Giải ngân tăng cao nhất trong 5 năm
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính) công bố mới đây cho thấy, đến hết ngày 31.3, FDI của cả nước đạt 10,98 tỉ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, vốn đầu tư điều chỉnh mở rộng và đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần tăng mạnh so với cùng kỳ, mức tăng lần lượt 407% và 84%. Tuy nhiên, vốn đăng ký mới chỉ đạt 4,33 tỉ USD, giảm hơn 31% so quý 1/2024. Dù vậy, Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá tình hình thu hút FDI đã được cải thiện, khi số dự án đầu tư mới trong tháng 3 đã tăng lên so với 2 tháng liền trước. Cùng với đó, giá trị vốn đầu tư mới cũng tăng mạnh. Một điểm tích cực khác là vốn giải ngân trong 3 tháng đạt khoảng 4,96 tỉ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ - mức giải ngân FDI cao nhất 5 năm qua tính theo quý. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4,05 tỉ USD, chiếm 81,7% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện.

Đại diện doanh nghiệp FDI tại một hội nghị
ẢNH: Nhật Thịnh
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, VN tiếp tục là thị trường đầu tư được các nhà đầu tư nước ngoài đặt niềm tin và mở rộng các dự án hiện hữu. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt căng thẳng thuế đối ứng của Mỹ hiện nay, nhiều ý kiến lo ngại sẽ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư những quý còn lại. Tại cuộc họp Chính phủ mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung vẫn "chốt" mục tiêu thu hút vốn FDI năm nay như kế hoạch là khoảng 38 - 40 tỉ USD, vốn thực hiện khoảng 27 - 28 tỉ USD. Vậy làm thế nào để về đích các con số rất thách thức này?
GS-TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh (Đại học Kinh tế TP.HCM), phân tích: Với những nhà đầu tư coi VN là trung tâm sản xuất để xuất khẩu sang Mỹ lâu nay, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng từ chính sách thuế quan mới này. Họ có thể co cụm khi thấy chính sách thuế gây bất lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của họ sang Mỹ.
"Tuy nhiên, đây là cơ hội lớn để tái cơ cấu, tìm nhà đầu tư lớn từ các thị trường lớn khác. Một số thị trường châu Âu, châu Phi, đặc biệt thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn, AI… vào VN còn dư địa rất lớn", GS Vinh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, thừa nhận để đạt được mục tiêu thu hút FDI theo kế hoạch sẽ là thách thức không nhỏ cho các nhà làm chính sách. Chính sách thuế của Mỹ áp dụng không chỉ cho VN mà cho tất cả các quốc gia, là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến tâm lý, môi trường kinh doanh cũng như triển vọng đầu tư kinh doanh toàn cầu. Với VN, các nhà đầu tư lúc này cần có thời gian để rõ ràng và yên tâm về chính sách hơn, nhất là sau đàm phán của các lãnh đạo cao cấp 2 nước. Trong bối cảnh mọi thứ còn bất định, việc nhà đầu tư chựng lại nghe ngóng, chờ đợi là điều dễ hiểu.
"VN luôn được xem là một trong những bến đỗ an toàn, hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài, nhất là khi các chuỗi cung ứng ở nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng có sự dịch chuyển mạnh mẽ. Năm 2024 và 3 tháng đầu năm nay, dù giải ngân vốn FDI giữ đà tăng cao nhất trong 5 năm, song nếu xét đến tổng vốn cam kết lại đang giảm. Điều này phản ánh sự thận trọng của nhà đầu tư quốc tế", ông Thành nhận xét.
Đẩy mạnh thu hút vốn vào các lĩnh vực không bị đánh thuế đối ứng
Theo ông Thành, giải pháp trước mắt là đàm phán một cách khéo léo, xử lý được các vấn đề về thuế quan rõ ràng hơn. Song song đó, nâng cao năng lực cho khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ để ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là trong lĩnh vực công nghệ. Đây cũng là lĩnh vực VN có chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Về chính sách, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, đảm bảo được sự cạnh tranh lành mạnh và hỗ trợ doanh nghiệp có năng lực đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao… Về lâu dài, cần đẩy mạnh chính sách thu hút đầu tư FDI vào các lĩnh vực không nằm trong danh mục bị đánh thuế đối ứng như chất bán dẫn, đồng, năng lượng, dược phẩm…
GS-TS Võ Xuân Vinh bổ sung: "Đây là những mặt hàng theo công bố từ phía Mỹ là không áp thuế quan qua lại, đồng thời cũng là những lĩnh vực Chính phủ VN đang có chiến lược đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt với lĩnh vực bán dẫn và năng lượng. Như vậy, cơ hội thu hút FDI từ các lĩnh vực này rất lớn, chúng ta cần tận dụng tối đa các lợi thế này, kể cả đặt lên bàn đàm phán".
Số liệu tính hết năm 2024 của Bộ KH-ĐT (cũ) cho thấy, VN có 174 dự án FDI đăng ký hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đầu tư gần 11,6 tỉ USD. Hầu hết các doanh nghiệp lớn trong ngành này như Intel, NVIDIA, Marvell Technology, Samsung, CoAsia SEMI, Renesas… đều đã có mặt ở VN.
Đầu tháng 4 này, tại Hội nghị nhà cung ứng linh kiện chiến lược được tổ chức tại TP.HCM, đại diện Intel cho biết nhà máy Intel tại VN dự kiến chạm mốc 4 tỉ sản phẩm xuất xưởng trong tháng 4 - một dấu ấn quan trọng khẳng định vai trò then chốt của nhà máy lắp ráp và kiểm định của Intel tại VN trong chuỗi vận hành toàn cầu của Intel. Trước đó, vào tháng 2, một trong 3 nhà cung cấp dịch vụ thử nghiệm và đóng gói chất bán dẫn thuê ngoài lớn nhất thế giới - Amkor Technology - đã xin cấp phép tăng công suất nhà máy tại Bắc Ninh lên gấp ba lần, đạt 3,6 tỉ sản phẩm mỗi năm.
GS-TS Võ Xuân Vinh cho rằng lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn trải qua quá trình phức tạp, hàng nghìn công đoạn, thế nên ngành này luôn cần sự tham gia của nhiều doanh nghiệp từ nhiều quốc gia. Hiện các nhà máy FDI tại VN phát triển khá tốt trong lĩnh vực đóng gói và kiểm định bán dẫn. Trong khi đó, phát triển ngành bán dẫn không phải là câu chuyện của một nước. Nên trong chiến lược tái cơ cấu thu hút vốn FDI, VN cần chú ý đến FDI từ nhiều thị trường khác nhau như châu Âu, châu Phi... bởi dư địa FDI tại các châu lục này rất lớn.
"Thu hút đầu tư thông minh nhất lúc này là mời gọi nhà đầu tư Mỹ vào VN, vào các lĩnh vực công nghệ cao. Thậm chí có thể xây dựng các cụm, khu công nghiệp công nghệ riêng cho họ. Ngoài ra, trong xu thế biến động thế giới, thu hút FDI từ các thị trường mới xác định là cần thiết. Qua đó, giúp tăng thương mại đến các thị trường mới nhằm giảm phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ", GS Vinh đề nghị.
Dự kiến, ngày 11.4 tới đây, 9 hiệp hội doanh nghiệp các nước châu Âu sẽ có cuộc họp quan trọng nhằm phân tích những tác động tức thời và hệ lụy sâu xa từ các mức thuế mới của Mỹ. Trước đó, trả lời báo chí ngày 3.4, chỉ ít giờ sau khi Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế đối ứng lên một loạt nước, bao gồm 46% đối với VN, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) Hà Nội, cho rằng vấn đề thuế quan sẽ không ngăn chặn FDI tiếp tục vào VN hay khiến nhà đầu tư ồ ạt rút khỏi VN trong thời gian tới. Đại diện AmCham khẳng định, VN là một địa điểm tốt để cho các loại hình công ty đến để kinh doanh.