Lãi suất tiết kiệm đi xuống, vì sao vẫn khó giảm lãi vay?

Lãi suất tiết kiệm dò đáy

Từ cuối tháng 3 đến nay, có khoảng 30 ngân hàng (NH) đã giảm lãi suất tiết kiệm từ 0,05 - 0,5%/năm. Trong đó, có một số nhà băng điều chỉnh giảm lãi nhiều lần như Eximbank (7 lần), Kienlongbank (4 lần)... Động thái này diễn ra sau khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các NH thương mại giảm lãi suất tiết kiệm để giảm lãi vay, hỗ trợ nền kinh tế khi dấu hiệu tăng lãi suất manh nha trước đó.

Sự phân hóa lãi suất giữa các nhà băng hiện nay khá rõ rệt. Các NH thương mại có vốn nhà nước, chiếm hơn một nửa lượng vốn huy động trên thị trường, có mức lãi suất ở mức thấp, từ 1,6 - 4,7%/năm. Trong khi đó, các NH còn lại huy động lãi từ 3 - 6%/năm ở các kỳ hạn. Có thể thấy, mức lãi suất 6%/năm chỉ còn xuất hiện ở vài nơi, với kỳ hạn dài trên 12 tháng. Nhìn chung, mặt bằng lãi suất tiết kiệm trên thị trường đã về gần mức đáy hồi đầu năm 2024.

Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (ĐH Kinh tế TP.HCM), các nhà băng giảm lãi suất đầu vào từ khi NHNN có chỉ thị yêu cầu giảm lãi suất để giảm lãi vay, tập trung cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%, đẩy mạnh cho vay trong năm nay tăng 16%. NHNN cũng đã ngưng hút tiền trên thị trường mở và thực hiện bơm tiền cho các tổ chức tín dụng, tạo thanh khoản cho hệ thống. Lãi suất tiền đồng trên thị trường liên NH cũng vì thế được giữ ổn định trong nhiều tuần trở lại đây, quanh mức 4 - 5%/năm.

Lãi suất tiết kiệm đi xuống, vì sao vẫn khó giảm lãi vay?- Ảnh 1.

Lãi suất tiết kiệm giảm đồng loạt

ẢNH: NGỌC THẮNG

Lãi suất tiết kiệm thấp cũng khiến tăng trưởng nguồn vốn huy động của các nhà băng chậm lại. Cụ thể, huy động 3 tháng đầu năm của các NH trên địa bàn TP.HCM giảm nhẹ 0,18%. Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tính đến ngày 25.3, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,99% so với cuối năm 2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,36%; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 2,49%. Như vậy, tốc độ tăng trưởng cho vay đang gấp đôi so với huy động. Các chuyên gia lo ngại điều này có thể sẽ đẩy chênh lệch giữa huy động tiền gửi và cho vay gia tăng. Bởi tính đến cuối năm 2024, tổng tiền gửi do các tổ chức tín dụng huy động từ khu vực tổ chức kinh tế và cá nhân là 14,73 triệu tỉ đồng, trong khi tín dụng cho vay đối với nền kinh tế lên 15,7 triệu tỉ đồng. Chênh lệch giữa cho vay và tiền gửi lên 1 triệu tỉ đồng.

Thực tế, mức lãi suất tiết kiệm giảm cũng khiến người gửi tiền phải tính toán, cân nhắc. Chị Thanh Hà (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) có 200 triệu đồng gửi NH với lãi suất kỳ hạn 1 tháng vừa giảm xuống còn 3,7% thay vì 4%/năm trước đó. "Tiền lãi hằng tháng trước đây 666.000 đồng thì nay chỉ còn 616.000 đồng, giảm 50.000 đồng. Hồi tháng 2 vừa ra tết, khi giá vàng vào khoảng hơn 90 triệu đồng/lượng tôi tính mua vàng. 200 triệu đồng có thể mua 2 lượng vàng, còn dư ít tiền mặt. Nhưng do mua vàng lúc đó không dễ nên tôi quyết định gửi tiết kiệm. Nay giá vàng miếng SJC lên 115,5 - 118 triệu đồng/lượng trong khi lãi suất thì giảm...", chị Hà tiếc nuối.

Nhiều người cũng có tâm trạng như chị Hà. Tuy nhiên, những người trải qua cú sốc thua lỗ vì giá vàng rơi 5 - 7 triệu sau 1 đêm cuối tuần qua thì lại thở phào nhẹ nhõm. Thực tế cho thấy gửi tiết kiệm tuy lãi thấp nhưng an toàn còn lao theo vàng cơ hội nhiều nhưng rủi ro cao và dễ "đau tim" với những cú rơi "không thương tiếc" như gần đây.

Thế khó của ngân hàng

Trong khi lãi suất tiết kiệm đi xuống thì lãi vay vẫn ở mức cao. Khảo sát nhanh của Hội Doanh nhân trẻ VN với các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, xây dựng, nông nghiệp, thương mại và xuất nhập khẩu… mới đây cho thấy mức lãi suất vay có sự khác biệt lớn giữa các NH và loại hình vay. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4 - 9,5%/năm, trung - dài hạn từ 5 - 11%/năm. Một số doanh nghiệp phản ánh không tiếp cận được nguồn vốn vay hoặc vẫn đang phải chịu lãi suất cao dù có các gói hỗ trợ được công bố; hoặc bị từ chối do tài sản bảo đảm không đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là các tài sản hình thành trong tương lai - phổ biến trong lĩnh vực xây dựng và sản xuất. Các doanh nghiệp đề xuất hạ lãi suất vay ngắn hạn về mức 4 - 6%/năm, và vay trung - dài hạn về mức 5 - 8%/năm. Ổn định chính sách lãi suất trong dài hạn, tối thiểu từ 3 - 5 năm, để doanh nghiệp có thể chủ động trong lập kế hoạch tài chính.

Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định: Mục đích giảm lãi suất huy động của các nhà băng nhằm giảm lãi cho vay khá rõ. Thế nhưng bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước hiện nay không dễ để điều chỉnh lãi suất vay đi xuống. "Thông thường lãi suất tiết kiệm giảm, sẽ mất một thời gian nhất định để NH giảm lãi cho vay. Tuy nhiên, với căng thẳng thuế quan giữa Mỹ và các nước, mức độ rủi ro được đánh giá tăng cao thì việc giảm lãi vay là điều khó thực hiện vì NH phải tăng dự phòng rủi ro", ông Hiếu lý giải. Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, tăng trưởng tín dụng trong năm nay đề ra ở 16%, tức hệ thống NH cần một lượng vốn lớn để cho vay. Thế nhưng giảm lãi suất huy động trong bối cảnh giá vàng mạnh, thị trường bất động sản giao dịch trở lại thì việc huy động vốn không hề dễ. Thế nên lãi suất tăng hay giảm trong thời gian tới phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng của hệ thống NH.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân cũng thừa nhận thế khó của các nhà băng khi huy động vốn chậm hơn sẽ gây áp lực lên lãi suất. Vì thế, lãi suất tăng hay không còn tùy vào sự điều tiết của NHNN có tiếp tục bơm thanh khoản qua thị trường mở và lãi suất liên NH có giữ được mức ổn định quanh 4 - 5%/năm như hiện nay hay không. "Việc lãi suất giữ ổn định sẽ tác động đến tỷ giá tăng lên. Có thể tỷ giá sẽ được điều chỉnh tăng trong bối cảnh căng thẳng thuế quan trên thế giới. Giữa lãi suất và tỷ giá, phải chọn một", ông Nguyễn Hữu Huân phân tích.

Thách thức giảm lãi vay

Trong trường hợp đàm phán giảm thuế suất Mỹ áp cho VN xuống thấp, có thể thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, khi đó nhu cầu vốn của doanh nghiệp sẽ tăng lên. Ở chiều hướng ngược lại, thuế cao sẽ ảnh hưởng xuất khẩu và tín dụng cũng sẽ ảnh hưởng. Đó là chưa kể căng thẳng giữa các nền kinh tế lớn là Mỹ và Trung Quốc có tác động đến kinh tế toàn cầu, trong đó có VN. Trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay khó đạt như kỳ vọng thì lãi suất huy động sẽ còn tiếp tục giảm. Cũng chính vì rủi ro thị trường tăng lên nên cũng sẽ tạo thách thức cho các NH trong việc giảm lãi suất cho vay.

TS Nguyễn Trí Hiếu

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao