Mở 'kho báu' Cần Giờ, đột phá kinh tế biển TP.HCM

Đưa người dân huyện đảo thoát cảnh sống nghèo trên "mỏ vàng"

Lễ khởi công dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ Vinhomes Green Paradise hôm 19.4 được coi là dấu mốc lịch sử đưa Cần Giờ thoát khỏi danh xưng "người đẹp ngủ say" sau gần 3 thập niên. Thời điểm lập quy hoạch du lịch TP.HCM năm 1996, các chuyên gia đã xác định Cần Giờ là một kho tài nguyên quý báu. Đó là lý do từ năm 2000, Cần Giờ đã được "thai nghén" ý tưởng quy hoạch xây dựng một đô thị du lịch lấn biển, bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế, còn mang ý nghĩa giảm tải hạ tầng, hỗ trợ giãn dân khi quy mô dân số của TP.HCM tăng lên.

Mở 'kho báu' Cần Giờ, đột phá kinh tế biển TP.HCM- Ảnh 1.

Cần Giờ đang đứng trước cơ hội phát triển đột phá cũng như góp phần mở đường cho TP.HCM tiến biển

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Như Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Dương Ngọc Hải nhấn mạnh trong lễ khởi công Vinhomes Green Paradise, Cần Giờ là vùng đất duy nhất giáp biển của TP, hội tụ đầy đủ điều kiện để trở thành một cực phát triển mới, vừa bảo tồn thiên nhiên, vừa phát huy tiềm năng du lịch, dịch vụ, logistics và kinh tế biển. Tuy nhiên, để phát triển khu vực này cần có những mô hình mới, cách tiếp cận mới, những dự án mới với sự đầu tư bài bản, có trách nhiệm. Dự án Khu đô thị lấn biển Vinhomes Green Paradise được đánh giá là công trình trọng điểm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu mà lãnh đạo TP.HCM nêu.

Cụ thể, ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, chia sẻ: Vingroup xác định phát triển đô thị tại Cần Giờ không thể đi theo lối mòn cũ mà cần mang một cách tiếp cận hoàn toàn mới, kết hợp hài hòa và cân bằng giữa phát triển và bảo tồn. Vì thế, tập đoàn có khát vọng xây dựng Vinhomes Green Paradise thành khu đô thị ESG (môi trường, xã hội và quản trị - PV) hàng đầu thế giới, thể hiện đẳng cấp về ESG của VN trên bản đồ toàn cầu. Tham gia tư vấn chiến lược cho dự án là Boston Consulting Group (BCG) - Tập đoàn tư vấn quản lý hàng đầu thế giới. Hai bên sẽ làm việc chặt chẽ để đáp ứng tối đa các tiêu chí khắt khe về môi trường, tối ưu năng lượng, nước, ưu tiên sử dụng vật liệu tái chế, cũng như xây dựng hệ thống quản lý đô thị thông minh. Đặc biệt, với mục tiêu phát triển đô thị sử dụng năng lượng tái tạo phân loại, Vingroup sẽ đầu tư phát triển hệ thống điện gió cách bờ 10 km để cung cấp nguồn điện sạch cho siêu đô thị và mở ra tương lai xanh cho cả khu vực.

Khởi công siêu đô thị lấn biển Cần Giờ với nhiều công trình đẳng cấp thế giới

Bên cạnh việc tiên phong kiến tạo khu đô thị ESG hàng đầu thế giới, Vingroup định hướng phát triển Vinhomes Green Paradise thành một biểu tượng phồn vinh mới với loạt công trình đẳng cấp, chưa từng có tại VN.

Từng chứng kiến quá trình lột xác của Cần Giờ từ thời chỉ có một cách duy nhất đi vào đất liền nội đô, là bằng đò dọc cho tới khi đường Rừng Sác được làm, thay thế phà Dần Xây, nước sạch nối đến, điện được kéo về, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu khẳng định siêu đô thị lấn biển Cần Giờ chính là bước ngoặt đánh dấu "cuộc đổi đời lần 2" của bà con Cần Giờ. Theo ông Lê Hoàng Châu, cùng với sự hình thành khu đô thị lấn biển, Cần Giờ sẽ thu hút được rất nhiều nhân tài, nhân lực, có thêm điều kiện phát triển khu du lịch về lịch sử, sinh thái, vươn lên đẳng cấp mới rất cao. Từ đây, dịch vụ, thương mại sẽ phát triển cực mạnh, tạo ra hàng chục ngàn việc làm, đưa người dân huyện đảo thoát khỏi cảnh sống trên "mỏ vàng" nhưng vẫn phải cặm cụi làm nông đơn thuần, với mức thu nhập thuộc hàng thấp nhất TP.

Mở 'kho báu' Cần Giờ, đột phá kinh tế biển TP.HCM- Ảnh 2.

Vị trí xây dựng Khu đô thị lấn biển Cần Giờ Vinhomes Green Paradise

ẢNH: ĐỘC LẬP

"Về lịch sử, Giồng Cá Vồ ở Cần Giờ là nơi người tiền sử đã sinh sống. Đây là di tích về khảo cổ học, nhân chủng học, là cái nôi chứng minh rằng người tiền sử đã từng cư ngụ ở khu vực phía nam, ngay tại Cần Giờ. Bên cạnh đó, đây là căn cứ địa của Đoàn 10 đặc công Rừng Sác và là khu dự trữ sinh quyển hiếm hoi của VN. Cần Giờ đóng vai trò quan trọng cả về lịch sử, hiện tại và tương lai, không chỉ của TP.HCM mà của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Người dân Cần Giờ xứng đáng được đổi đời thông qua các công trình hạ tầng này, Cần Giờ xứng đáng được đầu tư "ra tấm ra món" như vậy. Cuối cùng sau bao nhiêu năm, kho báu Cần Giờ đã chính thức được mở", ông Lê Hoàng Châu vui mừng chia sẻ.

Giành lại vị thế địa kinh tế của khu vực

Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Dương Ngọc Hải đánh giá dự án Khu đô thị lấn biển Vinhomes Green Paradise là công trình trọng điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tương lai phát triển của TP.HCM. TP đang bước vào giai đoạn phát triển mới với những yêu cầu mang tính chiến lược về không gian đô thị, mô hình kinh tế, và chất lượng sống. Việc phát triển đô thị sinh thái ven biển là một trong những hướng đi đột phá phù hợp với định hướng phát triển bền vững kinh tế biển.

TP.HCM thời gian tới sẽ cần rà soát, xem xét lại không gian phát triển sau sáp nhập. Trong đó phải tính đến các cực phát triển mới, liên kết vùng, liên thông tự nhiên để có được phương thức quản trị mới. Hướng đi đã đúng rồi, tư duy đã có chiến lược rõ ràng, các dự án đã nhìn thấy rõ tính khả thi, dứt khoát phải có phương thức quản trị mới để duy trì được tính hiệu quả và tính bền vững.

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi

"Với quy mô 2.870 ha, dân số dự kiến khoảng 230.000 người, Vinhomes Green Paradise không chỉ là khu đô thị đơn thuần mà được định vị là một TP sinh thái - thông minh - nghỉ dưỡng - dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế. Đây là mô hình tiên phong trong việc kết hợp giữa công nghệ - năng lượng tái tạo - bảo tồn hệ sinh thái và phát triển con người. Khi đưa vào vận hành, dự án sẽ trở thành một điểm đến quan trọng trong chiến lược đưa TP.HCM trở thành trung tâm kinh tế - tài chính - du lịch quốc tế, đúng theo định hướng của TP", Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM nhấn mạnh.

Hoan nghênh sự nhìn nhận rất mới của lãnh đạo TP.HCM, GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, khẳng định khu đô thị lấn biển Cần Giờ là một trong những bước đi chiến lược nhằm giành lại vị thế địa kinh tế nổi trội trong số các đô thị biển thuộc khu vực Đông Á và Đông Nam Á mà Sài Gòn xưa đã chứng minh được. Đó là vị trí nằm trên đường biển giao thương giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. "Hòn ngọc Viễn Đông" là tên gọi của Sài Gòn từ lịch sử với vị trí phù hợp nối 2 đại dương.

Mở 'kho báu' Cần Giờ, đột phá kinh tế biển TP.HCM- Ảnh 3.

Vingroup định hướng phát triển Vinhomes Green Paradise thành một biểu tượng phồn vinh mới cũng như là trung tâm kinh tế tài chính của khu vực

ẢNH: V.G

Theo ông Đặng Hùng Võ, qua nhiều thăng trầm lịch sử, Sài Gòn đã phải nhường vị trí địa kinh tế này cho Bangkok và sau đó Bangkok lại phải nhường cho Singapore. Trong cuộc cạnh tranh phát triển kinh tế, nơi nào tạo điều kiện dịch vụ thuận lợi, nhiều tiện ích hơn thì nơi đó được thị trường lựa chọn. TP.HCM ngày nay đã được thành lập trên cơ sở toàn bộ khu vực Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định, rộng hơn xưa rất nhiều lần. Đến nay, những lợi thế vẫn còn nguyên và chưa được khai phá hết. TP.HCM vẫn là đầu tàu kinh tế, có mật độ kinh tế cao nhất cả nước. Từ Biển Đông vào TP.HCM phải qua 2 đường sông, một là Lòng Tàu và hai là Soài Rạp. Khi xưa, tàu biển còn nhỏ, TP.HCM là một cảng tiếp nhận được các loại tàu biển. Đến nay, tàu biển vận tải có kích thước lớn hơn rất nhiều, cần có cảng nước sâu để tiếp nhận tàu lớn. Cảng nước sâu quốc tế đã được lựa chọn là Cái Mép - Thị Vải. Khi nhìn TP.HCM với vai trò là TP biển hiện đại, H.Cần Giờ là vùng tiếp giáp duy nhất tới cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, đồng thời cũng là điểm duy nhất tiếp giáp với biển để phát triển các loại hình kinh tế biển.

"Ý tưởng sáng tạo của Vingroup hình thành cảnh quan đô thị biển dưới dạng trên biển là mô hình rất độc đáo. Từ đây sẽ mở ra hàng loạt dịch vụ gắn với loại đô thị trên biển. Khi TP.HCM đã trở thành một siêu đô thị cấp quốc tế, ta có thể giành giật lại vị trí địa kinh tế hiện nay đang nằm trong tay Bangkok, tạo ra một điểm trung chuyển trên tuyến giao thông này, sau đó là từ tay Singapore dựa vào vị trí địa kinh tế xuất sắc hơn trên tuyến giao thông Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương. Nếu có thể đưa TP.HCM trở thành "hub" của giao thông đường biển, cửa ngõ của khu vực thì đây là cơ hội vàng để phát triển kinh tế biển không chỉ với TP.HCM mà với cả nước. Vị trí kinh tế biển hàng đầu đang "kêu gọi" TP.HCM", GS-TSKH Đặng Hùng Võ nhìn nhận.

Căn cứ địa để VN tiến biển

Nói về câu chuyện tiến biển để phát triển, PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, đại biểu Quốc hội - thành viên Ban Chỉ đạo đại dương toàn cầu, chỉ rõ: Trong bối cảnh dân số đông, nhu cầu phát triển cao, mức sống ngày càng tăng thì biển và đại dương được xác định là nơi dự trữ cuối cùng của loài người, về tất cả nguồn lương thực thực phẩm, nguồn năng lượng và nguyên liệu. Hướng ra biển là xu thế tất yếu, ít nhất bắt đầu từ thế kỷ 21, khi mà các nguồn nguyên liệu lương thực và năng lượng trên đất liền đang cạn dần, có nhiều dạng đang không thể phục hồi hoặc phục hồi chậm. Các nước tiên tiến từ lâu đã lấy đại dương để nuôi đất liền. VN hiện nay vẫn là lấy đất liền hướng ra biển trong khi diện tích biển gấp 3 lần diện tích đất liền. Với tư thế hiện nay, VN không còn chỉ là quốc gia ven biển mà xác định phát triển kinh tế biển phải ra xa hơn, tiến sâu hơn.

"Muốn ra xa hơn, tiến sâu hơn thì phải có những căn cứ địa. Việc phát triển những đô thị biển như kiểu Cần Giờ, về mặt kinh tế được coi là cực phát triển mới, kết nối với các cực khác hình thành tuyến động lực quan trọng phát triển kinh tế của đất nước. Đây là căn cứ địa, là bàn đạp để VN tiếp tục tiến biển, xuống sâu hơn, ra xa hơn bằng công nghệ", PGS-TS Nguyễn Chu Hồi nói.

Theo vị chuyên gia này, TP.HCM hiện xác định là siêu đô thị tầm cỡ thế giới. Xu thế phát triển hướng biển đã đặt ra từ lâu nhưng đến nay mới thật sự là thời cơ chín muồi. Đầu tiên về cơ chế chính sách, lần đầu tiên TP.HCM được trao những cơ chế đặc thù chưa từng có trên cả nước, thông qua Nghị quyết 98 của Quốc hội. Trong đó, TP đã dành rất nhiều chính sách đặc thù để áp dụng cho Cần Giờ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp là Tập đoàn Vingroup mạnh dạn xây dựng một siêu dự án có quy mô và đẳng cấp công nghệ, thể chế quản trị ở tầm vóc quốc tế, tầm cỡ thế giới. Khu đô thị này nằm trên diện tích chủ yếu phần doi cát - khu vực bãi đồi non, đang tiếp tục tiến hóa. Việc phát triển, mở rộng siêu đô thị sẽ mở ra dư địa phát triển mới, tạo ra cực phát triển tăng thêm trọng lượng phát triển kinh tế biển của TP.HCM.

Cùng với đó, Vingroup đã kết hợp được các nhà đầu tư lớn như Cleveland Clinic xây dựng Bệnh viện Vinmec Cần Giờ đáp ứng các tiêu chuẩn y tế cao nhất thế giới; cho thấy thành công của việc huy động nguồn lực từ những tập đoàn lớn, thành công của quốc tế, cho ra đời những sản phẩm ở đẳng cấp hoàn toàn mới. Trong bối cảnh không gian phát triển ngày càng mở rộng thêm, hướng ra biển là xu hướng toàn cầu thì việc phát triển những TP thông minh, những TP xanh, bền vững, có can thiệp công nghệ chuyển đổi số tiên tiến như khu đô thị lấn biển Cần Giờ sẽ chiếm ưu thế, không chỉ là hình mẫu cho VN mà còn có thể vươn ra tầm cỡ thế giới.

Đặc biệt, siêu đô thị lấn biển Cần Giờ ra đời trong bối cảnh TP.HCM sẽ sáp nhập cùng Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu, với Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những địa phương chiếm ưu thế về kinh tế biển. Mặt khác, Vingroup đã đề xuất làm tuyến metro kết nối trung tâm TP.HCM tới siêu đô thị, có thể trong tương lai sẽ có thêm hạ tầng liên kết tới Bà Rịa-Vũng Tàu. Điều này đặt ra cơ hội để hình thành trục tam giác liên kết Cần Giờ - Vũng Tàu - Côn Đảo, 3 cực liên kết quan trọng giữa bờ và biển, giữa biển và đảo; giữa kinh tế biển với kinh tế đất liền sâu trong đô thị.

"Làm được như vậy, TP.HCM sẽ trở thành địa phương tiên phong của cả nước đưa tư duy phát triển đô thị biển, kinh tế đô thị biển trở thành động lực phát triển kinh tế mang tính bứt phá ngoạn mục. Tiến biển không chỉ làm chủ vùng biển về kinh tế mà còn làm chủ vùng biển về dân sự. Sự phát triển kinh tế biển TP.HCM không chỉ là thực hiện chức năng của một siêu đô thị, trung tâm kinh tế, đầu tàu kinh tế cả nước mà còn thực hiện sứ mệnh gắn phát triển với bảo vệ an ninh, chủ quyền của cả nước", PGS-TS Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh, đồng thời đề xuất: "TP.HCM thời gian tới sẽ cần rà soát, xem xét lại không gian phát triển sau sáp nhập. Trong đó phải tính đến các cực phát triển mới, liên kết vùng, liên thông tự nhiên để có được phương thức quản trị mới. Hướng đi đã đúng rồi, tư duy đã có chiến lược rõ ràng, các dự án đã nhìn thấy rõ tính khả thi, dứt khoát phải có phương thức quản trị mới để duy trì được tính hiệu quả và tính bền vững".

Gấp rút khởi công Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

Mới đây, UBND TP.HCM có văn bản khẩn gửi Chính phủ về đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm b, khoản 9, điều 7 Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM để từ đó gỡ khó cho dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Hiện nay, Sở GTCC TP.HCM cùng các sở ngành, đơn vị liên quan đang khẩn trương triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch, huy động mọi nguồn lực nhằm thực hiện mục tiêu khởi công dự án ngay trong năm nay, đưa vào khai thác từ năm 2027.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao