Vì sao tốc độ ‘phủ’ trạm sạc chậm hơn tốc độ tăng trưởng xe điện?

Điều gì đang diễn ra tại 'thủ phủ xe điện' của thế giới

Các tài xế đi qua trạm dịch vụ Uno-X Furuset ở ngoại ô Oslo (Na Uy) gần đây bất ngờ nhận ra sự thay đổi: Một trong bốn trụ bơm xăng thường ngày đã biến mất, nhường chỗ cho một trụ sạc xe điện, theo Bloomberg Hyperdrive.

Vì sao tốc độ ‘phủ’ trạm sạc chậm hơn tốc độ tăng trưởng xe điện?- Ảnh 1.

Trạm sạc điện thay thế trụ bơm xăng - cú chuyển mình ngoạn mục tại Bắc Âu

ẢNH: Reuters

Việc thay thế trụ bơm xăng bằng trụ sạc xe điện tại Na Uy mới chỉ bắt đầu, nhưng tốc độ chuyển đổi đang gia tăng nhanh chóng. Nhiều doanh nghiệp năng lượng như Uno-X, St1, hay Circle K đã chuyển đổi theo chiều hướng này.

Theo đó, Uno-X đã thay thế khoảng 30 trụ bơm xăng bằng trụ sạc tại Na Uy, trong khi Circle K đã thực hiện điều tương tự tại hơn 10 trụ ở 8 địa điểm khác nhau. Trong vòng 12 tháng tới, Circle K dự kiến tiếp tục thay thế trụ bơm xăng bằng trụ sạc tại 10 đến 15 địa điểm nữa.

St1 cũng đang chuẩn bị khai trương trạm sạc xe điện đầu tiên của mình tại trung tâm Oslo vào tháng tới. Địa điểm này từng là một trạm xăng Shell chỉ phục vụ các phương tiện chạy bằng động cơ đốt trong. Trong khi đó, Circle K hiện có khoảng 20 trạm sạc xe điện, nhiều trạm được thiết kế với mái che. Phần lớn các trạm này trước đây là các trụ bơm xăng, dầu truyền thống.

“Chúng tôi đang xây dựng một cây cầu nối từ ngành kinh doanh xăng dầu truyền thống sang tương lai của xe điện”, Clean Technica dẫn lời chia sẻ của Ole Johannes Tonnessen, Giám đốc điều hành Uno-X Mobility Na Uy.

Khi Na Uy đang trên đà trở thành thị trường xe điện hoàn toàn đầu tiên trên thế giới, quốc gia này cũng ghi nhận những thay đổi lớn sắp diễn ra trong ngành công nghiệp năng lượng. Doanh số bán xăng tại Na Uy hiện chỉ bằng một phần ba so với một thập kỷ trước, trong khi doanh số dầu diesel đã giảm khoảng 6% trong năm 2023. Hiện tại, 10% trong số 2.000 trạm xăng trên cả nước đã lắp đặt thêm trụ sạc xe điện bên cạnh các trụ bơm xăng.

“Nhu cầu giảm dần đối với nhiên liệu truyền thống như xăng, dầu, cùng với chi phí bảo trì và vận hành là những yếu tố chính ảnh hưởng đến quyết định có nên loại bỏ các trụ bơm xăng hay không”, Anders Kleve Svela, Giám đốc mảng e-mobility (phương tiện giao thông chạy điện) tại Circle K Na Uy nhận định. Để bắt kịp với sự thay đổi của thị trường, các nhà vận hành trạm nhiên liệu tại nước này như Circle K đang đầu tư vào các trạm sạc điện, ngay cả ở những khu vực tỉnh lẻ như Minnesund.

Sự chuyển dịch trong ngành năng lượng Na Uy cũng phản ánh thực tế thị trường xe điện tại Bắc Âu. Hiện tại, Na Uy đang là quốc gia đi đầu trong cuộc cách mạng xe điện trên thế giới, với 89% số xe mới bán ra trong năm ngoái là xe thuần điện.

Không chỉ Na Uy, các quốc gia Bắc Âu khác cũng đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi sang xe điện với tốc độ nhanh chóng. Năm ngoái, 52% số xe mới bán ra tại Đan Mạch là xe điện. Tại Thụy Điển, con số này là 32% trong khi Phần Lan ghi nhận tỷ lệ xe thuần điện là 29%.

Chính sách khuyến khích từ các chính phủ Bắc Âu đóng vai trò then chốt trong quá trình này. Ví dụ điển hình là Phần Lan, nơi chính phủ đã đầu tư 110 triệu EUR vào năm 2011 để nghiên cứu hệ thống sạc xe điện. Khoản đầu tư này đã tạo tiền đề cho sự ra đời của các doanh nghiệp cung cấp giải pháp sạc xe điện, Financial Times dẫn lời ông Jussi Palola, Giám đốc sáng tạo và đồng sáng lập Virta - đơn vị cung cấp phần mềm quản lý sạc và thanh toán.

Hay, tại Thụy Điển, chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp khi mua xe điện cho cán bộ nhân viên cũng đã thúc đẩy thị trường phát triển. Năm 2018, chỉ 16% số xe do doanh nghiệp mua là xe điện. Đến năm 2023, con số này đã tăng vọt lên 74%, theo Financial Times. Ngoài ra, chính quyền các địa phương và thành phố cũng đang hỗ trợ xây dựng hạ tầng sạc điện. Thành phố Oslo đã giúp St1 triển khai một trạm sạc nhanh dành riêng cho xe tải điện thương mại tại Rommen, với công suất lên đến 400 kW.

Những kết quả ấn tượng này cho thấy Bắc Âu không chỉ là khu vực tiên phong mà còn đang thiết lập tiêu chuẩn mới cho quá trình điện hóa giao thông trên toàn cầu.

Vì sao tốc độ ‘phủ’ trạm sạc chậm hơn tốc độ tăng trưởng xe điện?- Ảnh 2.

VinFast vẫn đang là một trong những đơn vị tiên phong, bền bỉ và quyết liệt nhất trong việc phủ sóng hệ thống trạm sạc công cộng tại Việt Nam

ẢNH: NHẬT THỊNH

Tốc độ tăng trưởng trạm sạc đang chậm hơn mua xe "xanh"

Ở bên này bán cầu, các nước trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) cũng đang nỗ lực đưa xe điện vào mạng lưới giao thông bởi nhận thức về môi trường trong khu vực đang gia tăng và cả các áp lực giảm thiểu phát thải carbon hay các cam kết mà ASEAN tuyên bố với thế giới. Với sự chuyển đổi thần tốc, Việt Nam đang nằm trong top 4 nước dẫn đầu về tốc độ chuyển đổi giao thông xanh tại khu vực, cùng Singapore, Thái Lan và Indonesia.

Đáng chú ý, dù xuất phát sau nhưng Việt Nam đang là một trong những nước sở hữu hạ tầng trạm sạc có mật độ lớn hàng đầu thế giới. Tính đến nay, trạm sạc công cộng của VinFast đã có mặt tại 63/63 tỉnh thành. Đặc biệt, trên 106 tuyến quốc lộ và cao tốc, trạm sạc VinFast đang được bố trí dày đặc với khoảng cách trung bình giữa hai trạm chỉ là khoảng 65 km, thậm chí đang tiếp tục được rút ngắn xuống chỉ còn 50 km, với đủ loại công suất từ sạc thường đến sạc siêu nhanh.

Không chỉ là một trong những nước dẫn đầu tại Đông Nam Á về số lượng trạm sạc và số lượng cổng sạc, Việt Nam hiện còn vượt xa các nước hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc về mật độ cổng sạc xét trên quy mô diện tích và dân số. Với quy hoạch 150.000 cổng sạc của riêng VinFast trên quy mô 100 triệu dân, tính trung bình mỗi 10.000 dân Việt Nam đang có 15 cổng sạc xe điện. Con số này cao gấp 5 lần so với Mỹ và cao hơn mức 12 cổng sạc trên 10.000 dân tại Trung Quốc.

Nếu so về các chỉ số, Việt Nam không hề thua kém nhiều quốc gia đi trước. Tuy nhiên, nhìn chung tốc độ tăng trưởng của các trạm sạc đang chậm hơn so với sự gia tăng doanh số bán xe điện. Để có một hệ thống trạm sạc xe điện phủ rộng khắp cả nước, cần có sự tham gia của cả Nhà nước và sự ủng hộ của các doanh nghiệp trên thị trường.

Theo các chuyên gia, để phát triển xe điện thì sau sản xuất, trạm sạc là quan trọng nhất. Trong xu hướng phát triển xanh, đặc biệt lĩnh vực xe điện, nếu không có chính sách hỗ trợ xây dựng trạm sạc thì rất khó để đạt các mục tiêu tăng trưởng xanh. Với khách hàng, họ cũng sẽ không mua xe "xanh".

PGS-TS Đàm Hoàng Phúc (ĐH Bách khoa Hà Nội), cho rằng hiện Việt Nam vẫn chưa có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiên phong làm trạm sạc như VinFast. Trong khi đó, VinFast là nhà sản xuất xe điện đầu tiên của VN có đầu tư hệ thống trạm sạc phủ khắp cả nước với chiến lược khá chỉn chu, bài bản. VinFast cũng đang áp dụng tiêu chuẩn trạm sạc quốc tế theo chuẩn châu Âu. Chi phí lắp đặt, đầu tư làm trạm sạc rất lớn và nếu có ưu đãi, khuyến khích từ nhà nước thì sẽ thu hút thêm được nhiều đơn vị tham gia.

Theo ông Đàm Hoàng Phúc, chính sách ưu đãi cần cụ thể, chi tiết. Chẳng hạn về tài chính cần có ưu đãi về mặt bằng, giá thuê đất, giảm thuế phí cho nhà đầu tư. Hay bổ sung thêm những quy định bắt buộc như bãi đậu xe công cộng cần phải có trạm sạc với tỷ lệ bao nhiêu ô tô vào sạc cùng lúc...

Tương tự, các trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường cao tốc cũng cần quy định chi tiết về tỷ lệ trạm sạc. Đối với người sử dụng, phải có ưu đãi về giá điện nhằm khuyến khích người dân tiên phong trong việc sử dụng phương tiện giao thông điện, sử dụng nhiên liệu sạch. Song song đó là các chính sách về thủ tục, pháp lý cần rõ ràng, minh bạch để các công ty tham gia đầu tư dễ dàng thực hiện. "Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đầu tư trạm sạc điện phải được cụ thể cũng như các quy định bắt buộc phải chi tiết để thúc đẩy phát triển thị trường. Càng rõ ràng thì sẽ càng có nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển thị trường" - PGS-TS Đàm Hoàng Phúc nhấn mạnh.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao