Mới đây, nhiều tài khoản mạng xã hội liên tục chia sẻ về hình ảnh một quầng hào quang nhiều màu sắc bao quanh mặt trời, được khẳng định xuất hiện trên bầu trời ở Hà Nội, Lạng Sơn khiến nhiều người thích thú.
Một tài khoản có hơn 1,4 triệu người theo dõi chia sẻ hình ảnh trên trưa nay, kèm chú thích: "Ngay lúc này. Hào quang xuất hiện trên bầu trời Hà Nội". Trong khi đó, một hội nhóm ở Lạng Sơn cũng chia sẻ những hình ảnh tương tự với nội dung: "Bầu trời Lạng Sơn ngay lúc này. Hiện tượng thiên nhiên diệu kỳ có một không hai. Ra chụp vài kiểu ảnh đi các bạn ơi!".

Quầng hào quang quanh mặt trời được mạng xã hội chia sẻ trưa nay 14.4
ẢNH CHỤP MÀN HÌNH
Bên dưới các bài đăng đều nhận được lượng tương tác cao từ dân mạng. Nhiều người bình luận cũng như chia sẻ thêm về hình ảnh quầng hào quang quanh mặt trời quan sát được trưa nay.
Dân mạng bày tỏ sự thích thú khi được quan sát hình ảnh đẹp của thiên nhiên. Cũng có người thắc mắc không biết đây là hiện tượng gì.
Chia sẻ hình ảnh chụp được hiện tượng trên lên mạng xã hội, anh Hoàn cho biết bức ảnh được chụp từ H.Đình Lập (Lạng Sơn). Chàng trai kể trưa nay, khi lướt mạng xã hội thấy mọi người chia sẻ hình ảnh về quầng hào quang xung quanh mặt trời, anh cũng ra ngoài xem thử.
"Hiện tượng xảy ra lúc 10 giờ đến 11 giờ. Thấy thú vị nên tôi chụp lại. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên tôi thấy hiện tượng này. Cách đây không lâu, tôi cũng quan sát được hiện tượng tương tự, cũng ở Lạng Sơn", anh chàng chia sẻ thêm.
Đây là hiện tượng gì?
Theo tìm hiểu của phóng viên, trên thực tế đây là hiện tượng tự nhiên bình thường, không phải hiện tượng lạ. Hiện tượng này thường hay xảy ra và có nhiều tên gọi khác nhau như: quầng mặt trời, quang mặt trời, halo sun, tán mặt trời…
Các nhà khoa học gọi đó là quầng sáng 22 độ. Sở dĩ nó có tên như vậy là vì bán kính của vòng sáng này luôn xấp xỉ bằng 22 độ.

Quầng mặt trời là hiện tượng bình thường của tự nhiên
ẢNH: KHOA CHAUDOC
“Những bức ảnh chụp lại quầng sáng đều có bầu trời khá trong xanh và bạn có thể nhìn thấy mặt trời hay mặt trăng một cách dễ dàng. Tuy nhiên, nó thường xuất hiện trước cơn bão và là dấu hiệu của những đám mây ti tầng mỏng ở độ cao 6 km trở lên ở phía ngay trên chúng ta.
Những đám mây này chứa hàng triệu tinh thể băng nhỏ. Quầng sáng mà bạn nhìn thấy là sự kết hợp của hiện tượng khúc xạ và phản xạ ánh sáng khi chúng đi qua các tinh thể băng này", Earth Sky thông tin về hiện tượng này.
Trang này cho biết quầng mặt trời là một hiện tượng thú vị, tuy nhiên hãy cẩn thận khi quan sát và chụp ảnh nó. Việc hướng tầm nhìn trực tiếp vào mặt trời mà không có thiết bị hỗ trợ đi kèm có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới mắt. Đừng bao giờ nhìn thẳng vào mặt trời, ngay cả khi nó ít sáng hơn qua mây hoặc sương mù.

Quầng mặt trời ở An Giang năm 2023
ẢNH: KHOA CHAUDOC
Ông Nguyễn Anh Tuấn, cựu chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC) nhận định quầng mặt trời thường xảy ra khi tầng cao của khí quyển xuất hiện nhiều mây ti tầng. Những đám mây này là báo hiệu của nhiễu loạn khí quyển, thường là kết quả của mưa giông vừa qua hoặc báo hiệu mưa giông sắp tới.