Kỳ vọng đàm phán của Chính phủ
Chia sẻ tại buổi tọa đàm "Ứng phó thuế đối ứng của Mỹ" do Báo Tiền phong tổ chức ngày 8.4, tại Hà Nội, bà Lê Hằng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết nhiều doanh nghiệp thủy sản đang lo lắng, không biết các hợp đồng đã ký kết sẽ phải tính toán lại như thế nào với mức thuế đối ứng mới.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang rất e ngại sẽ mất thị trường Mỹ
ẢNH: ĐAN THANH
"Hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã tạm dừng xuất khẩu, dẫn đến họ phải chịu phạt vì vi phạm hợp đồng. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam, nhất là với các mặt hàng như tôm sú, cá tra... Các doanh nghiệp thủy sản cũng đang rất e ngại sẽ mất thị trường này", bà Hằng nói.
Với ngành gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, cho biết việc Mỹ áp thuế 46% với hàng hóa nhập từ Việt Nam là "đòn" đánh rất mạnh vào ngành công nghiệp gỗ.
"Nếu kết quả đàm phán về thuế không đạt được thỏa thuận gì, doanh nghiệp ngành gỗ sẽ bị dồn vào chân tường. Khó lượng hóa thiệt hại cụ thể, tuy nhiên đây là con số rất lớn. Hiện, nhiều đối tác nhập khẩu đã đề nghị hoãn một số đơn hàng", ông Hoài nói.
Trước việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% với hàng hóa từ Việt Nam, ông Hoàng Mạnh Cầm, Phó chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam, dự báo từ quý 2, đơn hàng dệt may xuất đi Mỹ sẽ giảm. Tuy nhiên, ngành dệt may không quá bi quan bởi lần này Mỹ đánh thuế với tất cả các nước.
"Theo nghiên cứu của tập đoàn, lần này ít có sự dịch chuyển về chuỗi cung ứng, bởi các nước khác cũng chịu mức thuế cao. Kỳ vọng đàm phán của Chính phủ và những xoay chuyển của các doanh nghiệp trong ngành sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro thời gian tới", ông Cầm nói.
Chuẩn bị tâm thế ứng phó tình huống xấu nhất
Không có cái nhìn lạc quan như ông Cầm, trao đổi với báo chí mới đây, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, lại nhấn mạnh nếu được thực thi đúng thời hạn đã công bố (ngày 9.4 - PV), mức thuế đối ứng 46% của Mỹ sẽ gây tác động tiêu cực khá lớn với ngành dệt may.

Các doanh nghiệp ngành gỗ xác định phải đẩy mạnh tìm kiếm, gia tăng xuất khẩu sang các thị trường mới
ẢNH: ĐAN THANH
Hiệp hội khuyến cáo các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp xuất khẩu lớn sang Mỹ cần hết sức tỉnh táo, cập nhật tình hình, hợp tác chặt chẽ với nhau, với các nhà mua hàng cùng tìm giải pháp, chia sẻ rủi ro, lợi ích.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần thực hiện đa dạng hóa thị trường, nhất là các thị trường có tiềm năng như thị trường Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA), thị trường Halal, Nam Mỹ… Cạnh đó, tận dụng cơ hội về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực nội tại, ứng phó hiệu quả với biến động và yêu cầu thị trường.
Bên cạnh đàm phán với Mỹ về chính sách thuế mới, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đề nghị Nhà nước xúc tiến nhanh đàm phán FTA ASEAN - Canada; rà soát ban hành mới và duy trì các chính sách thuế, phí, lệ phí, tiếp cận vốn vay, giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm các khoản đóng góp để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp vượt qua giai đoạn khó khăn...
Với ngành gỗ, ông Hoài nhấn mạnh: "Chúng ta xuất khẩu gỗ tới 161 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 5 thị trường lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU. Từ lâu, doanh nghiệp trong ngành đã nghĩ phải đa dạng hóa thị trường, nhưng không hề dễ. Đây là lúc nhìn lại để tìm lối đi mới.
Chúng tôi đang đẩy mạnh tìm kiếm, gia tăng xuất khẩu sang thị trường mới. Lâu nay, chúng ta xuất sang Nhật chủ yếu mặt hàng dăm gỗ. Phía Nhật Bản đã gợi ý Việt Nam nghiên cứu thị hiếu người Nhật để ngoài găm gỗ, có thể xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường này.
Một số doanh nghiệp gỗ Việt cũng đã vươn lên, đi vào phân khúc cao hơn, đem lại lợi nhuận cao. Dĩ nhiên, đây là việc không phải doanh nghiệp nào cũng làm được".
Hoạt động lâu năm trong ngành gỗ, Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Công ty CP Lâm Việt (Bình Dương). Đại diện doanh nghiệp này thông tin, doanh nghiệp đã đàm phán với đối tác, thống nhất cùng chia sẻ rủi ro.
Nhiều doanh nghiệp đang chuẩn bị tâm thế ứng phó nếu tình huống xấu nhất xảy ra, nghĩa là việc đàm phán thuế quan không thu về kết quả khả quan.
Với Lâm Việt, doanh nghiệp này hướng đến xuất khẩu trực tuyến, giảm bớt khâu trung gian, tiết giảm chi phí. Dự kiến, trong tháng 4, sẽ có 3 container hàng của Lâm Việt được xuất khẩu và thử bán trên sàn thương mại điện tử Amazon.
Các doanh nghiệp ngành gỗ đã đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường từ nhiều năm nay, trong đó các thị trường như EU, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đang có xu hướng mở rộng sang thị trường Trung Đông.