4 triệu tỉ đồng cho tăng trưởng: Vốn từ đâu?

Tổng lực khơi thông 3 nguồn chính

Phát biểu tại Hội nghị chuyên đề và định hướng phát triển thị trường chứng khoán trong xu hướng hội nhập, do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của VN. Đây là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, tạo tiền đề cho kế hoạch phát triển 5 năm tiếp theo của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 10 năm (2021 - 2030), đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên mới, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc. Do vậy, Chính phủ đã đặt quyết tâm tăng trưởng GDP năm 2025 tối thiểu từ 8% trở lên, tạo nền tảng cho tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026 - 2030.

4 Triệu tỉ đồng cho tăng trưởng GDP 2025: Vốn từ đâu? - Ảnh 1.

Các dự án hạ tầng giao thông góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (trong ảnh: Cầu Nhơn Trạch chuẩn bị hợp long trong tháng 3.2025)

ẢNH: Ngọc Dương

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% của năm 2025, bên cạnh các động lực tăng trưởng như xuất khẩu, tiêu dùng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng xác định huy động nguồn lực là vấn đề cốt lõi. "VN cần nguồn vốn hơn 4 triệu tỉ đồng, tương đương khoảng 160 tỉ USD, đây là một con số rất lớn. Do vậy, bên cạnh những nguồn vốn chuẩn bị từ ngân sách nhà nước thì thị trường vốn là kênh huy động rất quan trọng cho nền kinh tế, đặc biệt là để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng", ông Thắng nói.

4 Triệu tỉ đồng cho tăng trưởng GDP 2025: Vốn từ đâu? - Ảnh 2.

Các dự án hạ tầng giao thông góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (trong ảnh là đường Vành đai 3 TP.HCM đang được thi công khẩn trương)

ẢNH: Ngọc Dương

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, phân tích: Nguồn vốn hơn 4 triệu tỉ đồng mà Bộ Tài chính ước tính thuộc cấu trúc vốn đầu tư gồm 3 cấu phần: đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đầu tư công từ Chính phủ, và đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân. Đây cũng là 3 cấu phần hình thành nên động lực tăng trưởng kinh tế mà Thủ tướng vẫn luôn nhấn mạnh. Hiện nay, khu vực đầu tư công chiếm khoảng 30% cơ cấu GDP, FDI chiếm khoảng 20 - 25%, còn lại tới 45 - 47% là từ khu vực đầu tư kinh tế tư nhân. Trong 3 cấu phần trên, khu vực FDI được dự báo sẽ tiếp tục giữ đà tăng nhờ môi trường kinh tế vĩ mô của VN ổn định, ngày càng nhiều chính sách thông thoáng, cởi mở, thu hút các doanh nghiệp (DN) lớn, mạnh tới VN đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh. Đầu tư công có thể tăng vượt trội so với năm ngoái nhờ các chỉ đạo mạnh mẽ từ Chính phủ tăng tốc hàng loạt dự án trọng điểm. Đồng thời, việc áp dụng bảng giá đất mới sẽ hỗ trợ rất lớn cho công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện để các dự án "chạy" trơn tru.

"Mục tiêu 4 triệu tỉ đồng vốn đầu tư phụ thuộc rất lớn vào khối DN tư nhân nội địa, song đây lại là ẩn số lớn nhất. Từ năm 2021 đến nay, tốc độ tăng trưởng của đầu tư tư nhân đã giảm đáng kể. Hai năm gần nhất đều ở mức khá thấp: 2,7% trong năm 2023 và 7,7% trong năm 2024. Năm 2022 còn ghi nhận tăng trưởng âm. Trong khi đó, mục tiêu đặt ra là khu vực tư nhân nội địa phải tăng trưởng bình quân tới 15%/năm. Điều này cho thấy thực tế khối DN Việt vẫn đang rất khó khăn", TS Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận.

Lý giải rõ hơn về nhận định đầu tư tư nhân nội địa là yếu tố ẩn số, TS Lê Xuân Nghĩa chỉ rõ: Muốn khối DN tư nhân tăng trưởng tốt thì phụ thuộc rất nhiều vào đầu ra thị trường. Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, các chính sách thuế của Mỹ liên tục thay đổi, đầu ra xuất khẩu cho các DN ngành nông, lâm, ngư nghiệp, hàng công nghiệp chế biến của VN khá khó khăn. Khó về đầu ra thì DN sẽ hạn chế đầu tư. Trường hợp có đầu ra thì phải có vốn. Với DN Việt, vốn chủ yếu là từ vay tín dụng ngân hàng. Hiện nay, tuy hạn mức tín dụng của ngân hàng đã nới thoải mái nhưng điều kiện còn "cũ", tiếp cận còn khó. Các ngân hàng thương mại cần mở thoáng hơn về hệ thống điều kiện cho vay, chấp nhận các hình thức như cho vay tín chấp trên cơ sở đơn hàng xuất khẩu hoặc cho vay tín chấp trên cơ sở bảo lãnh thanh toán của nhà nhập khẩu… Như vậy, sẽ tạo điều kiện cho các DN Việt tự tin đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

"Ngoài ra, chiếm tỷ trọng rất lớn trong đầu tư tư nhân nội địa VN đến từ khối ngành bất động sản. Nếu nhanh chóng khôi phục lại thị trường này thì sẽ khơi thông được nguồn lực đầu tư rất lớn, chưa kể các ngành xây dựng, thiết kế… cũng sẽ tăng trưởng theo. Đi cùng với đó là tạo điều kiện bật lên mạnh mẽ ngành du lịch, dịch vụ… Nếu các thị trường này đồng loạt được kích hoạt, tăng tốc thì mục tiêu huy động nguồn vốn 4 triệu tỉ đồng đổ vào nền kinh tế trong năm nay hoàn toàn đạt được", TS Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Bài toán điều hành chính sách tiền tệ - tài khóa

Bên cạnh cung tiền luôn là nỗi lo lạm phát. Lường trước vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định: Việc thúc đẩy tăng trưởng GDP cao hơn để đất nước không dừng lại ở mức "tăng trưởng bình bình". Vì thế, chính sách tiền tệ tiếp tục được điều hành linh hoạt, kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa (thuế, phí, tăng thu, tiết kiệm chi...) để tạo không gian thuận lợi cho người dân, DN sản xuất, kinh doanh. Do vậy, có thể phải hy sinh một phần lạm phát.

4 Triệu tỉ đồng cho tăng trưởng GDP 2025: Vốn từ đâu? - Ảnh 3.

Tăng trưởng tín dụng năm 2025 ở mức 16% để thúc đẩy kinh tế phát triển

ẢNH: NGỌC THẮNG

"Tuy nhiên, VN vẫn ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao. Chỉ số về lạm phát cũng được đề nghị điều chỉnh lên bình quân khoảng 4,5 - 5%", Thủ tướng nêu rõ quan điểm.

Theo tính toán từ Ngân hàng Nhà nước, năm 2023, GDP tăng trưởng gần 7% thì tăng trưởng tín dụng ở mức 14,55%. Năm 2024, GDP tăng trưởng 7,09% thì tín dụng tăng trưởng 15,08%. Trung bình hơn 2% tăng trưởng tín dụng sẽ giúp tăng trưởng 1% GDP. Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%. Nếu tăng trưởng kinh tế đến 10%, tăng trưởng tín dụng phải ở mức 18 - 20%. Với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, tương đương số tiền bơm ra nền kinh tế năm nay khoảng 2,5 triệu tỉ đồng. Do vậy, áp lực lạm phát sẽ tiếp tục gia tăng.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhận định: Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao từ 8% trở lên thì phải thực hiện nới lỏng cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Dòng tiền thúc đẩy ra thị trường nhiều hơn, nếu không hấp thụ được thì áp lực lạm phát gia tăng là dễ thấy.

"Việc đẩy tăng trưởng tín dụng cao hơn trong khi nhu cầu vốn của các DN chưa nhiều; thị trường tiêu dùng trong nước còn thấp thì người dân cũng không có nhu cầu tín dụng. Liệu dòng vốn có chảy vào các hoạt động đầu cơ, tạo nên bong bóng tài sản như bất động sản, chứng khoán, vàng… hay không? Song song đó, thúc đẩy đầu tư công là rất tốt nếu các dự án đúng tiến độ, không bị đội vốn sẽ làm gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Nhưng ngược lại nếu đầu tư công dàn trải không hiệu quả thì sẽ tạo ra chèn ép đầu tư tư nhân và góp phần gây lạm phát. Vì vậy, với quyết tâm đưa kinh tế VN tăng trưởng cao thì cần phải có những chính sách đồng bộ để giải tỏa nguy cơ và áp lực nêu trên", TS Việt lưu ý.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Tú Anh, nguyên Vụ trưởng, Ban Chính sách chiến lược Trung ương, lại tỏ ra không quá lo ngại. Theo TS Anh, đối với các nước đang phát triển như VN thì cung tiền ra nhiều không hẳn sẽ gây ra lạm phát. Lạm phát chỉ xảy ra khi tổng cung không kịp đáp ứng với tổng cầu tăng lên. Tuy nhiên, với quy mô kinh tế còn nhỏ và độ mở lớn như VN thì tổng cung có thể đáp ứng thông qua nhập khẩu. Vì vậy, nguy cơ lạm phát cao hơn là có nhưng không nhiều. Nguy cơ lớn nhất đó là tiền ra nhưng không đi vào khu vực sản xuất mà sẽ tập trung vào hoạt động đầu cơ các nhân tố sản xuất (đất đai, tài chính); điều này có thể làm lạm phát tài sản và kìm hãm quá trình phát triển. Nguy cơ này mới thực sự đáng quan tâm.

VN cần nguồn vốn hơn 4 triệu tỉ đồng, tương đương khoảng 160 tỉ USD, đây là một con số rất lớn. Do vậy, bên cạnh những nguồn vốn chuẩn bị từ ngân sách nhà nước thì thị trường vốn là kênh huy động rất quan trọng cho nền kinh tế, đặc biệt là để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng

Năm 2025 sẽ là một năm được thúc đẩy mạnh các hoạt động đầu tư công, cùng với các chính sách tiền tệ và tài khóa theo hướng nới lỏng một cách thận trọng thì có thể sẽ làm cho lượng cung vốn, cung tiền được đẩy mạnh ra ngoài, qua đó thúc đẩy tổng cầu của nền kinh tế. Bên cạnh đó, VN vẫn đang được xem là một điểm đến hứa hẹn của các nhà đầu tư nước ngoài. Xét về tổng cung, các hoạt động đầu tư của DN Nhà nước và nước ngoài cũng giúp nâng cao sản lượng tiềm năng và năng suất nhân tố tổng hợp của nền kinh tế. Các dự án lớn được triển khai và hoàn thành cũng giúp nâng cao hạ tầng hỗ trợ cho sự phát triển của nền kinh tế. Bên cạnh các động lực tăng trưởng truyền thống, có hai yếu tố sẽ tác động tích cực lớn với nền kinh tế là cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy Nhà nước và chuyển đổi số. Đồng thời, khi Chính phủ thực hiện tinh gọn bộ máy thì khoản chi dành cho hoạt động này cũng là một khoản vốn lớn đổ vào nền kinh tế, tạo nguồn cung vốn cho các định chế tài chính hoặc cho các hoạt động khởi nghiệp phát triển trong năm 2025 và các năm tiếp theo. Cùng đó, sự hồi phục của ngành du lịch, đặc biệt là du lịch nước ngoài, được hứa hẹn sẽ phát triển trong năm 2025.

TS Nguyễn Tú Anh (nguyên Vụ trưởng,
Ban Chính sách chiến lược Trung ương)

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 3,692 triệu tỉ đồng, tăng 7,5% so với năm 2023, bao gồm:

Vốn khu vực Nhà nước đạt 1,019 triệu tỉ đồng, chiếm 27,6% tổng vốn, tăng 5,3%;

Khu vực ngoài Nhà nước đạt 2,064 triệu tỉ đồng, chiếm 55,9%, tăng 7,7%; Khu vực FDI đạt 608.600 tỉ đồng, chiếm 16,5% và tăng 10,6%.

Tổng cục Thống kê đánh giá mức tăng 7,5% năm 2024 cao hơn so với mức tăng 6,6% của năm trước đã phản ánh sự phục hồi tích cực của hoạt động sản xuất kinh doanh.


Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao