị tiểu đường loại 2 hoặc bệnh lý về cholesterol di truyền cũng có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch khi tiêu thụ nhiều cholesterol.
Thực phẩm chứa cholesterol
Hầu hết các thực phẩm giàu cholesterol đều chứa nhiều chất béo bão hòa, như thịt chế biến sẵn, thực phẩm chiên…
Tuy nhiên, một số thực phẩm chứa cholesterol cao lại ít chất béo bão hòa và vẫn có thể là lựa chọn lành mạnh, điển hình là trứng.
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, người có cholesterol khỏe mạnh có thể ăn một quả trứng mỗi ngày.
Những thực phẩm chứa cholesterol cao nhưng ít chất béo bão hòa khác gồm nội tạng động vật và hải sản.