Doanh nghiệp mong tranh chấp sớm kết thúc
Tại buổi làm việc, bà Dương Thị Kiều Anh, đại diện Công ty Hố Nai, bên mua lại Khu công nghiệp (KCN) Hàm Kiệm II - Bita's, cho biết Hố Nai là đơn vị có kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư phát triển KCN. Trong đó, KCN Hố Nai (tỉnh Đồng Nai) có diện tích 496 ha đến nay đã thu hút được 120 nhà đầu tư, với tỷ lệ lấp đầy giai đoạn 1 là 82% (chiếm 100% diện tích đã được đền bù giải phóng mặt bằng). Giai đoạn 2 đang được phát triển và đã có 20 nhà đầu tư thuê đất. Công ty mong muốn được mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh và đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp tỉnh Bình Thuận. Chính vì vậy công ty đã tiến hành thương thảo và nhanh chóng ký kết hợp đồng với bà Lai Kim và các cổ đông nắm giữ cổ phần tại Công ty Bình Tân là chủ sở hữu KCN Hàm Kiệm II - Bita's để chuyển nhượng lại dự án.

Hạ tầng KCN Hàm Kiệm II - Bita’s đến nay thi công thực tế được khoảng 50% và lấp đầy được khoảng 31%
ẢNH: ĐÌNH SƠN
Đến nay Công ty Hố Nai đã chuyển cho bên bán 60% giá trị hợp đồng, tương đương gần 600 tỉ đồng (trong đó có 10% tiền đặt cọc, 50% thanh toán) và hiện là cổ đông nắm giữ 50% cổ phần, có 2/5 thành viên trong HĐQT của Công ty Bình Tân, trong đó có 1 thành viên giữ chức danh Chủ tịch HĐQT. Ngoài ra, Công ty Hố Nai đã chi trả chi phí quản lý công ty, đầu tư hạ tầng của dự án tổng cộng khoảng 7,72 tỉ đồng. Đối với các kỳ thanh toán chậm, Công ty Hố Nai đều đã trả lãi theo đúng quy định của hợp đồng.
"Chúng tôi nhận thấy sau khi sử dụng gần 600 tỉ đồng của chúng tôi để vượt qua giai đoạn khó khăn sau đại dịch Covid-19, phía bà Lai Kim không muốn tiếp tục hợp đồng. Đó cũng là lý do bà Lai Kim liên tục cản trở chúng tôi trong việc tiếp cận hồ sơ dự án, không cho chúng tôi tham gia vào việc thi công hạ tầng KCN bằng cách không bổ nhiệm nhân sự phụ trách điều hành của chúng tôi theo thỏa thuận hợp đồng. Không cho chúng tôi cơ hội thu hút nhà đầu tư về KCN và cản trở hoạt động của các thành viên HĐQT của chúng tôi. Vì vậy, tháng 11.2024, chúng tôi buộc phải gửi đơn kêu cứu đến cơ quan công an. Chúng tôi rất mong Ban Quản lý các KCN Bình Thuận và các cơ quan ban ngành của tỉnh hỗ trợ chúng tôi trong việc nhanh chóng kết thúc các vấn đề tranh chấp để sớm tiếp nhận và hoàn thiện dự án", bà Kiều Anh nói.
Trong khi đó, bà Lai Kim, đại diện Công ty Bình Tân, đổ lỗi cho việc tranh chấp trên là do Công ty Hố Nai vi phạm hợp đồng. Trong khi việc KCN chậm tiến độ là do kinh tế suy thoái, công ty gặp nhiều khó khăn. Do vậy Công ty Bình Tân cam kết hoàn thiện tiến độ hạ tầng KCN Hàm Kiệm II - Bita's vào ngày 31.8.2026; cố gắng cam kết giải quyết tranh chấp với Công ty Hố Nai trước 30.4.2025.
Liên quan đến nhà ở xã hội (NƠXH) trong KCN, bà Lai Kim cho biết đã xây dựng được 2 block và tạm ngưng xây dựng từ cuối năm 2019 đến nay do đại dịch Covid-19 và cam kết NƠXH chỉ được dùng với mục đích nhà ở cho công nhân, không phải nhà ở thương mại.

Lãnh đạo Ban Quản lý KCN: DN Không làm được thì trả đất cho tỉnh
Sau khi nghe ý kiến từ hai phía, ông Phan Dương Cường kết luận tiến độ đầu tư hạ tầng KCN Hàm Kiệm II - Bita's chậm so với tiến độ đã đăng ký tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Dự án cũng từng bị Sở Xây dựng Bình Thuận đề xuất thu hồi.
Do vậy Công ty Bình Tân phải thực hiện đúng cam kết hoàn thiện tiến độ hạ tầng KCN Hàm Kiệm II - Bita's vào ngày 31.8.2026. Trong quá trình này Công ty Bình Tân phải đưa ra lộ trình, tiến độ cụ thể. Nếu không làm đúng, Ban Quản lý các KCN Bình Thuận sẽ báo cáo UBND tỉnh xử lý theo quy định. Tuy nhiên, ban quản lý cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) bằng cách kiến nghị UBND tỉnh sớm chỉ đạo các sở, ngành giải quyết nhu cầu của chủ đầu tư về việc chuyển từ hình thức thuê đất trả tiền hằng năm sang trả tiền một lần.
Liên quan đến NƠXH, nếu không còn nhu cầu thì chủ đầu tư điều chỉnh để làm KCN, không được chuyển qua hình thức khác, đặc biệt là không thể phân lô biệt thự để bán. Công ty Bình Tân phải giải quyết tranh chấp với Công ty Hố Nai trước ngày 30.4.2025, không để dư luận xấu, không xảy ra khiếu nại, khiếu kiện làm ảnh hưởng môi trường đầu tư của tỉnh. Nếu Công ty Bình Tân không thực hiện đúng cam kết phải chịu hoàn toàn trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Trong thời gian xảy ra tranh chấp, địa phương sẽ không cấp chứng nhận đầu tư cho các DN thứ cấp thuê đất trong KCN.
Theo ông Cường, lúc khó khăn Công ty Hố Nai đã thanh toán gần 600 tỉ đồng là điều rất trân quý. Nay cao tốc làm xong, dự án tăng giá rồi chủ đầu tư "quay xe" là không hợp lý, hợp tình.
"Việc tranh chấp giữa Công ty Hố Nai và Công ty Bình Tân, hai bên tự giải quyết. Tuy nhiên tôi mong muốn hai bên giải quyết mâu thuẫn này cho xong, trước 30.4.2025 để không ảnh hưởng đến địa phương. Không thể vì chuyện của hai DN mà kéo dài dự án, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của tỉnh, gây thất thu ngân sách... Nếu DN không làm được thì trả đất cho tỉnh", ông Cường nhấn mạnh.
Khi DN về đầu tư, tỉnh rất vui mừng, nhưng không thể có chuyện chiếm đất để đó chờ tăng giá. DN lời 10 đồng, người dân tỉnh Bình Thuận cũng phải được 1 - 2 đồng. Mặc dù không phải trách nhiệm của tôi, nhưng tôi sẵn sàng ngồi giữa để hòa giải, giúp hai bên giải quyết cho xong mâu thuẫn, xong tranh chấp. Nhưng để làm được điều này, mỗi bên lùi một bước, với tinh thần lợi nhuận hay rủi ro phải chia sẻ và chữ tín phải được đặt lên hàng đầu. Tất cả vì mục tiêu tạo ra một môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người dân, giúp tăng nguồn thu cho ngân sách của tỉnh.
Ông Phan Dương Cường, Trưởng ban Quản lý các KCN Bình Thuận