Trong vụ án sản xuất 573 loại sữa bột giả, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can. Hoàng Mạnh Hà và Vũ Mạnh Cường (cùng trú tại Hà Nội) bị cáo buộc có vai trò chủ mưu, cầm đầu.
Kết quả điều tra xác định, bị can Hà và Cường góp vốn thành lập Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group; đồng thời liên kết, huy động cổ đông lập thêm 9 công ty khác, tạo thành "hệ sinh thái" sữa bột giả.
Đường dây này chuyên sản xuất, phân phối các sản phẩm sữa dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai. Theo công bố, các sản phẩm sữa bột được chiết xuất từ tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó..., nhưng thực tế hoàn toàn không có.
Do chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% mức công bố, cơ quan điều tra xác định đây là hàng giả. Từ năm 2021 đến nay, nhóm bị can đã tiêu thụ số lượng khổng lồ sản phẩm sữa bột giả ra thị trường, thu về gần 500 tỉ đồng.

Một số nhãn hiệu sữa bột giả trong đường dây vừa bị triệt phá
ẢNH: CAND
Phải đền bù cho người mua sữa giả suốt 4 năm qua
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, đoàn TP.HCM, cho biết có 2 hình thức mà đối tượng sản xuất thực phẩm giả thường sử dụng. Một là làm giả các nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đắt tiền, hai là làm giả chính nhãn hiệu của mình - tức là khi công bố rất tốt nhưng đến lúc sản xuất và đưa ra thị trường thì không đạt. Dù hình thức nào, hành vi này cũng đều không thể chấp nhận.
Vẫn theo nữ đại biểu, thực phẩm nói chung, sữa nói riêng, là các sản phẩm người tiêu dùng trực tiếp đưa vào cơ thể. Nếu chất lượng kém, hoặc bị làm giả, ảnh hưởng tới sức khỏe là khôn lường. Trong vụ án 573 nhãn hiệu sữa bột giả, các sản phẩm đều hướng đến đối tượng "yếu thế" về sức khỏe (bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ có thai…), vì thế tính chất càng nghiêm trọng hơn.
Song song với truy cứu trách nhiệm hình sự các bị can, bà Lan đề nghị phải xem xét đến việc đền bù tổn thất cho những khách hàng đã mua sản phẩm sữa bột của nhóm này, trong suốt 4 năm qua.
Theo luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, người tiêu dùng mua phải sản phẩm sữa bột giả trong vụ án nêu trên hoàn toàn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Các khoản yêu cầu bồi thường có thể tính đến như: thiệt hại về kinh tế (tiền mua sữa), thiệt hại về tinh thần, sức khỏe (do sữa giả gây ra)…
Tuy vậy, để được chấp nhận yêu cầu bồi thường, người tiêu dùng phải chứng minh thiệt hại của bản thân. Ví dụ, phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh đã mua sữa giả; phải có căn cứ cho thấy vì uống sữa giả mà ảnh hưởng đến sức khỏe…
Với phân tích đã nêu, luật sư Ứng nhận định, việc yêu cầu bồi thường không phải "lúc nào cũng dễ dàng". "Thiệt hại đầu tiên, thậm chí là cả cuối cùng, thuộc về người tiêu dùng. Phải có giải pháp để không xảy ra các vụ việc tương tự nữa", vị luật sư nói.

Cán bộ điều tra kiểm đếm đối với hàng ngàn sản phẩm sữa bột giả các loại bị thu giữ
ẢNH: CAND
Thí điểm viện kiểm sát khởi kiện vụ án dân sự công ích
Viện KSND tối cao đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm viện KSND khởi kiện vụ án dân sự công ích.
Vụ án dân sự công ích được hiểu là vụ án do viện kiểm sát khởi kiện để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương (trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người dân tộc thiểu số…) hoặc bảo vệ lợi ích công (đất đai, tài sản công, an toàn thực phẩm, quyền lợi người tiêu dùng…) khi không có cơ quan, tổ chức, cá nhân khác khởi kiện.
Theo Viện KSND tối cao, bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành quy định việc bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công thông qua việc khởi kiện vụ án dân sự được giao cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nhưng thực tế, các chủ thể này chưa thực hiện, thực hiện chưa đầy đủ hoặc chưa hiệu quả trách nhiệm của mình.
Vụ sản xuất sữa bột giả: Sở Y tế Hà Nội nói gì về quản lý cấp phép?
Nguyên nhân thì nhiều, trong đó do các cơ quan, tổ chức không đủ nguồn lực, năng lực, kinh nghiệm để tham gia tố tụng. Hoặc như một số vụ án, chủ thể vi phạm đã bị xử lý hình sự nhưng phần dân sự gây thiệt hại chưa được khắc phục triệt để. Có trường hợp vi phạm chưa đến mức phải xử lý hình sự nhưng phải khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại, song vì không có tổ chức, cá nhân nào khởi kiện, yêu cầu nên dẫn đến thất thoát, lãng phí, thiệt hại…
Để khắc phục, Viện KSND tối cao đề xuất quy định: thông qua giải quyết vụ án, vụ việc, viện KSND phát hiện hành vi xâm hại quyền dân sự của các chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương hoặc lợi ích công nhưng chưa được giải quyết, sau khi đã chuyển thông tin đến các chủ thể có quyền, trách nhiệm khởi kiện và công bố thông tin mà vẫn không có chủ thể nào khởi kiện thì viện KSND sẽ khởi kiện.
Về thẩm quyền, viện kiểm sát khu vực có quyền khởi kiện vụ án dân sự công ích tương ứng thẩm quyền xét xử của tòa án khu vực. Trường hợp phức tạp, giá trị thiệt hại lớn, xảy ra trên địa bàn nhiều khu vực… thì viện kiểm sát cấp tỉnh, Viện KSND tối cao kiểm tra, xác minh và phân công cho viện kiểm sát khu vực có thẩm quyền khởi kiện.
Đáng chú ý, dự thảo còn quy định viện kiểm sát đang kiểm sát việc giải quyết vụ án hình sự theo thủ tục sơ thẩm cũng có thẩm quyền khởi kiện vụ án dân sự công ích trong vụ án hình sự đó.